Được sống là một đặc ân

Kathy Comerford không chỉ may mắn sống sót một cách kỳ diệu ở cận kề miệng hố tử thần. Bà là một trong số rất ít người kịp thoát khỏi số 3.000 nạn nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa Tháp đôi đủ bình tĩnh để kể lại những ký ức về ngày kinh hoàng 11/9 đó. “Tôi nghĩ việc đưa câu chuyện này cho thế hệ sau biết là điều quan trọng, bởi nhiều thanh, thiếu niên giờ đây không nghe tới điều đó nữa. Bọn trẻ cần biết về thời khắc ấy một cách chân thực nhất”, Kathy quyết định.

Ảnh: NIST
Ảnh: NIST

Cứu mình, cứu mọi người

Sáng 11/9/2001, bác sĩ Alan Sokolow đi làm như thường lệ. Văn phòng của ông tọa lạc ở tầng 19 tòa tháp phía bắc Trung tâm Thương mại thế giới (WTC). Ông phải có mặt tham dự buổi họp đầu ngày, nhưng bất chợt cảm thấy có những âm thanh và rung chấn lạ ngay trên đầu.

“Tòa nhà lắc lư một chút như thể vừa có động đất”, Sokolow hồi tưởng. “Trước khi tòa nhà rung lắc, tôi nghe thấy tiếng động cơ máy bay phản lực rất rõ. Điều đó chưa bao giờ xảy ra ở WTC cả”.

Khoảnh khắc đó diễn ra vào lúc 8 giờ 46 phút, khi chuyến bay mang số hiệu 11 đâm vào mặt phía bắc của tòa tháp phía bắc WTC. Toàn bộ khu vực từ tầng 93 đến 99 trở thành đống gạch vụn. Nói cách khác, máy bay đã ghim vào tòa nhà ngay phía trên đầu Sokolow lúc ông đang làm việc.

Những dấu hiệu về một thảm họa bắt đầu hiện ra. Từ bên cửa sổ, Sokolow và các cộng sự có thể thấy nhiều miếng kim loại rơi từ trên xuống. Ông liền gọi về nhà để hỏi thăm tình hình, và đó là lúc ông biết tin dữ. Phần thân của tòa tháp đang bốc cháy dữ dội ngay trên đầu ông. Cảm thấy có chuyện không ổn, Sokolow yêu cầu mọi người đi về phía cầu thang chuẩn bị sơ tán.

Sokolow kể: “Mọi thứ thay đổi rất nhanh. Mới phút trước mọi người còn cầm tách cà-phê đi lại trong phòng, ngay sau đó tất cả hốt hoảng vì ngửi thấy mùi xăng máy bay tràn ngập tầng 19. Chúng tôi khẩn cấp chạy về phía cầu thang bộ và dần đi xuống. Một số người bị bỏng khi xăng bùng lên. Những người có kinh nghiệm về y tế như tôi hỗ trợ các nhân viên cứu hộ sơ cứu cho người khác”.

Cảnh tượng kinh hoàng dần hiện ra khi những người ở phía trên Sokolow được chuyển xuống. Một nhân viên tòa nhà bị thương nặng ở vai và ngực bởi áp lực vào lúc máy bay va chạm. Mắc kẹt ở tầng 5 tòa tháp phía bắc, Sokolow là một trong những người hiếm hoi giữ được sự bình tĩnh khi chứng kiến hình ảnh tòa tháp phía nam qua cửa sổ. Nơi này bị tấn công sau, nhưng đổ sụp trước.

Cho đến trước khi xảy ra, câu chuyện ngày 11/9 với người Mỹ chẳng khác nào một điều viễn tưởng. Sokolow còn nhớ ông đã giúp nhân viên tòa nhà kia gọi điện về cho vợ thông báo tình hình, và cô vợ nhất quyết không chịu tin đây là sự thật. Nhiều người thậm chí còn quả quyết đây là trò đùa dai của các kênh truyền hình, cho đến khi họ thấy tòa Tháp đôi sụp đổ.

Cứ ngỡ là tai nạn

Vào khoảnh khắc máy bay đâm vào tòa tháp phía bắc, mọi người nghĩ đó chỉ là một tai nạn không đáng có. Nhưng đến khi chiếc máy bay thứ hai lao đến tòa tháp phía nam và gây ra vụ nổ lớn vào lúc 9 giờ 3 phút, người Mỹ mới nhận ra họ bị tấn công. Áp lực từ pha va chạm ấy khiến Kathy Comerford bị quăng quật như một món đồ chơi. Nơi bà làm việc là tầng 70, chỉ cách chỗ máy bay đâm bảy tầng.

Nếu như Sokolow sống sót nhờ ở tầng thấp và nhanh chân sơ tán mọi người trước khi hai tòa tháp đổ sụp xuống, câu chuyện của Kathy mang nhiều chi tiết phi logic của một phép màu. Chính bà đôi lúc cũng không hiểu vì sao mình có thể thoát khỏi đống gạch vụn đó, trong lúc toàn thân rệu rã. Thứ duy nhất bà nghĩ tới để không đầu hàng số phận lúc ấy là gia đình.

Kathy có ba đứa con, và bà không muốn chúng trở thành trẻ mồ côi. Thay vì hoang mang và sợ hãi, trách nhiệm của một người làm mẹ khiến bà bình tĩnh, tỉnh táo nhất trong lúc nguy khốn. Gần như không thể đứng dậy sau vụ va đập, Kathy kêu gọi đồng nghiệp bò về phía cầu thang thoát hiểm. Họ cùng nhau chậm chạp bước xuống, vừa đi vừa kêu gọi những người khác thoát nạn.

Ở thời khắc sinh tử ấy, Kathy nhận ra tình cảm con người đối với nhau trong những lúc khó khăn thật đẹp. Có một người mang chân giả nói anh đã đến giới hạn, không thể đi tiếp. Hai người khác lập tức đến bên cạnh đỡ anh bước xuống. Một cô gái nọ lên cơn hen suyễn, thở dốc vì liên tục hít phải bụi vữa. Kathy liền tìm thuốc xịt và trấn an cô gái trẻ.

Đoàn người cứ thế chậm rãi bước xuống, ra khỏi tòa tháp trước khi nó đổ sụp hoàn toàn. Việc đầu tiên Kathy nghĩ tới khi thoát chết là trở về nhà. Với đầy những vết trầy xước ở đầu, vai và cổ, bà trở về nhà trong vòng tay người thân. Được sống là một đặc ân, và Kathy hiểu rõ hơn ai hết điều đó. Phần lớn những người ở cùng tầng 70 với bà hôm ấy không qua khỏi.

May mắn vì không có mặt

David Kravette, một nhân viên ngân hàng nói hôm 11/9 ông may mắn thoát chết bởi không đến WTC. Cuộc hẹn giữa ông và khách hàng bị hủy vào phút chót vì người này quên mang theo bằng lái xe. “Thông thường tôi sẽ giao cho trợ lý của mình làm công việc liên lạc với khách hàng, nhưng cô ấy lại vừa nghỉ sinh nên tôi phải tự làm”, David tiết lộ.

Một đồng nghiệp của David cũng may mắn thoát chết trong thảm họa 11/9 là Monica O’Leary. Cô không đến văn phòng ngày hôm ấy vì xin nghỉ phép. Công ty của David và Monica thiệt hại nặng nề trong vụ khủng bố, thế nên những người may mắn sống sót sau đó trải qua nhiều tháng làm việc không ngừng nghỉ. Họ phải cố gắng thay cho những người đã ngã xuống.

Giống như David, Monica và Sokolow, Kathy đã trải qua những ngày dài không ngủ. Họ vừa bận công việc, vừa lo lắng cho ngày mai. Việc nhận danh thiếp từ đối tác của Kathy vốn chỉ mang tính xã giao, nhưng sau khi sống sót, bà đã dành nguyên một ngày để gọi điện cho từng người một. Bà muốn biết mọi người ra sao, còn sống hay đã chết.

Kathy Comerford mong mọi người sẽ không bao giờ quên những người đã chết, và cả những người đang sống. “Mọi người thường nói nhiều về sự cố 11/9 năm ấy mà không nhắc tới những dư chấn sau đó. New York chìm trong hỗn loạn suốt một thời gian dài”. Và đối với những người may mắn như bà, chuỗi thời gian ấy vẫn thật khủng khiếp.

Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương Giang, Ngô Phương Thảo, Võ Hoàng.