Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban VTV3, Ðài Truyền hình Việt Nam

"Trong kỷ nguyên mạng xã hội, báo chí cần nhất quán với những giá trị cốt lõi"

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3) Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ chung quanh vấn đề hoạt động và tương lai của báo chí trong kỷ nguyên của mạng xã hội.

Nhà báo Tạ Bích Loan
Nhà báo Tạ Bích Loan

Phóng viên (PV)Theo chị, với các cơ quan truyền thông chính thống như VTV thì mạng xã hội được coi là đối thủ hay đối tác?

Bà Tạ Bích Loan (TBL): Để trả lời câu hỏi này, tôi nhớ lại cách tôi sử dụng mạng xã hội. Thí dụ, mới đây, VTV3 phát sóng chương trình Giờ thứ 9 + dành cho giai cấp công nhân Việt Nam. Trước thời điểm lên sóng khoảng 15 phút, tôi nhận được từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam những tranh cổ động mời gọi mọi người xem chương trình Giờ thứ 9 + do anh chị em công nhân thiết kế để chia sẻ trên Facebook. Và ngay lập tức tôi cũng "post" lên trang facebook cá nhân của mình một số hình ảnh hấp dẫn để mời xem chương trình và đã tạo ra hiệu quả viral rất mạnh mẽ. Có thể thấy, sử dụng mạng xã hội để kết nối với khán giả, với công chúng đã trở thành một thói quen của nhiều người làm báo.

Cách đây khoảng 15-20 năm, chúng ta không hình dung rằng cách mà chúng ta ứng xử với mạng xã hội lại trở thành thói quen tự nhiên và thường xuyên như vậy. Mạng xã hội đã đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của con người trong ngày, những nút like, những comment kích thích nhu cầu chia sẻ một cách khéo léo. Facebook- một trong những mạng xã hội tiêu biểu - tạo ra nhiều lợi ích lớn, gây nghiện và những rủi ro đi kèm. "Say sưa quá rồi chợt nhìn lại", khi chúng ta nhận ra cách mà Facebook có thể tác động tới nhận thức của công chúng, hoặc lan truyền những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người nhận thông tin và cả những người được nói về thì chính người làm báo chúng ta choáng váng, cảm thấy mối đe dọa với công việc của mình. Rồi đi qua cả những trải nghiệm ấy, chúng ta đã thiết kế những "luật chơi" để giảm hoặc ngăn chặn những tác hại của mạng xã hội, thí dụ Hội Nhà báo Việt Nam ra Bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, quy định những điều mà nhà báo cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội với những chỉ dẫn rất cụ thể, từ việc bình luận, nhận xét, đăng tải hay sao chép, chia sẻ tin bài…

Tôi cho rằng xem mạng xã hội là đối tác hay đối thủ là do cách nhìn nhận, cách sử dụng của mỗi người. Mạng xã hội có thể là nơi chúng ta phát hiện nguồn tin, thậm chí nó tạo ra kho chất liệu cho công tác tác nghiệp của người làm báo. Nhưng mạng xã hội cũng có thể là nơi tràn lan tin giả, tin xấu độc gây ảnh hưởng tới lòng tin của công chúng, hoặc là nơi mà những chính sách của Đảng, Nhà nước bị xuyên tạc. 

Phóng viên (PV)Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, vậy nhà báo làm thế nào sử dụng được thế mạnh của mạng xã hội mà không bị "đứt tay"?

Bà Tạ Bích Loan (TBL): Với mạng xã hội, mọi thứ đều có thể, tùy theo cách chúng ta định vị bản thân, định vị công việc của mình khi dùng nó, và xác định cách thức sử dụng nó. Vậy làm thế nào để sử dụng tốt nhất mạng xã hội? Hiện nay, với nhiều nhà báo và cơ quan báo chí, mạng xã hội là "cánh tay nối dài". Chúng ta có thể quảng bá, đăng tải những tác phẩm báo chí, tìm đề tài, kiểm tra thông tin, thăm dò ý kiến độc giả, công chúng trên mạng xã hội…

Trong một thế giới vô cùng biến động, không thể đoán trước, trong sự phức tạp thậm chí hỗn loạn của mạng xã hội, báo chí cách mạng Việt Nam làm sao vừa giữ được vị thế, sức chiến đấu vừa có thể hợp tác, khai thác được thế mạnh của mạng xã hội mà không bị "đứt tay"? Đứng từ góc độ là một người lính trong binh chủng thông tin của Đảng, tôi cho rằng chúng ta hãy cùng nhau trở về cái gốc mà Bác Hồ-một nhà báo vĩ đại - từng căn dặn những người làm báo phải luôn ý thức: "Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?" Nếu nhìn lại cuộc kháng chiến kiến quốc, các nhà báo hôm nay có thể học được nhiều bài học để áp dụng vào nghề nghiệp của mình, như chiến tranh nhân dân đã được nâng lên thành nghệ thuật, trong đó, luôn biết mình biết ta, biết điểm mạnh yếu của mình, biết đánh vào điểm yếu của địch. Ngày nay, trong thời bình, báo chí cần xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình và đối thủ cũng như đối tượng đấu tranh để có thể biết cách giành thắng lợi. 

Phóng viên (PV)Điểm mạnh của báo chí, sự khác biệt của báo chí cách mạng so với mạng xã hội là gì, thưa chị?

Bà Tạ Bích Loan (TBL): Tôi cho rằng điểm mạnh, sự khác biệt của báo chí so với mạng xã hội chính là những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng. Giá trị cốt lõi đó là gì? Đó là tính chính nghĩa - kim chỉ nam của mọi tờ báo. Điều làm nên sự khác biệt của báo chí so với mạng xã hội là báo chí luôn kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải và chịu trách nhiệm về những thông tin đưa ra. Việc kiểm chứng nguồn tin là một quy tắc nghề nghiệp vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta sẽ phải chậm lại một chút, phải kiềm chế việc chạy đua tốc độ với mạng xã hội nhưng chính điều đó đưa đến những thông tin đáng tin cậy. Một thách thức của chúng ta là khi viết báo cần có cảm xúc, nhưng nếu không tiết chế được cảm xúc thì cách nhìn nhận sẽ mang tính chủ quan. Một tờ báo mang tính trách nhiệm cao với xã hội thì phải có tính khách quan và sự khách quan này mới bảo đảm tính nhân văn.

Với mạng xã hội vì không phải là cơ quan báo chí, không phải chịu trách nhiệm với nguồn tin nên thông tin đưa lên có thể nhanh hơn hoặc cảm tính hơn. Điều ấy thu hút và gây sự tò mò, lôi cuốn nhưng đồng thời cũng sẽ là thách thức về tính chính xác, tính tin cậy. Khi công chúng đọc những thông tin như vậy, có thể bị mất lòng tin và họ sẽ quay lại tìm sự kiểm chứng trên báo chí chính thống. Vậy nên sự nhất quán với giá trị cốt lõi của mình là điều càng cần thiết hơn trong thế giới truyền thông đầy biến động.

Phóng viên (PV)Với những giá trị cốt lõi của báo chí chính thống, chị đánh giá thế nào về tương lai của báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội?

Bà Tạ Bích Loan (TBL): Niềm tin được xây dựng bằng sự nhất quán. Báo chí chính thống nếu nhất quán kiên trì giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi của mình thì chắc chắn sẽ có tương lai phát triển hứa hẹn trong kỷ nguyên mạng xã hội. Báo chí cách mạng có sứ mệnh vì mục tiêu xây dựng đất nước, vì lý tưởng của Đảng và vì cuộc đấu tranh chống lại những tư tưởng lạc hậu, trì trệ, bảo thủ, xây dựng niềm tin, niềm tự hào về đất nước, về con người Việt Nam. Tôi cho rằng với việc gánh vác những sứ mệnh đó đã làm nên sức sống, sức mạnh và tương lai của báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, báo chí phải góp phần xây dựng con người bằng cách đưa những thông tin chính xác, công bằng, trung thực, khách quan và nhân văn. Bằng những khát vọng như vậy, ở VTV3, chúng tôi xây dựng niềm tự hào trong các chương trình như: Giờ thứ 9 + là nơi xây dựng niềm tự hào của công nhân Việt Nam; chương trình Quân khu số 1 - phiên bản mới của Chúng tôi - chiến sĩ, xây dựng niềm tự hào về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phát huy truyền thống yêu nước kiên cường, dũng cảm, phụng sự hết lòng cho Tổ quốc và có sự nhạy bén nắm bắt khoa học kỹ thuật hiện đại, luyện tập không ngừng , sẵn sàng phục vụ Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào; hay là niềm tự hào của học sinh Việt Nam với Đường lên đỉnh Olympia; niềm tự hào của của trẻ em Việt Nam trong các chương trình Gameshow như Trạng nguyên nhí,… các chương trình đều được sản xuất và được đưa lên nhiều hạ tầng truyền thông cả chính thống và cả mạng xã hội.

Tôi nghĩ ở trên bất cứ một mặt trận nào, làm báo, truyền hình, báo điện tử hay các chương trình mang tính tài liệu, thời sự, bình luận, hoặc văn hóa giải trí … thì các nhà báo cần phát huy được thế mạnh đồng thời học hỏi, sử dụng được cách thức mà mạng xã hội đang cung cấp thông tin. Có như vậy, báo chí chính thống có thể khắc phục được điểm yếu, phát huy được thế mạnh của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Tạ Bích Loan!