Chiến lược nuôi biển

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích biển, song diện tích nuôi biển chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Với việc ban hành Quyết định 1664/QÐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nguồn lợi hải sản sẽ được nuôi dưỡng, khai thác bền vững.

Nuôi hải sản trên vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh). Ảnh: QUANG NGỌC
Nuôi hải sản trên vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh). Ảnh: QUANG NGỌC

Mở ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Năm 2010, nếu tổng diện tích nuôi biển của cả nước mới chỉ đạt 38.800 ha thì đến nay đã đạt 256 nghìn ha. Về sản lượng, nếu năm 2010 mới chỉ khoảng 156 nghìn tấn thì đến nay đã đạt hơn 610 nghìn tấn (cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, cua - ghẹ, rong biển), tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Nhiều địa phương ven biển đã quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xác định nghề nuôi biển là một trong những hướng phát triển kinh tế quan trọng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, tổng diện tích nuôi biển của địa phương đạt khoảng 18.141 ha, các loại chủ lực, như: tôm, nhuyễn thể, các loại cá, cua. Nuôi thủy sản trên biển đã góp phần nâng tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đến năm 2020 đạt 137.200 tấn (chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra 135.000 tấn); giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 ước đạt gần 13.000 tỷ đồng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cho biết: "Theo định hướng, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu".

Còn ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang hình thành những vùng nuôi chuyên canh lớn. Nếu như Phú Yên mạnh về nuôi biển, thì Bình Ðịnh và Khánh Hòa lại trở thành trung tâm cung cấp giống thủy, hải sản hàng đầu cả nước, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế biển khu vực miền trung…

Tiềm năng lớn, kỳ vọng lớn

Với hơn 1.300 nghìn ha tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển nuôi biển. Tuy nhiên, trước hết cần vượt khỏi tình trạng phát triển manh mún, tự phát. Khó khăn về nguồn giống cũng là một trong những hạn chế trong hoạt động nuôi biển. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số giống cá biển nhân tạo với quy mô nhỏ lẻ, còn nguồn cung chủ yếu vẫn phụ thuộc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch với chất lượng bấp bênh.

Trước những lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh biển từ nuôi biển đem lại, để phát triển nuôi trồng thủy sản cũng như nghề cá theo hướng chất lượng cao và bền vững, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm sâu sát và định hướng phát triển nuôi biển. Việc xây dựng thành công Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là vô cùng cần thiết, sẽ có tác động tích cực, toàn diện đến chiến lược phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Ðề án cũng nêu rõ việc tập trung xây dựng các vùng nuôi quy mô lớn. Trong đó tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn; trọng tâm phát triển nuôi biển gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia. Với các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, phát triển nuôi biển gắn với chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng phát triển thủy sản. Phát triển sản xuất giống cá biển, rong, tảo biển, sinh vật cảnh tập trung. Còn với các tỉnh, thành phố từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang, tập trung xây dựng phát triển gắn kết hài hòa giữa nuôi biển và dịch vụ, du lịch sinh thái biển, dầu khí, điện gió.

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc về việc giao mặt biển nuôi trồng, cưỡng chế lồng bè dôi dư; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình nuôi biển quy mô công nghiệp; đào tạo nghề nuôi biển đáp ứng nhu cầu nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới. Thêm nữa, cần có chính sách thu hút các quốc gia tiên tiến về nuôi biển để đẩy mạnh việc tiếp thu các công nghệ nuôi biển tiên tiến.

Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển:

Ðến năm 2025: Diện tích đạt 280 nghìn ha, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD.

Ðến năm 2030: Diện tích khoảng 300 nghìn ha, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD.

Ðến năm 2045: Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp hơn 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD.