Nối dây cho diều

Công nghiệp điện ảnh - vốn đảm nhận vai trò tiên phong trên lộ trình phát triển công nghiệp văn hóa, được kỳ vọng sẽ là "sợi dây nối dài" giúp những "con diều" du lịch, thời trang, tổ chức lễ hội, nghệ thuật biểu diễn… bay cao, vươn xa và thỏa sức chinh phục những chân trời mới.

Hạ Long được chọn làm bối cảnh cho nhiều trường đoạn trong phim Đông Dương.
Hạ Long được chọn làm bối cảnh cho nhiều trường đoạn trong phim Đông Dương.

Bệ phóng hữu hiệu

Một điểm đến trở thành thỏi nam châm với đông đảo du khách quốc tế, chỉ nhờ sức hấp dẫn của một tác phẩm điện ảnh là điều không lạ. Bộ ba Chúa Nhẫn (Lord of the Ring) cùng phim về xứ sở người lùn Hobbit đã thu hút lượng khách du lịch tăng vọt cho New Zealand. Hai hòn đảo Jeju và Nami (Hàn Quốc) lột xác từ hiện tượng Trái tim mùa thu - Bản tình ca mùa đông. Du lịch Thái Lan khởi sắc sau khi được James Bond 007 ghé thăm trong Tomorrow never dies. Và Dharavi (Ấn Độ) đã trở thành điểm đến nổi tiếng, khi Triệu phú khu ổ chuột giành tượng vàng Oscar…

Không thể không nhắc tới ấn tượng đậm nét từ Người tình, Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng, Kong - Đảo Đầu lâu… đã biến thị xã Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, bến phà sông Hậu, phố cổ Hội An, nhà thờ Đức Bà cùng ba di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long - Tràng An - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng)… trở thành những địa chỉ không thể bỏ qua của du khách quốc tế trong hành trình khám phá dải đất hình chữ S. Giám đốc Vietindo Travel Thái Thanh Lan cho biết: "Hầu hết khách Pháp mà chúng tôi đưa tới Việt Nam đều chọn theo dấu hành trình của Jane March và Catherine Deneuve, trong hai tác phẩm lớn L’amant và Indochine. Mấy thập niên đã trôi qua, vậy mà sức hấp dẫn từ chúng vẫn chưa hề giảm nhiệt".

Không chỉ nhờ vào hiệu ứng lan tỏa của những phim "bom tấn" Pháp - Mỹ, phim hợp tác hay nội địa cũng trở thành nhịp cầu hữu hiệu giúp quảng bá rộng rãi một Việt Nam đậm đà bản sắc, với những nét đẹp bí ẩn mời gọi khám phá. Cao nguyên đá Hà Giang khoe sắc trong Chuyện của Pao, hồ Ba Bể đẹp ma mị trong Hạt mưa rơi bao lâu. Dấu ấn văn hóa Nam Bộ đậm đặc trong Mùa len trâu. Hay vài năm trước là hiện tượng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã giúp neo đậu cái tên Phú Yên trong trí nhớ những người mê du lịch.

Trong cuộc hội thảo bàn tròn với chủ đề "dùng phim ảnh để quảng bá du lịch", nhà báo Frederick Ferrer từng chia sẻ: "Ở Pháp, quảng bá du lịch qua điện ảnh vô cùng quan trọng. Và thực tế cũng ghi nhận lượng khách gia tăng mạnh mẽ khi điện ảnh và du lịch có sự gắn kết với nhau. Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều này vì các bạn có một đất nước xinh đẹp, những con người dễ mến và lịch sử hào hùng. Nếu các bộ phim nêu bật được những điều tuyệt vời ấy thì đó chính là lời mời thuyết phục nhất để những du khách quốc tế đến với đất nước của các bạn".

Phim ảnh cũng đã trở thành công cụ hữu hiệu mang những tinh túy văn hóa, tinh hoa ẩm thực, sắc màu lễ hội tới đặc sắc thời trang, độc đáo làng nghề, hấp dẫn sản phẩm thủ công truyền thống… đi muôn nơi. Nước mắm Phan Thiết lên phim Hải Nguyệt, lụa tơ tằm vào Áo lụa Hà Đông… Rồi ca trù bước vào Thời xa vắng, quan họ lúng liếng trong Đến hẹn lại lên, khắc khoải cải lương nhấn nhá với Song lang… Như những phông nền nhấn nhá, gợi mở đầy thu hút.

Liên kết, nâng đỡ và cộng hưởng cùng phát triển

Là ngành nghệ thuật tổng hợp, công nghiệp điện ảnh sở hữu thế mạnh liên kết, cộng hưởng và nâng đỡ phát triển với nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ. Như lý giải của TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, "một bộ phim bao giờ cũng gắn với con người, bối cảnh, đạo cụ và tình huống cụ thể, nói khái quát là in đậm bản sắc của một dân tộc. Cụ thể hơn, tác phẩm ấy chứa đựng những nội dung và hình ảnh quảng bá cho đời sống, địa danh, sản phẩm và dịch vụ...". Bởi thế, cũng theo bà Lan, "phổ biến một bộ phim vừa giúp lan tỏa các yếu tố khái quát và cụ thể nêu trên, đồng thời tại các sự kiện điện ảnh liên quan có thể lồng ghép nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm đa dạng khác. Tất cả chuỗi sản phẩm và dịch vụ này cộng hưởng với thành công của phim sẽ giúp từng mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất và lưu thông sản phẩm đều được lợi, trở thành chu trình khép kín để tái sản xuất".

Có thể thấy, việc quảng bá du lịch, mà rộng hơn là quảng bá hình ảnh đất nước thông qua điện ảnh đã được nhiều quốc gia triển khai hiệu quả và gặt hái được nhiều thành công. Khi đoàn phim nước ngoài ghi hình tại địa phương, cái lợi rõ rệt nhất là nguồn thu từ nhân công cùng các dịch vụ bổ trợ đi kèm, bên cạnh cơ hội nâng cao tay nghề cho đội ngũ điện ảnh trong nước.

Ngoài ra, phim ảnh đã chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình trong nỗ lực lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa, mở ra những lựa chọn mới đầy hấp dẫn trong tiêu dùng sản phẩm cho lớp khán giả trẻ hôm nay. Nói như nhạc sĩ Quốc Trung, "Một bộ phim hay ngoài việc mang lại doanh thu cho ngành công nghiệp văn hóa còn tạo nên những xu hướng mới mà giới trẻ gọi là trend, có thể xây dựng một thói quen tiêu dùng hiệu quả hơn rất nhiều so những thứ phải vận động theo cách giáo điều, kém hiệu quả… Chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, họ đánh giá và xây dựng công nghiệp văn hóa từ cách tiếp cận theo tư duy thị trường, thông qua thị trường để kích thích sự sáng tạo, thu hút sự quan tâm của công chúng".

Rồi đây, những câu chuyện kể hấp dẫn về phở, về nem, về những loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO vinh danh những lát cắt lịch sử hào hùng suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước giữ nước… sẽ lần lượt được điện ảnh bắc nhịp cầu. Để những mắt xích trong chuỗi liên kết như quảng cáo - triển lãm- nghệ thuật biểu diễn - tổ chức lễ hội - thời trang - nghề và sản phẩm thủ công truyền thống - hàng tiêu dùng… được cộng hưởng để cùng phát triển. Tương lai ấy hoàn toàn có cơ sở nếu chúng ta có một chiến lược xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh khoa học, hợp lý và phù hợp quy luật thị trường.