Ở nhà, vui thật vui!

Kỳ nghỉ hè đến sớm đầy bất ngờ của các con đang khiến cho nhiều phụ huynh lâm vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Mọi kế hoạch du lịch xa gần, những dự định cho con vui học hè đột nhiên tan thành mây khói bởi con vi-rút đầy ám ảnh. Làm sao để các em trải qua một mùa hè “nhốt kín”?

Thiếu nhi quận Hoàn Kiếm hào hứng tự tay làm từng tấm chắn giọt bắn dành tặng các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 (ảnh chụp trước ngày 29-4-2021).
Thiếu nhi quận Hoàn Kiếm hào hứng tự tay làm từng tấm chắn giọt bắn dành tặng các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 (ảnh chụp trước ngày 29-4-2021).

Sáng kiến mùa Covid

“Con lấy ý tưởng từ việc trồng cây bảo vệ Trái đất. Bức tranh có Trái đất làm trung tâm, một bên là người đang cầm rìu, và Trái đất đang bị thương, đang khóc vì bị chặt phá rừng. Đó là việc không nên làm, nên chung quanh chỉ toàn mầu xám. Còn một bên là bác sĩ đang muốn chữa bệnh cho Trái đất, và Trái đất được chữa lành thì cười vui vẻ, không gian chung quanh là mầu xanh, sạch sẽ. Mỗi người chúng ta hãy là những bác sĩ có thể giúp cho Trái đất, bằng cách trồng nhiều cây xanh, không xả rác ra môi trường,…” - đó là phần trình bày của em Lê Hương Thảo (tám tuổi) về ý tưởng tác phẩm tham gia cuộc thi vẽ tranh chủ đề môi trường Trái đất không chờ đợi, do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save The Children) phát động.

Chỉ trong một tháng, rất nhiều bức tranh đã được cha mẹ các em gửi về, và đăng lên mạng xã hội. Cuộc thi không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của trẻ về các vấn đề biến đổi khí hậu, mà còn được diễn ra trong thời gian cả nước đang phải giãn cách để phòng, chống dịch bệnh, giúp tạo thêm hoạt động cho các em khi phải hạn chế ra khỏi nhà. Hơn nữa, nhiều phụ huynh đã tâm sự rằng: “Cùng con vẽ tranh tham dự các chương trình như thế này không chỉ giúp mình yên tâm công tác hơn, con vẫn có hoạt động để làm, mà còn giúp mình hiểu con hơn”. 

Ngay khi cuộc thi vẽ tranh khép lại thành công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Good Neighbors và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng, chống lao động trẻ em” dành cho mọi đối tượng tham gia. Bên cạnh vẽ tranh, âm nhạc cũng là hình thức thu hút sự thích thú của trẻ em.

Hay như Lê Bảo Hân (lớp bốn), từ cuối tháng 4 đến nay, em không có nhiều thời gian rảnh, cả ngày em đều sẽ cố gắng làm thật nhiều tấm chắn giọt bắn dành tặng các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Đây là hoạt động do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Hoàn Kiếm, Hội đồng Đội quận chỉ đạo các liên đội phát động trong đội viên, thiếu niên nhi đồng triển khai làm tấm chắn giọt bắn gửi tặng các y, bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch và các điểm bầu cử. 

Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh các trường trên địa bàn quận. Chỉ trong thời gian ngắn, Quận Đoàn đã nhận 2.000 tấm chắn, món quà ý nghĩa được các em gửi về.

Bên cạnh các chương trình đó, nhiều lớp kỹ năng sống mùa hè cũng nhanh chóng chuyển sang phương thức tổ chức trực tuyến, để các em có thể tham gia trong khi cách ly tại nhà... 

Thu hẹp khoảng cách

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam, bày tỏ lo ngại: “Nhiều sáng kiến đã được phát động, nhưng các em vẫn phải trải qua kỳ nghỉ hè sớm trong không gian kín, không được tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa. Do vậy, tôi mong có được thật nhiều sáng kiến, nhiều hoạt động theo dạng lập nhóm, với hình thức trực tuyến thôi cũng được để các em vẫn có thể tương tác, phát huy tinh thần làm việc theo nhóm”. 

Làm sao để có thể vừa đi làm vừa lo toan cho con cái ở nhà là một áp lực không nhỏ đối với nhiều bậc phụ huynh. Muốn quản được con, cha mẹ đầu tư camera khắp nhà, vừa làm vừa canh màn hình điện thoại để ứng phó cho con trong trường hợp khẩn cấp. Vì thế mà hiệu quả công việc không cao, trong khi con cái có tâm lý không thoải mái. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng tìm được cách tiếp cận đúng trong việc bảo vệ con tại gia đình, vậy nên đã có nhiều trường hợp cha mẹ và con cái không tìm được tiếng nói chung. Theo Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111, chỉ trong tuần đầu sau khi học sinh nhiều tỉnh, thành phố phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, các cuộc gọi tham vấn quan hệ ứng xử trong gia đình ngay lập tức tăng lên.

Để tìm giải pháp cho thực trạng này, ThS Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ: “Thời gian giãn cách nên được xem như khoảng thời gian vàng để gắn kết tình cảm gia đình. Các câu hỏi đơn giản mỗi ngày như “Hôm nay con đã xem những gì trên mạng?”, “Có điều gì làm con cảm thấy không thoải mái không?”,… để kịp thời nắm được hoạt động của con và hướng dẫn, hỗ trợ khi cần thiết, là điều mà tôi luôn khuyên các phụ huynh”.

Bên cạnh việc khuyến khích con tham gia các hoạt động do các trung tâm phát động, cha mẹ tự tạo thêm các hoạt động vui chơi lành mạnh cũng là phương pháp hiệu quả nhằm giảm thời gian chán nản của trẻ em khi phải ở trong nhà. Thí dụ như, mỗi ngày trước khi đi làm bố mẹ có thể giao cho con nhiệm vụ dọn dẹp tủ quần áo, bàn học của chính các con. Và giấu ở các vị trí đó những món quà nhỏ để kích thích sự hứng thú cho trẻ. Hoặc nhiệm vụ mỗi ngày một quyển sách thiếu nhi,… Các hoạt động nhỏ như vậy không chỉ bảo đảm trẻ được vận động, mà còn giúp giảm thời gian nhàn rỗi, tránh cho các em có những tác động tiêu cực đến tâm lý, hay nghịch ngợm gây nguy hiểm tới bản thân.

Thích ứng với bối cảnh cuộc chiến chống dịch căng thẳng, chắc chắn sẽ khó khăn với cả người lớn, lẫn trẻ em. Thế nhưng, thay vì để trẻ em nhớ về mùa hè năm nay với “trở ngại” và “khoảng cách” thì mỗi gia đình hoàn toàn có thể tạo nên một trải nghiệm mùa hè thật đặc biệt. Có lẽ, hành trang sau này của các em sẽ “giàu có” hơn vì những kỷ niệm gắn kết của ngày hôm nay.