Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, TS, KTS Ngô Trung Hải (trong ảnh), Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam nhấn mạnh, để mô hình “thành phố trong thành phố” phát huy được hiệu quả như mong muốn, người điều hành đô thị cần được trao quyền tự chủ tương xứng với vị thế và đóng góp của đô thị đó trong địa phương và cả nước.

Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn

- Thưa ông, thành phố Thủ Ðức vừa được thành lập, song có ý kiến cho rằng với quy mô và tầm quan trọng tương đương một thành phố loại 1, việc coi đây chỉ là cấp quận (trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương) sẽ khiến chính quyền thành phố gặp khó khăn về cơ chế quản lý, nhân sự, ngân sách tài chính… Ông có bình luận gì?

- Thật ra mô hình “thành phố trong thành phố” từng được đề xuất từ lâu, khi Hà Nội mở rộng ranh giới hành chính vào năm 2008, nhưng vì nhiều lý do nên lúc đó chưa thể thực hiện. Và đây là quá trình tất yếu trong phát triển đô thị. Ở các quốc gia phát triển với tỷ lệ đô thị hóa hơn 70% thì mô hình này rất phổ biến.

Hiện nay, theo tôi biết, thành phố Thủ Ðức được giao nghiên cứu, đề xuất những cơ chế đặc thù để có thể vận hành đô thị một cách hiệu quả nhất. Thí dụ như việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Chúng ta muốn thu hút các nhà đầu tư lớn đem công nghệ hiện đại vào Thủ Ðức thì không thể không tạo điều kiện thuận lợi cho họ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Cũng sẽ có những vấn đề liên quan Luật Ngân sách, Luật Quy hoạch đô thị phải trình Quốc hội quyết định. Là người làm công tác quy hoạch, tôi chắc chắn Thủ Ðức phải xây dựng quy hoạch theo cách khác, chứ làm đúng tầng nấc từng bậc một từ trên xuống thì sẽ mất cơ hội phát triển.

- Vậy ông hình dung “chiếc áo” cho Thủ Ðức nên như thế nào? 

- Vấn đề mấu chốt ở đây là phải làm rõ được mối quan hệ toàn diện của thành phố này với các cấp hành chính khác. Phân cấp phải đi kèm với phân quyền. Phân cấp như thế là đã được quyết định, nhưng phân quyền thì sao. Quy mô cũng như nguồn thu của Thủ Ðức rất lớn, vậy thì người đứng đầu thành phố có quyền hạn đến đâu. Liệu ông ta có được phép sử dụng nguồn tiền thu được từ bán tài sản công dôi dư sau quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính trực thuộc để phát triển hạ tầng hay không; ngân sách để lại cho thành phố này là 18% như TP Hồ Chí Minh hay cao hơn. Việc gì người điều hành đô thị được hoàn toàn tự quyết, được quyết rồi mới báo cáo, hay phải “xin” ý kiến trước mới quyết? Chưa thể nói rõ từng chi tiết, nhưng nói chung thẩm quyền cho lãnh đạo Thủ Ðức cần theo hướng tăng tính linh hoạt, tự chịu trách nhiệm. Có thế thì họ mới nỗ lực xây dựng, phát triển hết tiềm năng của thành phố, chứ không thì sẽ cứ từ từ, nghe ngóng, không dám quyết gì cả vì sợ vi phạm pháp luật, rủi ro chính trị… Tôi rất hy vọng, Chính phủ mới sẽ tạo ra được lực đẩy mạnh mẽ, hiện thực hóa cam kết hành động quyết liệt.

- Ông là người đã nghiên cứu mô hình phát triển của hàng loạt đô thị trên thế giới, kinh nghiệm nào của họ có thể áp dụng cho Thủ Ðức nói riêng và các thành phố trong thành phố mà chúng ta đang phát triển nói chung?

- Nhiều đô thị trên thế giới được vận hành rất hiệu quả theo mô hình điều hành doanh nghiệp. Mặc dù lãnh đạo thành phố vẫn là một chính trị gia, người đưa ra quyết định điều hành cụ thể là nhân sự được thuê, được trả lương cao, phụ thuộc vào mức độ phức tạp của công việc: thành phố càng lớn, đông dân, nhiều vấn đề thì lương của nhà điều hành càng cao.

Tôi cũng cho rằng Việt Nam nên sớm quy định về thuế bất động sản - một nguồn thu hết sức quan trọng giúp các đô thị xây dựng cơ sở hạ tầng và vận hành suôn sẻ, đem lại phúc lợi xã hội tốt cho cư dân. Loại thuế này cũng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản, không tạo ra giá trị đích thực cho xã hội.

Tóm lại, mấu chốt là phải xây dựng được chính quyền đô thị thật sự, có quyền tự quyết cao, chứ không chỉ là chuyện bỏ Hội đồng nhân dân ở một số cấp, sáp nhập văn phòng này với văn phòng kia hay cấp thêm chút ít tiền ngân sách.

- Xin cảm ơn ông!