Bàn đạp cho chiến lược kích cầu du lịch

Dù SEA Games 31 chỉ kéo dài trong vài tuần, đứng trên góc độ kinh tế, sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á hoàn toàn có thể trở thành bàn đạp để thu hút khách du lịch quốc tế cũng như quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam.

SEA Games 31 là cơ hội để Việt Nam quảng bá và thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh: BẢO TRINH
SEA Games 31 là cơ hội để Việt Nam quảng bá và thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh: BẢO TRINH

Kích cầu nhờ đăng cai sự kiện thể thao

Tận dụng sự kiện thể thao để làm nóng và đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch quốc tế là phương pháp hữu hiệu được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công. Năm 2014, số liệu của Chính phủ Singapore cho thấy lượng khách quốc tế đến nước này giảm 3,1% so cùng kỳ năm trước, xuống còn 15,1 triệu người. Để ứng phó, nước này lên kế hoạch đăng cai hàng loạt sự kiện thể thao trong năm 2015 như WTA Finals, Premier League Asia Trophy, SEA Games 28... Theo đó, số liệu được Tổng cục Du lịch Singapore (STB) thống kê vào năm 2016 đã cho thấy lượng khách du lịch tăng 7,7%, lên 16,4 triệu người. Doanh thu từ du lịch cũng tăng 13,9%, lên 24,8 tỷ USD. Ở thời điểm ngành du lịch toàn cầu đóng băng vì đại dịch Covid-19, Nhật Bản đón lượng khách du lịch quốc tế đạt 51.100 lượt, chỉ riêng trong tháng 7/2021 - thời gian Olympic Tokyo 2020 diễn ra, cao gấp 14 lần lượng khách tháng 7/2020.

Với việc mở cửa trở lại đường bay quốc tế cũng như sẵn sàng đón khách quốc tế tới Việt Nam trong năm nay, SEA Games 31 trở thành cơ hội tuyệt vời giúp ngành du lịch có điều kiện phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Tiềm năng bứt phá sau đại dịch

Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố dự kiến đón khoảng 3,2 triệu lượt khách, bao gồm hơn ba triệu lượt khách nội địa và 150.000 đến 200.000 lượt khách quốc tế trong dịp diễn ra SEA Games 31. Nhằm khai thác tối đa cơ hội phục hồi thị trường du lịch song song các hoạt động của SEA Games, Thủ đô đã tổ chức chuỗi sự kiện như lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội... Thành phố cũng triển khai công tác quảng bá, giới thiệu du lịch theo chiến lược đa kênh bao gồm: báo chí, truyền hình trong nước và chuỗi phóng sự trên kênh CNN, các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook... nhằm tăng cường điểm chạm thông tin tới khách du lịch.

Với tầm vóc sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á, các kênh truyền thông trong khu vực và trên thế giới chắc chắn sẽ dành sự quan tâm đặc biệt. Điều này đem đến cơ hội tuyệt vời để Việt Nam quảng bá du lịch đi khắp thế giới ở giai đoạn tiếp sau sự kiện.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy chia sẻ: "Rất nhiều người sau khi xem tin tức thể thao đều ngỡ ngàng trước hạ tầng và vẻ đẹp của Hạ Long-Quảng Ninh trên màn ảnh. Không chỉ là địa phương đi đầu về phát triển hạ tầng với các công trình trọng điểm, chúng tôi còn dẫn đầu xu thế với những sản phẩm du lịch chất lượng cao. Hệ thống danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp như Vịnh Hạ Long, chùa Yên Tử, khu du lịch giải trí Tuần Châu... đã tạo nên hệ sinh thái trải nghiệm đa dạng".

Thay đổi chiến lược để thành công

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng và khẳng định vai trò điểm đến an toàn cho các sự kiện chính trị - thể thao - văn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, không phải cứ đứng ra tổ chức các sự kiện trên đều mang đến lợi ích. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tận dụng các sự kiện thể thao nhằm thu hút khách quốc tế và tạo lợi ích kinh tế cho quốc gia đăng cai.

Theo chuyên gia Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê, việc đăng cai sự kiện hoành tráng, gây được ấn tượng là một vế, nhưng để bạn bè quốc tế thêm hiểu, yêu mến đất nước Việt Nam và gia tăng chi trả trong các chuyến du lịch thì hoạt động truyền thông quảng bá cần phải được tính toán phù hợp. Theo đó, để tăng sức thu hút của hình ảnh du lịch quốc gia thông qua một sự kiện thể thao, chiến lược quảng bá du lịch phải thay đổi cách kể.

Hiện nay, các phương án quảng bá du lịch theo sự kiện thể thao vẫn đang theo lối kể outbound. Tức là đưa thông điệp mạnh như hình ảnh đẹp, công trình quốc gia... lên các kênh truyền thông đông người xem, từ đó tăng cường việc nhận diện. Điều này tuy cần thiết nhưng muốn đạt hiệu quả sâu, truyền thông quảng bá gắn với sự kiện thể thao cần đổi mới phối hợp cùng chiến lược inbound.

Chiến lược này thu hút người xem bằng nội dung phù hợp nhu cầu cá nhân, từ đó hấp dẫn họ tự tìm hiểu tiếp thông tin, cuối cùng nuôi dưỡng sự quan tâm và giữ chân họ trên các kênh truyền thông. Một chiến dịch hiệu quả cần kết hợp cả hai phương pháp, phân phối đúng nội dung trên đúng kênh, từ đó gia tăng điểm chạm để tận dụng tối đa hiệu ứng của sự kiện thể thao với ngành du lịch.

Thí dụ, những người xem bóng đá SEA Games sẽ thích thú với đoạn phim quảng bá có hình ảnh Quang Hải - ngôi sao trẻ của bóng đá Việt Nam, hay việc ngôi sao người Thái như Kiatisak đến Hoàng Anh Gia Lai như thế nào... hơn là đoạn phim quảng bá hình ảnh thiên nhiên, phong cảnh, ẩm thực Việt Nam thuần túy. Khi đã tạo ra sự quan tâm, từ những nội dung quảng bá có thể liên kết đường dẫn, QR code đến website quảng bá du lịch quốc gia, các tour của địa phương nơi du khách đang lưu trú hay trang thông tin chính thức của SEA Games 31... Tại điểm chạm này các thước phim quảng bá về văn hóa con người, cảnh đẹp địa phương mới phát huy hết tác dụng.

Điển hình như Singapore, việc tổ chức đường đua F1 ban đêm trong nhiều năm dài vẫn chưa có lãi. Tuy nhiên, dữ liệu công bố từ cơ quan quản lý du lịch của quốc gia này cho thấy họ gia tăng được chi phí của mỗi khách du lịch tới đây trong thời gian diễn ra các sự kiện thể thao. Họ có chiến lược nội dung quảng bá du lịch đúng cách, đồng thời mang đến các chương trình tour hợp lý để kích thích hệ sinh thái dịch vụ du lịch tại địa phương tổ chức mỗi dịp đăng cai.

Bởi vậy, hướng đến sự yêu thích lâu dài, liên tục mới là chiến lược để tạo ra giá trị từ khách du lịch quốc tế trong bối cảnh hiện đại.