"Xé rào" để phát triển

Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, đời sống kinh tế của nhân dân Long An sa sút nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, Tỉnh ủy Long An đã nhìn ra nguyên nhân và có những bước đi đột phá vào cơ chế giá bao cấp nhằm ổn định giá cả thị trường, cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân. Thực tế ấy đã góp phần tạo cơ sở thực tiễn để Trung ương đúc kết thành lý luận đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và phân phối lưu thông về sau.

Đồng chí Nguyễn Văn Chính (người thứ ba, bên phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh và huyện dự khánh thành cầu treo ở huyện Tân Trụ năm 1980.
Đồng chí Nguyễn Văn Chính (người thứ ba, bên phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh và huyện dự khánh thành cầu treo ở huyện Tân Trụ năm 1980.

Kiên định một hướng đi

Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế-xã hội ở Long An nói riêng và cả nước nói chung sau chiến tranh gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân lớn là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kéo dài không còn phù hợp. Tình trạng "ngăn sông cấm chợ", cản trở lưu thông hàng hóa gây nhiều bất an, vướng mắc trong xã hội.

Điều này làm cho đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần)-Bí thư Tỉnh ủy Long An lúc bấy giờ-rất trăn trở. Tìm hiểu thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Chính thấy rõ: Do quan hệ cung cấp, mua bán theo cơ chế tem phiếu của Nhà nước có mâu thuẫn với mua bán tự do bên ngoài, nên đã dẫn đến tình trạng nhiều giá và hình thành hai loại thị trường: Thị trường chợ đen phát triển mạnh, thu hút ngày càng lớn lượng hàng hóa và khách hàng; thị trường giá Nhà nước (giá cung cấp) ngày càng thu hẹp, Nhà nước không chủ động được tiền-hàng, bộ máy công chức phát sinh tiêu cực, tiền mặt tồn đọng trong dân.

Nhận thức được điểm mấu chốt để giải quyết khó khăn, bế tắc về phân phối lưu thông là sự bất hợp lý về giá cả, từ năm 1977, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Long An đã giao cho ngành thương nghiệp quốc doanh thu mua một số mặt hàng nông sản phẩm giá cao (xấp xỉ giá thị trường) bán cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu ở TP Hồ Chí Minh đổi lấy hàng công nghệ đưa về Long An. Nhưng, giải pháp này ngay sau đó không được cấp trên cho phép tiếp tục thực hiện.

Dù vậy, ý tưởng thực hiện "cơ chế một giá" vẫn được Đảng bộ Long An theo đuổi. Đến khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 khóa IV với chủ trương "bung ra", "cởi trói cho sản xuất kinh doanh" được ban hành (tháng 9/1979), Long An thấy thời cơ để thực hiện ý tưởng đã đến. Rút kinh nghiệm năm 1977, Tỉnh ủy Long An đã vạch ra một chương trình rất cẩn thận cho lộ trình mới để xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo Trung ương, sau đó báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư Lê Duẩn và được chấp thuận cho làm thí điểm.

Ngày 27/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định về biện pháp thực hiện chủ trương thu mua nông sản, lương thực, thực phẩm; tiến hành thử việc mua nông sản thực phẩm và bán hàng tiêu dùng theo sát giá thị trường. Long An bắt đầu tiến hành thử nghiệm phương thức mới: Xóa bỏ cơ chế nhiều giá, thực hiện cơ chế một giá. Sau hai tháng thực hiện, chủ trương của Tỉnh ủy được nhân dân và cán bộ hồ hởi đón nhận, đời sống xã hội có sự thay đổi tích cực.

Phần thưởng cho lòng dũng cảm

Theo ông Phạm Thanh Phong, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, cuộc đấu tranh để vận dụng cơ chế một giá ngay trong nội bộ và trên địa bàn tỉnh có lúc gay gắt, nhưng thực tế cho thấy khi thực hiện, Nhà nước ngày càng nắm được tiền hàng, ổn định được tài chính, giải phóng được lực lượng sản xuất, đời sống của cán bộ và nhân dân được bảo đảm ổn định, cải thiện và phát triển; kinh tế-xã hội ở địa phương phục hồi, tăng trưởng rõ rệt.

Được Trung ương khuyến khích, ngày 20/8/1980, Long An chính thức thực hiện Đề án cải tiến phân phối lưu thông. Chỉ sau bốn tháng áp dụng, trong vụ hè-thu năm 1980, tỉnh đã thu mua được hơn 25.000 tấn thóc (gấp 2,5 lần năm 1979), nông sản thực phẩm mua được gấp năm lần năm 1979. Nếu như tỷ lệ so sánh giữa hàng nông sản của Nhà nước so với thị trường tự do ở thời điểm năm 1980 là 34/66 thì đến năm 1981 đã tăng lên 55/45, năm 1982 đạt 56/44 và năm 1983 đạt 59/41. Mặt khác, chỉ sau hai tháng bù giá vào lương, cuối năm 1980 đã có hơn 300 công nhân từng xin nghỉ việc đã quay trở lại làm việc. Người lao động được bù giá, có tiền mặt trong tay đã chủ động hơn trong cuộc sống, có thể mua bán theo nhu cầu riêng, không còn phải lo tích trữ hàng.

Nhờ vậy, mua và bán đều vượt kế hoạch: lương thực giao nộp Trung ương năm 1983 đạt 126% kế hoạch, bằng 88% tổng số thu mua và xấp xỉ mức giao nộp cả bốn năm (từ năm 1976 đến năm 1980 cộng lại). Lợi nhuận thương nghiệp tăng vọt: từ 2,4 triệu đồng (năm 1980) tăng lên 16 triệu đồng (năm 1981), 26 triệu đồng (năm 1982) và 52 triệu đồng (năm 1983). Đồng thời, việc bù giá lương thực từ năm 1981 đã làm dôi ra trung bình gần 1.000 tấn gạo/năm, tổng thu ngân sách địa phương năm 1983 tăng gấp 15 lần năm 1980. Thực tế đó cho thấy việc bù giá đã mang lại nhiều kết quả thiết thực: bảo đảm cho mức thu nhập thực tế và mức tiêu dùng của dân cư ổn định, xóa bỏ được tem phiếu, giảm phần lớn chi phí về thủ tục...

Chặng đường tiếp nối

Từ đó đến nay, trong suốt quá trình đổi mới cùng đất nước, Long An vẫn tiếp tục phát huy truyền thống và vận dụng kinh nghiệm bám sát thực tiễn để tìm ra những biện pháp khắc phục khó khăn, tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của địa phương. Điều đó một lần nữa được minh chứng bằng công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả của Long An thời gian vừa qua.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Long An là một trong bốn tỉnh, thành phố (cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) bị "cơn bão" Covid-19 tàn phá nặng nề. Với quan điểm chung là phải chủ động, đi trước một bước, đồng bộ trong cách xử lý, khi dịch Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu bùng phát mạnh, tỉnh Long An nhanh chóng triển khai xây dựng Kế hoạch số 2727 ngày 19/8 chỉ trong một đêm, với tinh thần áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng ở mức cao hơn. Đặc biệt, để thực hiện được "mục tiêu kép", ngay trong đại dịch, chính quyền tỉnh vẫn luôn đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp để tiếp nhận đầu tư, tạo tiền đề cho sự phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát. Với biện pháp đẩy nhanh bao phủ vaccine, Long An là tỉnh mở cửa sớm nhất, tạo điều kiện sớm nhất cho đội ngũ chuyên gia, lao động tay nghề cao, kể cả lực lượng công nhân trở lại làm việc. Chính sự chủ động, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình của địa phương, Long An không những giữ chân được doanh nghiệp mà còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh. Từ ngày 1/10 đến nay, Long An đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án mới vào các khu công nghiệp, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong năm 2021 khi thu hút được 42 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD.

Bằng tư duy lãnh đạo nhạy bén, bám sát thực tiễn, nêu cao trách nhiệm trước dân, giữ vững tính Đảng và nguyên tắc tập trung dân chủ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Chính đã cùng tập thể Tỉnh ủy và UBND tỉnh tạo ra bước đột phá hiệu quả từ khâu giá-lương-tiền, cải tiến phân phối lưu thông, đưa đến đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới tư duy và hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử tỉnh Long An