Xây dựng, khai thác tối ưu nguồn tài nguyên

Được vận hành từ đầu tháng 7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, kết nối, liên thông, là tài nguyên phục vụ tiến trình xây dựng xã hội số, đang từng bước phục vụ hữu ích cho đời sống người dân, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế đất nước.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên ngoài ngành Công an được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nguồn: Báo Thanh tra
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên ngoài ngành Công an được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nguồn: Báo Thanh tra

Càng sử dụng càng tạo giá trị

Từ ngày 1/6/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp ngành y tế chính thức triển khai việc sử dụng ứng dụng VssID (bảo hiểm y tế số), từ đó việc cài đặt ứng dụng VssID đã trở nên khá phổ biến, được người dân hưởng ứng. Anh Trần Văn Tân ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã không phải mang thẻ bảo hiểm y tế giấy như trước đây nữa.

Chỉ cần cung cấp mã thẻ trên phần mềm cài đặt trong điện thoại, nhân viên y tế có thể nhập dữ liệu, nắm rõ được lịch trình khám, chữa bệnh của anh. “Nhờ ứng dụng bảo hiểm y tế số, các thông tin của tôi về quá trình khám, chữa bệnh cũng được cập nhật nhanh chóng, chính xác. Tôi cũng sẽ không sợ mất thẻ, rách, mờ số thẻ”, anh Tân chia sẻ.

PGS, TS Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, việc số hóa thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội sẽ giúp cơ quan bảo hiểm giảm thủ tục hành chính trong cấp đổi, thu hồi thẻ; giảm thời gian làm thủ tục giám định, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh. Đồng thời, giúp ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm. Về phía cơ quan bảo hiểm, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian tới, căn cước công dân, mã bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ được đồng bộ dữ liệu. Người dân khi đi khám, chữa bệnh chỉ cần dùng căn cước công dân hoặc điện thoại thông minh cài ứng dụng VssID.

Theo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay, hệ thống đang quản lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân. Đây là nguồn tài nguyên phục vụ cho tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại.

Cần khai thác tối ưu hơn

Sáu cơ sở dữ liệu quốc gia gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính. Các chuyên gia khuyến nghị, nhằm phục vụ tốt hơn đời sống người dân, cần tối ưu hóa các cơ sở dữ liệu, đồng thời tích hợp, liên thông tốt hơn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ, trong đó chú trọng hơn việc cập nhật các thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ số theo xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS, TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đưa vào hoạt động đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. Nếu cơ sở dữ liệu này được liên thông tốt hơn, chia sẻ, kết hợp với các cơ sở dữ liệu khác, sẽ góp phần rất quan trọng vào quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xây dựng các chức năng cho phép công dân được tra cứu các thông tin của mình qua cổng dịch vụ công quốc gia. Do vậy, cần tuyên truyền, hướng dẫn công dân cách thức thực hiện việc tự tra cứu thông tin trên cổng này. Hiện nay, nhiều chuyên gia kiến nghị các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp liên thông dữ liệu, hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp.

Bởi việc liên thông dữ liệu tốt, an toàn, tiện lợi là một trong những điều kiện để đánh giá sự thành công của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Cư trú sửa đổi, trong đó chuẩn bị tốt cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế, việc giao dịch của người dân qua các giao dịch trực tuyến, các giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay còn nhiều vướng mắc, như: khó sử dụng, chậm kết nối, chưa liên thông với thuê bao điện thoại, thủ tục đổi bằng lái xe trực tuyến mất nhiều thời gian, phức tạp trong xác định tình trạng hôn nhân… Tất cả những vướng mắc trên cần sớm được quan tâm giải quyết để nguồn tài nguyên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát huy hiệu quả, phục vụ tích cực cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

DIÊN KHÁNH