Những ngày như mọi ngày

Ngày 9/2/2020, vừa qua rằm tháng Giêng, mọi người vừa quay lại làm việc được ít bữa. Thực chất, "tháng Giêng là tháng ăn chơi", và đó vẫn là lúc người người gặp gỡ chúc tụng nhau, mai đào vẫn chưng khắp chốn và không khí Tết vẫn còn. Nhưng hôm đó, có 15 con người lênh đênh trên bầu trời trong một hành trình chưa từng có: giải cứu công dân từ vùng dịch bệnh. Họ là thành viên phi hành đoàn của chuyến bay giải cứu công dân từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về nước.

Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1992, quê ở Đồng Hới - Quảng Bình) cùng "Đội xe 0 đồng Quảng Bình" đã chuyên chở hàng trăm lượt bệnh nhân từ viện về nhà và ngược lại, chỉ bởi "nhìn những hoàn cảnh đáng thương, làm sao tôi cầm lòng". Ảnh nhân vật cung cấp
Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1992, quê ở Đồng Hới - Quảng Bình) cùng "Đội xe 0 đồng Quảng Bình" đã chuyên chở hàng trăm lượt bệnh nhân từ viện về nhà và ngược lại, chỉ bởi "nhìn những hoàn cảnh đáng thương, làm sao tôi cầm lòng". Ảnh nhân vật cung cấp

Hai năm đã trôi qua như một giấc mơ siêu thực. Nhưng hẳn chưa ai quên rằng ở thời điểm đầu năm 2020 ấy, Covid-19 có hình hài đáng sợ thế nào trong tâm lý xã hội. Thời ấy, trên khắp thế giới, người ta "tẩy chay" cả người châu Á, còn tại Việt Nam, cộng đồng đếm đến cả… F3. Thời ấy, chính những người làm hàng không thừa nhận rằng "bay vào vùng dịch cảm giác không khác nào bay vào chỗ chết". Và Ban lãnh đạo Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) "tâm sự" trên báo chí rằng họ đã tính tới phương án phải chỉ định nhân sự để thực hiện các chuyến bay giải cứu. Vì chỉ mấy tuần trước đó, toàn bộ các chuyến bay đến Vũ Hán đã bị khẩn cấp hủy bỏ.

Nhưng không ai phải chỉ định ai. Khi lên kế hoạch chuyến bay đưa công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, tức là ngay khi Tết Nguyên đán đang diễn ra, hơn 100 con người đã giơ tay xin tình nguyện. Phi hành đoàn chỉ có 15 người, nhưng số người tình nguyện (chỉ tính riêng ngành hàng không, chưa tính ngành y tế), kể một câu chuyện lớn hơn rất nhiều, về cách mà người Việt Nam chuẩn bị cho hai năm tiếp theo: Vượt qua tất cả bằng nghị lực.

Vài tháng sau, trong chuyến bay giải cứu công dân từ Guinea Xích đạo, số người tình nguyện xin bay đã lên đến 150 người. Cần phải nói thêm: khi đó tâm lý xã hội vẫn đầy bất an, đến độ người ta vẫn có thể đuổi tiếp viên hàng không ra khỏi nhà trọ giữa đêm vì "sợ mang dịch".

Nếu hỏi một nhân viên khử khuẩn máy bay bước lên những chuyến bay từ vùng dịch trở về, vào tháng Giêng năm ấy, anh ta sẽ nói rằng mình rất sợ. "Nhưng mình không bước lên thì không ai bước lên máy bay của mình nữa", thật đơn giản.

Có anh kỹ thuật viên máy bay kể rằng năm đó, sau một chuyến bay giải cứu, ngay cả bố mẹ ra sân đình chơi cầu lông cũng bị đuổi về. Vợ con thì không kể, bị đối xử như những mầm bệnh hiển nhiên.

Mỗi ngành nghề đều có vẻ đẹp riêng, và những khó khăn vất vả riêng. Chuyện những phi công bao nhiêu năm bay là bấy nhiêu năm đón Giao thừa trên bầu trời, vốn không xa lạ. Có gì đâu. Anh lựa chọn cái nghề không có Tết, nhưng anh được đãi ngộ tốt mà! Chuyện cũng đẹp vừa phải. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh Covid, đặt trong bối cảnh của những thử thách tinh thần và thể chất mà thế hệ sinh ra sau chiến tranh chưa từng phải đối mặt, thì vẻ đẹp đó lấp lánh hơn bội phần: Cộng đồng chúng ta vượt qua được đại dịch và trụ vững, chính là bởi nghị lực của từng con người, trong từng vị trí mà xã hội trao cho họ.

Đồng lương" không phải là tất cả động cơ để người ta chiến đấu những ngày này. Không chỉ có bác sĩ hay bộ đội, mà quanh ta rất nhiều con người đang "chiến đấu", không phải vì miếng cơm manh áo như ngày thường mà vì cả trách nhiệm với cộng đồng. Thật ra, với nhiều nghề trong bối cảnh kinh tế này, đồng lương trông còn… không giống đồng lương.

Một người làm xuất nhập khẩu, sáng chạy xe từ Hà Nội lên Lạng Sơn để lo hàng hóa, đêm lại chạy xe về với gia đình. Anh sẽ làm thế suốt tháng Chạp. Đằng sau anh ta là những tiểu thương đã thất bát suốt hai năm, đang trông chờ cả vào chuyến hàng Tết, còn trước mặt anh ta là một đường biên giới dài tắc nghẽn vì dịch bệnh.

Một thương gia làm chế biến nông sản, vẫn đặt ra những thời hạn sản xuất tận thời điểm cận Tết. Vì thị trường của chị ở châu Âu, nơi người ta không nghỉ Tết. Còn phía sau lưng chị là hàng trăm đồng bào người Dao đang trồng quế trên núi-những người mà ngay cả lựa chọn "bán cho thương lái Trung Quốc" giờ cũng chẳng còn.

Và một ông chủ tịch doanh nghiệp vận tải lớn-người đủ tích lũy để nghỉ hưu luôn khi dịch bệnh mới bắt đầu-nhưng đằng sau có hàng nghìn con người ông không muốn phụ bạc. Tóc ông đã bạc trắng sau hai năm. Ông không còn ý niệm về Tết, khi đó là mùa có thể kiếm thêm chút ít nhằm duy trì sự tồn tại của công ty. Ông mất ngủ triền miên để suy nghĩ, mà động lực hoàn toàn không hề chỉ vì đồng tiền.

Tất cả chúng ta, trong một thử thách ngặt nghèo, đều nhận ra ý niệm về "trách nhiệm xã hội" thật ra không phải điều gì quá phi thường, cá biệt. Mỗi người chỉ cần làm được tốt công việc của mình đã mang lại hạnh phúc cho cộng đồng.

Tất cả họ đều là những chân dung bình thường, trong những ngày bình thường. Và họ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình là những anh hùng. Truyền thông cũng có xu hướng tìm kiếm những anh hùng khác. Nhưng thật ra, để cả một cỗ máy đi tới dù trước mặt là đá hộc, thì mọi cá thể đều cần mang tinh thần dấn thân.

Trong "kỷ nguyên Covid" này, chúng ta có một mơ ước kỳ lạ: Mơ ước được… sống bình thường. Và nếu có ai đó, những ngày cận Tết này, ứng xử với mọi thứ bình thường như ngày thường, cặm cụi làm công việc của họ, đó là điều, có lẽ, nên được biết ơn.