Chính sách hỗ trợ cần trúng và đúng

Được kỳ vọng rất nhiều, song quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15) chỉ đạt kết quả khá khiêm tốn. Điều này phản ánh thực tế, chính sách hỗ trợ chưa phù hợp, chưa rõ ràng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, điều này làm tỷ lệ giải ngân thấp đi so dự kiến.
Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, điều này làm tỷ lệ giải ngân thấp đi so dự kiến.

Theo nội dung Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 vừa được Chính phủ trình Quốc hội mới đây, đến hết năm 2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 240.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 61.000 tỷ đồng. Riêng số tiền hỗ trợ lãi suất 2% lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 1.218 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách, cho gần 2.300 khách hàng. Như vậy, còn khoảng 38.782 tỷ đồng thuộc gói hỗ trợ không sử dụng hết.

Giải ngân thấp do… doanh nghiệp không lựa chọn thụ hưởng

"Với số vốn không giải ngân hết của chính sách, sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng số vốn này", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Lý giải về các nguyên nhân khiến chính sách này có kết quả triển khai thấp, Chính phủ báo cáo: "Doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do ngại thanh tra, kiểm tra. Họ cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất như phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Chưa kể việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện "có khả năng phục hồi" theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 gặp khó khăn".

Nội dung này đã được đưa ra bàn thảo trong phiên Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) nhận định, là một chủ trương và quyết sách đúng đắn, chính xác và kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được coi là giải pháp quan trọng góp phần hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách cho thấy, chính sách hỗ trợ lãi suất không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Theo đại biểu Vũ Tuấn Anh, thực tiễn minh chứng, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, tường minh, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó bảo đảm điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất.

Bài học về thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống

Với một góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị nhận định, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giúp "Việt Nam hạ cánh mềm, thay vì hạ cánh cứng như nhiều nước khác". Giai đoạn 2022-2023 là thời điểm "toát mồ hôi" của chính sách tiền tệ. Vào thời điểm đó mà điều hành được như những gì đã diễn ra có thể được coi là thành công. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, chúng ta lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô, phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống.

Thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này trước toàn thể Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị… Ngay sau khi có Nghị quyết này, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đây là một trong những chương trình của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Ngay từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp "có khả năng phục hồi" tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn. Chính sách không phải vì được hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp mới đi vay, mà quyết định của doanh nghiệp là vay để làm gì và có khả năng trả nợ hay không? Mặt khác, vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ.

Chia sẻ quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là chính sách hỗ trợ nên không giống việc thực hiện theo pháp lệnh như: thu nộp ngân sách hay giải ngân đầu tư công. Việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh phức tạp, chưa có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát thực tiễn, nhưng điều quan trọng là có thêm bài học kinh nghiệm giá trị về cách thức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.