Bảo vệ chuỗi sản xuất, cấp bách như chống dịch

Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và hơn 300 khu công nghiệp (KCN) tập trung đang hoạt động, do đó, nguy cơ dịch bùng phát ở các KCN, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn. Ðể thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 680/CÐ-TTg, nhiều giải pháp được các địa phương đưa ra rốt ráo.

Xét nghiệm Covid-19 cho các công nhân làm việc trong KCN tại tỉnh Bắc Giang.
Xét nghiệm Covid-19 cho các công nhân làm việc trong KCN tại tỉnh Bắc Giang.

"Giãn cách" từ nhà máy

Thời gian qua, ở hai điểm nóng là Bắc Ninh và Bắc Giang có nhiều doanh nghiệp (DN) trong các KCN phải tạm dừng sản xuất để phòng, chống dịch Covid-19. Riêng Bắc Ninh có 10 KCN tập trung và 26 cụm công nghiệp, nếu dừng sản xuất trong 14 ngày, tính riêng KCN tập trung, giá trị sản xuất công nghiệp ước giảm 50.000 tỷ đồng. Ðể không đứt gãy chuỗi sản xuất, ngày 26-5, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các DN trong các KCN nếu muốn duy trì sản xuất phải chuẩn bị điều kiện để triển khai ngay việc bố trí người lao động (NLÐ) ăn, ở, làm việc trong khu vực nhà máy, không đi ra ngoài.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh yêu cầu tất cả các DN phải bố trí xét nghiệm tập trung, những người có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ mới được đến nhà máy làm việc. Ðồng thời yêu cầu công nhân, NLÐ cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban Quản lý các KCN hoặc các cơ quan chức năng giám sát ngoài cổng. DN bố trí chỗ ở tạm cho NLÐ trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Ðịnh kỳ mỗi tuần, DN xét nghiệm cho tối thiểu 10% số công nhân ở lại nhà máy. Khuyến khích các công nhân ở lại tối thiểu 15 ngày một đợt. Số công nhân khi quay trở về nhà trọ/nơi cư trú quản lý tương tự như trường hợp F2. Tất cả các lao động không tham gia sản xuất mà ở tại nhà trọ/nơi cư trú không được đi ra khỏi nơi cư trú.

Bảo vệ chuỗi sản xuất, cấp bách như chống dịch -0

Tiêm vắc-xin Covid-19 tại KCN tỉnh Bắc Ninh. 

Ðến ngày 29-5, các DN trên địa bàn Bắc Ninh xây dựng xong kế hoạch chi tiết triển khai, nhiều DN cấp tập hoán cải nhà ăn, hội trường, phòng họp làm chỗ ở, làm nhà tắm, đồng thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, để triển khai từ 0 giờ ngày 2-6.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Fullwei Việt Nam (KCN Ðại Ðồng - Hoàn Sơn -
Bắc Ninh) Trần Thị Thu Huyền chia sẻ, ngay sau khi nhận được thông báo của UBND tỉnh, lãnh đạo công ty đã họp gấp và lên phương án bố trí cho công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy. Cụ thể, các nhân viên văn phòng sẽ làm việc online; các xưởng sản xuất lập danh sách những vị trí bắt buộc cho công nhân lưu trú và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thậm chí thuê nhà nghỉ ngoài cho công nhân lưu trú và có xe đưa đón, không tiếp xúc với cộng đồng; tổ chức tăng ca bù lại phần lao động thiếu hụt để bảo đảm các đơn hàng.

Tại Bắc Giang, đến ngày 1-6, Ban Quản lý các KCN đồng ý cho 11 DN được hoạt động trở lại sau khi tạm dừng theo Kế hoạch số 213 của UBND tỉnh. Số lượng công nhân các DN đăng ký hoạt động trở lại đợt đầu là 4.056 người. Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology với 1.294 lao động, Công ty TNHH S-Connect BG Vina với 660 lao động, Công ty TNHH Si Flex Việt Nam gần 1.000 người... Sáng 29-5, Công ty Newwing Interconect Technology Bắc Giang có gần 1.000 công nhân làm việc tại các dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử. Ông Ôn Ngọc Kiệt, Giám đốc điều hành sản xuất công ty cho hay: "Hiện nay, phần lớn công nhân của công ty bị cách ly, phong tỏa tại các khu nhà trọ, cho nên chưa thể quay trở lại làm việc. Do đó, công ty mới hoạt động khoảng 10% công suất so thời điểm trước dịch. Những công nhân đứng máy trong ngày 29-5 là người đang tạm trú tại các khu ký túc xá của công ty".

Có mặt tại Công ty TNHH Si Flex Việt Nam tại KCN Quang Châu, nơi đang khẩn trương bố trí ký túc xá ngay tại nhà máy để đón công nhân trở lại làm việc, chúng tôi có thể mường tượng phần nào sự khó khăn trong việc thu xếp và bố trí chỗ ăn ở cho gần 1.000 người ngay tại công ty. Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang Ðào Xuân Cường cho hay: Chúng tôi huy động tất cả quân số tại cơ quan sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ của các DN đến đăng ký hoạt động trở lại. Chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận hồ sơ, Tổ thẩm định sẽ có mặt tại DN để xem xét điều kiện về an toàn phòng, chống dịch và có văn bản chính thức trả lời; nếu DN đủ điều kiện sản xuất, lập tức ra quyết định cho phép hoạt động trở lại.

Bảo vệ chuỗi sản xuất, cấp bách như chống dịch -0

Người lao động được khử khuẩn tay trước khi vào làm ở Nhơn Trạch (Ðồng Nai). 

Trước mắt, UBND tỉnh Bắc Giang ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 DN nguy cơ lây nhiễm rất ít, một số DN nguy cơ lây nhiễm thấp, trung bình hoạt động trở lại như: Honda, Toyota, Apple, Samsung và các DN sản xuất mặt hàng thiết yếu.

Tuân thủ nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn

Ở phía nam, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương là những địa phương tập trung nhiều công nhân và phải bảo đảm sản xuất trong điều kiện tăng cường phòng, chống dịch. Là DN có số công nhân nhiều nhất thành phố (gần 70.000 người), Công ty PouYuen (quận Bình Tân) luôn duy trì và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên cho đến nay. Mới đây, thực hiện yêu cầu của Trung tâm Y tế quận Bình Tân và một số đơn vị chức năng, Công ty PouYuen đã lắp hơn 100 camera tại các nhà ăn để dễ dàng nhận diện, khoanh vùng khu vực, đối tượng tiếp xúc nếu ghi nhận công nhân mắc bệnh. Công ty cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống camera ở xưởng sản xuất, duy trì các biện pháp phòng dịch như: đo thân nhiệt công nhân trước khi vào phân xưởng; xe đưa đón lao động được phun khử khuẩn, chở không quá 20 người, ngồi giãn cách, mở cửa sổ, không dùng máy lạnh; nhà ăn, nhà máy sử dụng quạt hút gió; phát khẩu trang y tế mỗi ngày cho công nhân…

Thực hiện yêu cầu của UBND thành phố Hồ Chí Minh về trang bị thêm máy móc hỗ trợ việc kiểm tra sức khỏe của công nhân, ngày 28-5, Ban Giám đốc Công ty TNHH Nidec Việt Nam (đóng tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Ðức) đã lắp đặt đưa vào sử dụng máy đo thân nhiệt tự động tại khu vực công nhân quẹt thẻ trước khi vào phân xưởng làm việc. Ngoài ra, để bảo đảm cự ly, công ty đã tổ chức phân luồng kiểm tra sức khỏe công nhân (đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn) với năm luồng khác nhau trước khi đi vào phân xưởng. Ðại diện Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết: Công ty còn thường xuyên yêu cầu khai báo y tế đối với công nhân trở về từ các vùng dịch và vùng có nguy cơ. Phòng y tế dã chiến cũng được thành lập để phục vụ công tác cách ly nếu phát hiện công nhân, NLÐ nhiễm bệnh.

Bảo vệ chuỗi sản xuất, cấp bách như chống dịch -0
Công nhân sản xuất theo quy định giãn cách tại Công ty Tabuchi (Nhật Bản) tại KCN Ðại Ðồng - Hoàn Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Thái Sơn 

Mới đây, Ban Quản lý các khu chế xuất (KCX) và KCN TP Hồ Chí Minh đã gấp rút triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên trong các nhà máy và phân xưởng. Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh cho hay, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên là giải pháp chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, nhất là trong DN có đông công nhân. TP Hồ Chí Minh hiện có 17 KCX, KCN và khu công nghệ cao, trong đó có 1.500 DN đang hoạt động với hơn 280.000 công nhân và gần 3.000 chuyên gia nước ngoài. Với số lượng DN và công nhân đông, nguy cơ sẽ rất lớn nên cần xây dựng các phương án, kịch bản trong trường hợp có công nhân mắc bệnh.

Tại Ðồng Nai, địa phương có 31 KCN đang hoạt động với khoảng một triệu công nhân, các cơ quan chức năng đang căng mình thực hiện các giải pháp, tránh để dịch bệnh "tràn vào" các khu vực sản xuất. Với hơn 35.000 lao động, Công ty cổ phần Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2), là một trong những DN có đông công nhân nhất tỉnh. Hằng ngày, trước khi vào nhà máy, tất cả NLÐ đều phải đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và không tụ tập đông người. Ngoài ra, từ đầu tháng 5-2021, đơn vị áp dụng phần mềm khai báo y tế bằng việc quét mã QR, thay thế tờ khai bằng giấy. Thời gian tới, công ty sẽ triển khai hơn 360 Tổ An toàn Covid-19 trong Công đoàn để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Ðinh Sỹ Phúc, công ty còn vận động NLÐ không rời khỏi Ðồng Nai, không đến những nơi tập trung đông người vào các ngày nghỉ. Từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động sản xuất của công ty vẫn ổn định, xuất khẩu tăng khoảng 10% so cùng kỳ năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Thái Bảo cho biết, Ủy ban đã yêu cầu lãnh đạo các DN thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở NLÐ thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch; cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone và thường xuyên bật bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, mỗi công nhân, DN cũng là một "thành trì" chống dịch. Nếu từng cá nhân, từng đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng đi đôi với việc các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, tin rằng chúng ta sẽ sớm kiểm soát, ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Chuỗi sản xuất được bảo vệ đó là ý chí xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là sự thôi thúc từ con tim để Việt Nam đi qua dịch bệnh mà không có ai bị "bỏ lại phía sau". An sinh xã hội, khái niệm trở nên hữu hình hơn từ chính sự tự tin, kiên cường của mỗi NLÐ khi bám trụ lại vị trí của mình.

Thái Sơn - Ðặng Giang - Thiên Vương - Quý Hiền

Tổ chức thực hiện: Lưu Hương, Văn Học, Nghĩa Nam