Con đường không bằng phẳng

Trái ngược với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào bóng bàn trên cả nước, hệ thống thi đấu chuyên nghiệp Việt Nam chưa nhận được sự đầu tư xứng tầm. Trong đó, bài toán vận động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa vẫn là điểm nghẽn cần nhanh chóng tháo gỡ.

0:00 / 0:00
0:00
Báo Nhân Dân luôn cố gắng huy động các nguồn tài trợ bảo đảm điều kiện thi đấu đúng chuẩn quốc tế. Ảnh: Duy Linh
Báo Nhân Dân luôn cố gắng huy động các nguồn tài trợ bảo đảm điều kiện thi đấu đúng chuẩn quốc tế. Ảnh: Duy Linh

Từ định nghĩa chuyên nghiệp

Những ngày này, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam tiếp nhận hàng loạt đơn xin gia nhập làm thành viên từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Lạng Sơn, Hà Giang, Bình Thuận, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cà Mau... Lượng người yêu thích tăng cao, điều kiện tập luyện phù hợp, ngày càng nhiều vận động viên đăng ký tham dự các giải phong trào. Điển hình như Giải bóng bàn các câu lạc bộ toàn quốc lần đầu ghi nhận sự quá tải. Với sự tham gia của hơn 400 tay vợt, chưa bao giờ bộ máy phục vụ công tác chuyên môn phải trải qua cảm giác "đi làm từ sáng sớm nhưng phải đến đêm khuya mới có thể rời nhà thi đấu".

Nối tiếp sức nóng sau quá trình tổ chức SEA Games 31, phong trào bóng bàn đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dẫu vậy, từ những bước tạo đà ấy, để vươn lên tầm thi đấu chuyên nghiệp vẫn còn tồn tại khoảng cách rất dài. Cơ chế về tiền công, tiền thưởng chưa đủ để tạo động lực. Không nhiều vận động viên có thể sống tốt bằng nguồn thu nhập từ thi đấu bóng bàn. Phần lớn các tay vợt được nuôi ăn ở và trả tiền bồi dưỡng để tập luyện, thi đấu và đại diện cho địa phương đi tranh tài. Bởi vậy, vận động viên bóng bàn chưa được xem như một nghề nghiệp bền vững.

Đây cũng là khó khăn tương tự với đội ngũ huấn luyện viên. Với số tiền lương ít ỏi (khoảng 4-5 triệu, nhiều lắm là 7 triệu đồng), công việc lên lớp chỉ diễn ra trong giờ hành chính. Sau đó, họ còn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống gia đình. Khi mức thù lao không bảo đảm được các nhu cầu tối thiểu, thật khó để cống hiến trọn vẹn.

Bởi vậy, dù phong trào ở các địa phương phát triển mạnh mẽ, để đi sâu và tiến lên chuyên nghiệp vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới số lượng tay vợt thi đấu bóng bàn đỉnh cao. Một số đơn vị như Vĩnh Long, Tiền Giang và Công an nhân dân từng sở hữu tuyến vận động viên cấp quốc gia rất tốt, nhưng gần đây đã không thể duy trì.

Chưa hết, "quá trình đào tạo dài cũng được xem như nguyên nhân chính khiến các địa phương gặp khó. Từ thời điểm lúc tuyển vào-bảy tuổi, nếu thật sự xuất sắc, một tay vợt trẻ có thể lọt vào top bốn toàn quốc trước ngưỡng 20 tuổi. Nếu tính theo mỗi nhiệm kỳ 5 năm, để ra lò một lứa vận động viên ưu tú phải trải qua từ hai đến ba đời giám đốc. Ngay bản thân mỗi gia đình khi tính toán giữa thời gian đào tạo và hiệu quả đầu ra cũng khó lòng ủng hộ con em theo nghiệp bóng bàn. Quay đi ngoảnh lại chỉ còn bảy, tám câu lạc bộ tham dự Giải các đội mạnh toàn quốc. Tuy nhiên, thật sự giành giật ngôi vô địch chỉ là chuyện nội bộ giữa hai hay ba đơn vị", huấn luyện viên Câu lạc bộ Hà Nội T&T Vũ Mạnh Cường chia sẻ.

Đó là chưa kể tới việc phát triển bóng bàn chưa có sự liên kết chặt chẽ với đội ngũ khoa học hay y học thể thao. Nhiều kế hoạch lập ra chỉ nằm trên giấy, việc triển khai lỏng lẻo. Bởi vậy, so các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, các vận động viên thành tích cao của ta vẫn sở hữu thể lực và thể chất kém. Tương tự, việc huấn luyện và đào tạo cũng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân.

Tới bài toán xã hội hóa bóng bàn

Muốn phát triển thể thao thành tích cao, không thể trông chờ ngân sách nhà nước mà cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Xã hội hóa là giải pháp hiệu quả nhất giúp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ cho vận động viên, song không phải bộ môn nào cũng có thể kêu gọi hiệu quả. Và thực tế này cũng xảy ra với bóng bàn.

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ VI (2018-2023), tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Xuân Vũ khẳng định "không quá khó để huy động nguồn lực xã hội hóa cho bóng bàn". Thế nhưng, câu chuyện về cách thức tài trợ cũng là điều khiến những người gắn bó cùng bóng bàn lâu năm luôn thấy băn khoăn.

Xã hội hóa phụ thuộc nhiều vào ý chí của mỗi tổ chức, cá nhân. Đơn cử như việc nhiều mạnh thường quân sẵn sàng tài trợ nhưng không đồng ý sử dụng tiền vào khâu nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện công tác tổ chức, không quan tâm tới nhu cầu ăn ở, đi lại của các vận động viên. Với họ, xuất hiện trong trận chung kết, sở hữu tấm hình trao thưởng tận tay các vận động viên ưu tú là những việc duy nhất cần làm. Phương thức này vốn không mang nhiều ý nghĩa cho quá trình phát triển, bởi chỉ chăm chút phần "ngọn". Nhưng bù lại, hình ảnh đó dễ dàng được nhận diện ngay lập tức, thu được hiệu quả tức thì.

Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng ban tổ chức thi đấu Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, xã hội hóa thể thao ở nước ta chưa có sự ràng buộc rõ ràng. Chỉ những người am hiểu và gắn bó với bộ môn này từ lâu mới sẵn sàng đồng hành. Tất nhiên, con số này rất ít. Trong khi đó, bộ môn vì mong muốn nhận được nhiều sự giúp đỡ nên bất luận ở khía cạnh nào cũng đều chấp nhận.

Để tránh tiếp diễn tình trạng này, chính Liên đoàn là tổ chức phải phát huy vai trò chủ động đảm trách nhiệm vụ tìm kiếm, kết nối các nguồn lực xã hội hóa, để rồi lên phương án sử dụng các nguồn tài trợ hiệu quả nhất, đúng người, đúng việc, có tính chiến lược. Mỗi địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch phát triển dài hơi, cùng phương án đào tạo huấn luyện bài bản, rõ ràng. Nhiều trường hợp, các địa phương sở hữu lứa U9, U10 thi đấu rất hay, nhưng nếu không có điều kiện phát triển nâng cao, nguy cơ bỏ ngang giữa chừng vẫn rất lớn.

Dựa vào kết quả thi đấu quốc tế của các vận động viên Việt Nam trong quãng thời gian gần đây, có thể khẳng định những thành tích đạt được chủ yếu đến từ tài năng và bản lĩnh vượt trội của mỗi tay vợt. Nếu có thể kêu gọi và sử dụng hợp lý nhiều nguồn lực xã hội hóa hơn nữa, ước mơ vươn tầm sẽ bớt xa xôi.