Di sản “đeo bám”

Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng dường như vết thương của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 vẫn chưa lành đối với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Không chỉ gây chấn động đối với một quốc gia, nó còn dẫn đến những thay đổi có tính chất toàn cầu. Chủ nghĩa khủng bố trở thành mối đe dọa an ninh phi truyền thống nguy hiểm nhất, tồn tại không biên giới.

Đó là “một cuộc tấn công khủng bố chưa từng có trong lịch sử”. Ảnh: AFP/TTXVN
Đó là “một cuộc tấn công khủng bố chưa từng có trong lịch sử”. Ảnh: AFP/TTXVN

1 Đối với thế giới, vụ khủng bố ngày 11/9 không chỉ làm sụp đổ Tòa tháp đôi biểu tượng sức mạnh kinh tế của nước Mỹ và phá hủy một phần biểu tượng quân sự là Lầu năm góc, mà lớn hơn thế nó đã làm thay đổi mẫu hình chính trị và quan hệ quốc tế. Đặc trưng nổi bật nhất của hàng loạt thay đổi này là sự xuất hiện của loại hình an ninh mới. Nếu như trật tự hai cực giai đoạn Chiến tranh Lạnh (1947 - 1989) tạo được sự cân bằng quyền lực và một thế giới tương đối ổn định, có khả năng dự báo, thì thế giới hậu Chiến tranh Lạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh và thách thức hơn. Những suy nghĩ thông thường về bản chất an ninh phải thay đổi, từ phạm vi địa lý và chức năng, đến mức độ thể chế hóa, sức mạnh và sự công phá cũng như ý thức hệ và các yếu tố chuẩn mực. 

Một vấn đề khác mà sự kiện 11/9 tạo ra cho thế giới liên quan đến những thách thức xuyên quốc gia và chủ quyền quốc gia. Sự trỗi dậy và gia tăng của các vấn đề xuyên biên giới chỉ có thể hiện thực hóa kể từ khi “bức màn sắt” trong Chiến tranh Lạnh bị dỡ bỏ, bức tường Berlin bị sụp đổ, công nghệ internet được phổ biến, các nền kinh tế được mở cửa, các mạng lưới xã hội được kết nối. Các vấn đề xuyên biên giới này thật sự tạo ra tình thế lưỡng nan cho các chính trị gia vì chính các chính sách cho phép hình thành các nền kinh tế thị trường, các xã hội cởi mở, dân chủ, đa chiều lại chính là nguyên nhân làm gia tăng các mối đe dọa xuyên quốc gia. Trong số các nhân tố xuyên biên giới mới và đe dọa sự gắn kết quốc gia, nổi bật nhất phải kể đến là buôn lậu ma túy, vũ khí, kể cả vũ khí hủy diệt hàng loạt, tội phạm xuyên biên giới có tổ chức, làn sóng tị nạn, nhập cư lậu, tàn phá môi trường và khủng bố quốc tế. Sự phản ứng với các thách thức an ninh mới này đòi hỏi sự phối kết hợp của nhiều chủ thể, nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức xã hội với lợi ích, khả năng và tính chất đa dạng khác nhau. Vì phải đối mặt muôn vàn thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mới nổi, các quốc gia vẫn đang cạnh tranh vì quyền lực trong quá trình vận động, tìm kiếm đồng minh, đối tác, hướng tới một trật tự mới hậu Chiến tranh Lạnh. 

2 Đối với nước Mỹ, cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, theo Brian Michael Jenkins, Cố vấn cao cấp của Chủ tịch RAND Corporation, là “một cuộc tấn công chưa từng có trong lịch sử khủng bố xét về quy mô của nó”. Và nếu so sánh với cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng do Nhật Bản tiến hành ngày 7/12/1941, thì đây cũng là cuộc tấn công lớn nhất của bất kỳ thực thể nước ngoài nào trên đất Mỹ.

Vụ tấn công 11/9 đã buộc chính quyền Mỹ phải điều chỉnh hàng loạt chính sách bao gồm an ninh, hàng không, nhập cư, cho đến cả việc thành lập một cơ quan mới trong chính phủ là Bộ An ninh Nội địa. Có lẽ một trong những quyết định gây tranh cãi nhất cho đến tận ngày nay là việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Yêu nước, cho phép FBI và NSA quyền tìm kiếm hồ sơ lưu trữ và lịch sử tìm kiếm trên internet của một cá nhân mà không có sự giám sát tư pháp nào, có thể khám xét một ngôi nhà mà không cần thông báo cho chủ sở hữu, cũng như nghe lén điện thoại mà không cần xác định nguyên nhân. Đặc biệt, ngày 20/9/2001, Tổng thống George W. Bush, khi phát biểu tại Quốc hội Mỹ, đã đưa ra lời kêu gọi về một cuộc chiến tranh chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu: “Cuộc chiến chống khủng bố của chúng tôi bắt đầu với Al-Qaeda, nhưng nó sẽ không kết thúc cho đến khi mọi nhóm khủng bố có phạm vi toàn cầu bị phát hiện, ngăn chặn và đánh bại”. 

Chưa đầy một tháng sau ngày 11/9, Mỹ đã phát động một chiến dịch quân sự kéo dài đúng hai thập niên và là dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cuộc chiến ở Afghanistan có sự ủng hộ của người dân Mỹ và sự hậu thuẫn của đồng minh NATO, mặc dù đã tiêu diệt được Osama Bin Laden vào ngày 2/5/2011, nhưng cũng tiêu tốn hơn 2.000 tỷ đô-la Mỹ, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 binh sĩ, khiến hàng nghìn người bị thương với những sang chấn nặng nề về tâm lý. Nguy hiểm hơn, những nghi ngại về “bóng ma” khủng bố đang hiện hình khi Taliban, lực lượng từng chứa chấp Osama Bin Laden, ngày 15/8/2021 lại trở về cầm quyền ở Kabul. 

Mặc cho tất cả những lời chỉ trích và phê phán gay gắt, ngày 1/9/2021 vừa qua, Tổng thống Joe Biden với tư cách là tổng thống thứ tư phải đối mặt với vấn đề liệu có nên kết thúc cuộc chiến này hay không và khi nào nên kết thúc, đã tuyên bố chính thức chấm dứt sự can dự của Mỹ vào Afghanistan. Tổng thống Joe Biden hoàn toàn tự tin rằng đó là một quyết định đúng đắn và sáng suốt vì nước Mỹ đã đạt được mục tiêu của mình là tiêu diệt Al-Qaeda, bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố và vì “con đường tốt nhất để bảo vệ sự an toàn và an ninh nằm trong một chiến lược chính xác, không khoan nhượng, có mục tiêu, chính xác nhằm truy quét khủng bố như ngày nay”. Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ duy trì cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và bất cứ nơi nào khác, cũng như hỗ trợ người dân Afghanistan xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, Tổng thống Joe Biden chỉ ra lý do quan trọng mà Mỹ không nên tiếp tục sa lầy vào một cuộc chiến không có hồi kết: “Thế giới đang thay đổi. Chúng tôi đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh nghiêm túc với Trung Quốc. Chúng tôi đang đối phó với những thách thức trên nhiều mặt với Nga”. 

3 Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày 11/9, cả thế giới đã rút ra những bài học vô giá. Không có quốc gia nào được coi là “miễn nhiễm” với mối đe dọa an ninh được gọi tên “chủ nghĩa khủng bố”. Vì thế, các quốc gia phải chung sức, chung lòng, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và nguồn lực, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và liên quan như tình báo, tài chính, hàng không… 

Bài học thứ hai, khủng bố không phải ở đâu xa mà có thể ở ngay trong nội tại của mỗi quốc gia, nếu các quốc gia đó không bảo đảm một nền quản trị tốt, thì tất yếu tham nhũng dẫn đến nghèo nàn kinh tế, bất ổn chính trị, xung đột và phản kháng xã hội. 

Cuối cùng, muốn ngăn chặn và hạn chế nguy cơ khủng bố cũng như bất kỳ mối đe dọa an ninh phi truyền thống nào khác, các quốc gia phải tạo dựng được sự đồng thuận, xây dựng lòng tin trong và giữa các quốc gia, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng một thế giới dựa trên luật pháp, lấy con người làm trung tâm.

Nếu như sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh năm 1989 chỉ là sự kết thúc của trật tự hai cực, thì sự kiện 11/9 báo hiệu một thời kỳ mới còn đen tối và khó xác định hơn, khi kẻ thù không rõ hình, chiến tuyến không xác định và lực lượng thì luôn thay đổi.

GS,TS PHẠM QUANG MINH 

Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội