Ý thức người dân là yếu tố quan trọng nhất!

Trước thềm năm mới, Việt Nam vừa phải đón nhận một thông tin bất lợi khi ca biến chủng mới Omicron đã xâm nhập. Trò chuyện cùng Nhân Dân cuối tuần, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Thời điểm này, công tác chống dịch cần phải được tăng cường ở tất cả các cấp, ngành và đặc biệt tránh tâm lý chủ quan của mỗi người dân.

Ý thức người dân là yếu tố quan trọng nhất!

- Thưa ông, trong bối cảnh dịch phức tạp hiện nay, các tuyến y tế cơ sở cần làm gì để phân luồng, điều trị tốt bệnh nhân Covid-19, tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên?

- Khi số ca mắc tăng cao, các địa phương cần phải nhất quán trong việc cách ly, điều trị tại nhà các trường hợp nhẹ, không triệu chứng. Y tế cơ sở chỉ chuyển tuyến với những ca bệnh có diễn biến nặng. Tuy vậy, để làm được điều đó, các cán bộ y tế cơ sở phải hỗ trợ tối đa cho người dân các kiến thức tự cách ly, điều trị; cung cấp nhanh nhất thuốc thiết yếu, đặc biệt là thuốc kháng virus cho F0 điều trị tại nhà.

Để y tế tuyến cơ sở quản lý, điều trị tốt F0 thể nhẹ, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ này. Theo đó, trạm y tế lưu động, trung tâm y tế xã, phường cần sớm được tập huấn điều trị F0. Đồng thời có chính sách huy động sinh viên ngành y hoặc các y, bác sĩ về hưu làm lực lượng dự bị trong trường hợp lực lượng tuyến đầu bị quá tải.

Điều quan trọng không kém, các cán bộ y tế cơ sở cần theo dõi, quản lý F0 tại nhà chu đáo, sát sao, tránh trường hợp người mắc Covid-19 chậm được cấp phát thuốc, chậm được chuyển tầng khi có biểu hiện nặng, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, với các tỉnh, thành phố đang tăng cao ca mắc Covid-19, cần phải thành lập các trung tâm điều phối thuốc để bảo đảm cung cấp thuốc kịp thời cho người nhiễm. Năng lực xét nghiệm cần tăng tốc, bảo đảm trả kết quả dưới 12 giờ, hạn chế tình trạng chờ kết quả xét nghiệm nhiều ngày như thực tế đã từng diễn ra thời gian qua.

- Thưa ông, cần làm gì để không lặp lại tình trạng F0 không được điều trị kịp thời đã từng xảy ra ở TP Hồ Chí Minh?

- Tôi cho rằng chuyên môn kỹ thuật hay hồi sức cấp cứu không phải điều quá sức với ngành Y tế. Vấn đề chính là các trường hợp diễn biến nặng phải được phát hiện kịp thời. Đây là bài học xương máu rút ra được từ làn sóng dịch ở TP Hồ Chí Minh. Vậy nên, yếu tố quan trọng nhất nhằm hạn chế ca bệnh nặng, tử vong là cơ sở y tế đánh giá đúng được tình trạng của bệnh nhân để có hướng xử lý thích hợp.

Để làm được điều này, các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý điều trị chặt chẽ ngay tại khu điều trị Covid-19, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh viện phải chuẩn bị tốt, cung ứng đầy đủ giường hồi sức cấp cứu, thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy, bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế.

Một điều quan trọng khác là bệnh viện tuyến trên cần tăng các buổi đào tạo, tập huấn chuyên môn về hồi sức cấp cứu cơ bản cũng như nâng cao cho bác sĩ và điều dưỡng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

- Ngoài sự chủ động từ hệ thống y tế, ông có khuyến cáo nào với người dân trong dịp Tết 2022 để giảm các nguy cơ bùng phát dịch, nhất là khi biến chủng mới Omicron đã xâm nhập?

- Nếu không có các biện pháp để kiềm chế tốc độ lây lan dịch tại các địa phương mà cứ để dịch leo thang, khả năng quá tải hệ thống y tế rất dễ xảy ra. Cùng với đó, ca mắc tăng nhanh đồng nghĩa với số F0 phải nhập viện, tử vong cũng tăng theo. Những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao nên có các biện pháp kiềm chế tốc độ lây lan như dừng một số hoạt động nguy cơ cao, không thiết yếu ở những địa bàn vùng cam, vùng đỏ; hạn chế đến mức thấp nhất sự kiện đông người trong phòng kín, các hoạt động vui chơi tập trung dịp lễ, Tết.

Với các hệ lụy có thể gây ra bởi biến chủng mới Omicron thời gian tới, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động giám sát để phát hiện sớm ca bệnh nhằm khoanh vùng, dập dịch, tránh để virus xâm nhập sâu vào cộng đồng rồi mới phát hiện, khi đó, tình hình sẽ rất phức tạp và nguy hiểm.

Bên cạnh thiết chế quản lý, các địa phương cũng cần nâng cao tinh thần tự giác của người dân, như tuân thủ 5K, hạn chế ăn uống, liên hoan dịp cuối năm. Ngày lễ, Tết cũng tránh đi thăm hỏi quá nhiều người, nhất là hạn chế tiếp xúc người già, trẻ em, người nhiều bệnh nền.

- Vậy theo ông, chúng ta có nên giãn cách trên diện rộng khi dịch đang có nguy cơ lây lan nhanh như hiện nay?

- "Sống chung với Covid-19" cũng có nghĩa là không thể phong tỏa, đóng cửa như thời gian trước. Với các tỉnh, thành phố có vài nghìn ca mắc/ngày thì bài toán đặt ra là cơ quan chức năng không thể truy vết được hết các trường hợp F0 ở cộng đồng, vậy nên theo tôi chúng ta chỉ nên tập trung vào những trường hợp có biểu hiện nặng, vào bệnh viện nhằm giảm số ca mắc nặng, giảm số tử vong.

Về phía địa phương, hai dịp nghỉ lễ lớn cận kề, phải quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về địa bàn, tuyên truyền thường xuyên để người dân khi về nghỉ lễ không được tụ tập đông người nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch. Đặc biệt, việc tiêm vaccine vẫn đóng vai trò chủ đạo nhằm phòng, chống dịch, do vậy các tỉnh, thành phố cần hoàn thành sớm nhất hai mũi vaccine, tăng tốc tiêm mũi bổ sung cho các đối tượng hơn 12 tuổi, nhất là các đối tượng nguy cơ cao, tránh bỏ sót, bỏ lọt đối tượng cần tiêm.

- Xin cảm ơn ông! 

Khi thích ứng, sống chung với dịch, ý thức của người dân trở thành yếu tố quan trọng nhất. Muốn vậy, công tác truyền thông phải thật tốt để hướng dẫn cụ thể cho người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, không hoang mang thái quá song cũng không chủ quan, thờ ơ.