Trong vòng xoáy Covid-19

Nhiều trẻ nhỏ phải tạm rời gia đình, xa người thân trong sợ hãi để đi cách ly, điều trị bệnh. Khốc liệt hơn, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư ập đến như cơn lốc, khiến cho nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, hàng nghìn cảnh mồ côi.

Tổ chức Tết Trung thu sớm cho trẻ em đang điều trị Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Nguồn: hcmcpv.org.vn
Tổ chức Tết Trung thu sớm cho trẻ em đang điều trị Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Nguồn: hcmcpv.org.vn

Nỗi lo “đại dịch ẩn”

Kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát mạnh tại nhiều địa phương, trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và cần được quan tâm, hỗ trợ nhất. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, tính tới đầu tháng 9/2021 cả nước ghi nhận 11.822 trẻ em là F0, 27.334 trẻ em là F1. Tại Hà Nội, 5% số ca nhiễm trong tháng 7 là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi. Tại các địa phương khác đang phải giãn cách xã hội, nhiều tháng liền trẻ em không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần. Với TP Hồ Chí Minh, ngày 14/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP thông tin con số chấn động: Thành phố có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì Covid-19, trong đó hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên.

Các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 tác động lớn tới tâm lý, tâm thần của trẻ cả trong hiện tại và tương lai. Điều lo ngại khi phải tập trung vào chống dịch, nhiều nơi có thể đã quên rằng những trẻ em mồ côi bởi Covid-19 cũng là một “đại dịch ẩn” bởi phải đột ngột gánh chịu nỗi đau quá lớn. Nguy cơ khủng hoảng tâm lý xảy ra sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt với một tương lai không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất.

Thêm nữa, giãn cách kéo dài cũng khiến cho trẻ cảm thấy tù túng, không được giao lưu với bạn bè, không được ra ngoài khám phá thế giới chung quanh. Dù thế nào đi nữa, bối cảnh xã hội trong đại dịch vẫn phủ bóng đen và len lỏi vào từng gia đình, càng khiến trẻ thấy căng thẳng, áp lực.

Các nghiên cứu chỉ ra sự gia tăng các triệu chứng bên trong (lo lắng và trầm cảm), các triệu chứng bên ngoài (hành vi gây rối và chống đối), và các triệu chứng thể chất liên quan đến căng thẳng (như đau đầu, đau bụng) ở trẻ em và thanh thiếu niên kể từ khi bắt đầu đại dịch. Nhiều vụ xung đột trong gia đình càng khiến tâm lý của trẻ bị tác động. Có những trẻ có thể thu mình lại, không giao tiếp, chuyện trò, chia sẻ được với ai, dẫn đến tự kỷ, rối loạn cảm xúc, lo âu, trầm cảm. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng này không được điều trị, có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển lành mạnh của trẻ trên phương diện cảm xúc, hành vi và thể chất.

Trong vòng xoáy Covid-19 -0
 Vui khỏe ngày giãn cách. Ảnh: Nguyễn Đăng

Tiếp cận từ góc độ quyền trẻ em

Liên quan việc hỗ trợ trẻ mồ côi vì Covid-19, phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết định hỗ trợ một triệu đồng cho mỗi bé là con của sản phụ mắc Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021. Đồng thời, hỗ trợ hai triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch cũng trong khoảng thời gian này.

Về những giải pháp hỗ trợ cho đối tượng đặc biệt là trẻ em, các chuyên gia nhìn nhận, mỗi tỉnh, thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để có được những đánh giá bao quát và kịp thời làm cơ sở xây dựng giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn trong khu phong tỏa, khu cách ly tạm thời. Trước mắt, cần ưu tiên cứu chữa trẻ em bị nhiễm Covid-19; đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa ứng phó, đặc biệt bảo vệ trẻ trong các khu cách ly tập trung và các em F0, F1 đang điều trị tại gia đình.

Tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan chức năng cần thường xuyên nắm tình hình, hoàn cảnh gia đình các em để có hình thức giúp đỡ căn cơ, nhất là việc kết nối để bảo trợ học tập cho các em. Ngoài ra, mạng lưới an sinh xã hội cũng cần tính đến việc hỗ trợ sinh kế để người lớn trong gia đình sớm ổn định cuộc sống, chăm sóc được cho các em.

Từ góc độ bảo đảm quyền trẻ em, cũng cần nghiên cứu về sự tác động của Covid-19 để ban hành các chính sách pháp luật ứng phó trong tình trạng khẩn cấp; đồng thời tạo mạng lưới kết nối trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các hoạt động công tác xã hội cần được triển khai trên cơ sở có sự tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em, môi trường sống, học tập, nhu cầu, nguyện vọng đi cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng, xã hội nhằm giúp các em sớm ổn định cuộc sống và có điều kiện phát triển toàn diện.

Làn sóng dịch thứ tư cũng khiến cho đối tượng trẻ em bị nhiễm bệnh tăng cao. Hiện có một số nước đã và đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Còn độ tuổi dưới 12 vẫn chưa có vaccine thử nghiệm. Tại Việt Nam, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân viên y tế, tạp vụ chăm sóc trẻ em trong khu cách ly; đồng thời cũng đã có hướng dẫn tiêm cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần. Khi Việt Nam có vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi, sẽ ưu tiên tuyệt đối cho trẻ em. Hiện số trẻ em theo cha mẹ đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp không phải là ít, có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 rất cao. Vì vậy, cần ưu tiên tiêm cho công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên, người lao động đang làm việc tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em cũng cần được bảo vệ. Chỉ khi làm tốt những điều này, mới có thể mở cửa trở lại trường học, các khu vui chơi, dịch vụ cho trẻ em.

Một điều không thể thiếu, đó là vai trò của mỗi gia đình. Muốn ngăn ngừa hiệu quả những sang chấn về tinh thần cho trẻ, cần hướng đến việc tạo ra cảm giác an toàn và thoải mái khi ở nhà. Chẳng hạn, có thể tổ chức những hoạt động vui chơi mang tính chất quây quần gia đình hay giúp trẻ kết nối với người thân và bạn bè từ xa qua trò chuyện trên nền tảng số, hoặc viết thư cho người thân… Một lưu ý, ngay chính các bậc cha mẹ cũng nên tự kiểm tra và theo dõi sức khỏe tinh thần của mình vì cách tương tác của cha mẹ với trẻ sẽ giúp tạo tiền đề cho cách trẻ nhìn nhận và đối phó với khoảng thời gian chưa từng có trong cuộc đời này.

Trên thế giới, nhiều bệnh viện nhi đã báo cáo sự gia tăng 100% số ca nhập viện vì các vấn đề sức khỏe tâm thần, tăng 200% số ca nhập viện vì sử dụng chất gây nghiện và có ý định tự tử. Một nghiên cứu trên 80.879 trẻ em và thanh, thiếu niên trên toàn cầu (công bố vào tháng 8/2021 trên JAMA Pediatrics) cho thấy, số trẻ em phải trải qua triệu chứng trầm cảm và lo âu lần lượt là 25,2% và 20,5%. Tỷ lệ này đã tăng cao gấp đôi so trước đại dịch.

Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương Giang và Nguyễn Hà.