Kinh tế tuần hoàn đã bớt... xa vời?

Một Trung tâm Hỗ trợ DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn sắp được VBCSD thành lập nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi tuyến tính… Nhưng để nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá 4,5 nghìn tỷ USD mỗi năm từ việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, còn cần đến sự nhìn xa trông rộng trong xây dựng chính sách.

Trung bình, mỗi năm có hơn 15,7 triệu tấn tro xỉ được thải ra từ 20 nhà máy nhiệt điện than đang được xử lý bằng cách chôn lấp, đắp đống. Ảnh: Quỳnh Phương
Trung bình, mỗi năm có hơn 15,7 triệu tấn tro xỉ được thải ra từ 20 nhà máy nhiệt điện than đang được xử lý bằng cách chôn lấp, đắp đống. Ảnh: Quỳnh Phương

Đã bước sang quý cuối cùng của năm 2017, nhưng với DN sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, thì vẫn còn nguyên đó nỗi bức xúc của thời điểm đầu năm. Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tỷ lệ nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện giai đoạn 2016 - 2030 dự báo luôn ở mức cao. Đến năm 2020, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm khoảng 49,3%, năm 2025 tăng lên 55% và năm 2030 là 53,2% trong tổng sản lượng điện của cả nước.

Trung bình, mỗi năm có hơn 15,7 triệu tấn tro xỉ được thải ra từ 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với mức tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Hiện nay, nhà máy nhiệt điện đang đau đầu xử lý phát thải bằng cách chôn lấp, đắp đống, còn các DN sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) lại tiếc hì hụi nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì sao họ không gặp được nhau, đó là bởi hàng rào văn bản quy định được ban hành khi chưa nghiên cứu kỹ, và thiếu đi tầm nhìn dài hạn.

Cứ một triệu tấn tro xỉ có thể làm ra khoảng 600 triệu viên gạch không nung, nên nhiều nước đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu này…Một số nhà máy nhanh nhạy trong mua bán tro xỉ như Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng… cũng đã phải dừng lại vì Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (NĐ 38) quy định các nhà máy sản xuất VLXD phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường ghi rõ có sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện làm đầu vào... Và sau mấy quý kiến nghị, chờ đợi, đến giờ, thị trường mua bán tro xỉ vẫn phải tạm dừng chờ Thông tư hướng dẫn NĐ 38… Theo TS Trần Văn Lượng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), cần thiết phải sửa NĐ 38 theo hướng loại bỏ giấy phép “giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” để các DN sản xuất VLXD dễ dàng tiếp cận và xử lý tái chế nguồn tro xỉ nói trên. Đồng thời cần sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm VLXD… Tuy nhiên, kiến nghị này vẫn chưa có những biến chuyển trong thực tế.

Với nền kinh tế tuyến tính, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình sử dụng là chất thải. Nhưng giờ đây, việc sử dụng hàng hóa được chuyển đổi như là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là nền kinh tế tuần hoàn, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai. Điều đó góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua xây dựng nền kinh tế phát thải bằng 0. Tuy nhiên, với Việt Nam, không chỉ ngành sản xuất VLXD đang ngóng chờ các chế tài để kích hoạt thị trường phát thải.

Để tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tuần hoàn, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đang triển khai kế hoạch hình thành thị trường nguyên vật liệu cũng như xúc tiến và hiện thực hóa các sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Và trong bối cảnh hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn được thành lập sẽ là bà đỡ để kinh tế tuần hoàn không quá xa vời với các DNNVV.

Không phải ngẫu nhiên, chủ đề Nền kinh tế tuần hoàn được Diễn đàn DN phát triển bền vững 2017 lựa chọn làm một trong những nội dung của hội thảo chuyên đề. Bởi đã đến lúc, chúng ta phải xây dựng được thiết chế vận hành thị trường mua bán nguyên liệu xả thải, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo một cách hiệu quả… Chỉ như vậy, DN mới không coi khoản đầu tư ban đầu cho chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là gánh nặng. Trái lại, họ sẵn sàng cho một cuộc đua tìm kiếm giải pháp hình thành các chu kỳ tài nguyên khép kín!

Vai trò “bà đỡ” đối với nền kinh tế tuần hoàn, được thể hiện bắt đầu từ việc đưa ra những quy định chặt chẽ cho cả bên bán - bên mua, tạo nên cơ chế hỗ trợ cho đối tượng sản xuất bằng vật liệu mới, và làm sao thay đổi thói quen của người sử dụng…