Chính phủ cùng ngành y nỗ lực gỡ khó

Thời gian qua, có thể nói ngành y tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng về thuốc, trang thiết bị vật tư y tế và hóa chất. Trước tình trạng “cấp cứu của cấp cứu” - như lời một giám đốc bệnh viện lớn từng nói, không thể trì hoãn thêm, Chính phủ đã có động thái nhanh chóng để gỡ khó. Trong hai ngày, hai văn bản mang tính “giải cứu” ngành y được ban hành.
0:00 / 0:00
0:00
Đội ngũ y tế mong muốn đủ điều kiện để phục vụ nhân dân tốt nhất.
Đội ngũ y tế mong muốn đủ điều kiện để phục vụ nhân dân tốt nhất.

Những băn khoăn vướng mắc chưa đến một tuần sau đã được đưa ra cùng bàn thảo tìm hướng giải quyết tại Hội nghị trực tuyến Hướng dẫn triển khai Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP về các vấn đề liên quan đến đấu thầu mua sắm thiết bị máy móc, vật tư y tế.

Tạo cơ chế thông thoáng cởi mở

Hai văn bản quan trọng đó là Nghị định số 07/2023/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 07) ban hành và có hiệu lực ngày 3/3/2023 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Nghị quyết số 30/NQ-CP (gọi tắt Nghị quyết 30) ban hành và có hiệu lực ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Hai văn bản trên đưa vào thực tiễn đã giúp các bệnh viện tháo gỡ nhiều nút thắt lâu ngày bị tắc nghẽn.

Cụ thể, Nghị định 07 đã cho phép nhập khẩu, thông quan các loại hóa chất, vật tư y tế, để bảo đảm có đủ cho việc khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp hàng cho các bệnh viện, cơ sở y tế. Nghị quyết 30 về cơ bản đã tháo gỡ được những vướng mắc về cơ chế cung cấp, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, sửa đổi quy định về thanh toán bảo hiểm y tế, cho phép thay đổi xác định giá gói thầu mua sắm y tế...

Trước đó, ngày 24/2, Bộ Y tế cho biết đã có báo cáo về các vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế, đồng thời đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ. Các khó khăn, vướng mắc cụ thể như khái niệm tài sản công có bao gồm thuốc, vật tư tiêu hao sử dụng 1 lần thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 151/2017/NĐ-CP, theo đó không thể áp dụng ban hành định mức sử dụng để mua sắm; Phân cấp thẩm quyền mua sắm giữa Nghị định 63/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài sản công cần thống nhất.

Hiện nay chỉ có Nghị định 151 quy định nội dung quyết định mua sắm, chưa có hướng dẫn nội dung dự toán mua sắm và chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xây dựng, phương pháp thẩm định. Về tham khảo giá, khó nhất hiện nay, đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu thế nào là đúng. Đặc biệt là quy định phải tham khảo 3 báo giá...

Ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) thành viên ban soạn thảo Nghị quyết 30 phấn khởi cho hay, với những điểm mới, Nghị quyết 30 về cơ bản sẽ tháo gỡ được những vướng mắc mà Bộ Y tế đã đề cập đến. Thí dụ, với máy móc trang thiết bị được các tổ chức, cá nhân cho, tặng, trước đây ngành y chưa có cơ chế để đưa vào sử dụng, vận hành; hay đối với những máy hết hạn liên doanh, liên kết thay bằng dừng thì với Nghị định 30, cơ sở y tế được phép tiếp tục sử dụng, bảo hiểm y tế vẫn chi trả cho người dân như bình thường. Sự thay đổi này nhằm khắc phục tình trạng thiếu máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân...

Chính phủ cùng ngành y nỗ lực gỡ khó ảnh 1

Nghị định 07 và Nghị quyết 30 tháo gỡ được cơ bản những vướng mắc về trang thiết bị y tế trong suốt thời gian qua. Ảnh trong bài | Cổng thông tin Bộ Y tế

Khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định “Không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán” do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các cơ sở y tế.

Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định: Chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp TTBYT, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục và nội dung thông tin TTBYT phải kê khai giá. Nội dung, hình thức, trình tự thủ tục kê khai giá TTBYT thực hiện theo quy định của pháp luật về giá hoặc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Việc xác định giá để thực hiện kế hoạch mua sắm cũng có điều chỉnh. Trước đây quy định yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng theo nghị quyết mới, chỉ cần có nhà thầu, các bệnh viện có thể xác định giá mua. Trong trường hợp có nhiều chủng loại, Hội đồng khoa học có trách nhiệm thẩm định, đưa ra ý kiến lựa chọn...

Có một thực tế phổ biến tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh viện lớn trực thuộc Bộ, đó là tỷ lệ sử dụng các máy liên doanh, liên kết, máy xã hội hóa chiếm rất cao (khoảng 70-80%, thậm chí có bệnh viện sử dụng các loại máy theo hình thức này đến 90%). Nghị quyết 30 đã gỡ khó cho thực trạng này.

Theo đó, các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ BHYT thanh toán.

Thời gian tới, khi những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, trên thực tế các đơn vị đã có thời gian triển khai theo Nghị quyết này, có thời gian cọ xát, các quy định sẽ sát thực tế hơn. Về lâu dài, Nghị quyết 30/NQ-CP giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định về những vấn đề này. Các cơ sở khám, chữa bệnh đặt nhiều kỳ vọng vào các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành.

Người dân được quan tâm hàng đầu

Thời gian vừa qua, người bệnh cùng chịu cảnh khó khăn chung với ngành y tế, và trên hết, họ gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất. Nhiều bệnh viện, trong đó có các bệnh viện lớn, do thiếu máy móc vật tư, hóa chất, buộc phải gửi bệnh nhân làm dịch vụ ở các cơ sở y tế tư nhân, các ca phẫu thuật, chấn thương, chi phí chi trả cho việc chạy chữa tốn kém hơn gấp nhiều lần so với chữa trị tại các bệnh viện công có bảo hiểm y tế, chưa kể đi lại phiền phức mất thời gian, ảnh hưởng sức khỏe... Trước đây, việc sửa chữa các trang thiết bị, đặc biệt là máy móc y tế có giá trị lớn như máy CT, MRI trước đây theo nguyên tắc phải được đưa vào kế hoạch trung hạn (5 năm).

Chưa đầy một tuần sau khi hai văn bản ban hành, Hội nghị Hướng dẫn triển khai Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP được tổ chức kịp thời cho các Sở y tế, hệ thống bệnh viện cũng như doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế tự tin thực hiện. Ngay tại Hội nghị, phía bệnh viện cũng như doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn về việc xác định các tình huống, thí dụ như đối với trang thiết bị y tế độc quyền báo giá có thể cao gấp đôi, gấp ba lần so với giá nhập khẩu thì có bị xếp vào hành vi “thổi giá” không; trong thời điểm nào, tiêu chí nào được coi là khẩn cấp.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, những khó khăn vướng mắc của các đơn vị không thể giải quyết triệt để ngay, mà giải quyết từng bước. Bộ Y tế sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của đơn vị, cơ sở y tế về vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc... cùng phối hợp với các bộ và báo cáo lên Chính phủ để giải quyết.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu quan điểm sẽ chịu trách nhiệm thanh kiểm tra và hậu kiểm tra đối với các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh thiết bị y tế, họ chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai giá, tính năng cấu hình, tác dụng tính pháp lý, chính xác của trang thiết bị đó. Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nhìn nhận, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt nên vẫn còn xảy ra tình trạng mỗi nơi hiểu theo một cách và vận dụng khác nhau. “Về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng Bộ Y tế và nhất là các bệnh viện sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến để xây dựng các chính sách phù hợp nhất với tình hình thực tế”- ông nói.

Thực tế, ngay khi hai văn bản được ban hành, Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi họp bàn thống nhất triển khai việc áp dụng cho các đơn vị. Sở Y tế thành lập tổ theo dõi diễn biến mua sắm hóa chất vật tư của các bệnh viện và sẽ tiếp tục kiến nghị nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện, không để việc thiếu trang thiết bị, thuốc, hóa chất ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Hằng tuần, Sở Y tế sẽ tổ chức họp trực tuyến để các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm theo tinh thần Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

“Chúng tôi rất vui khi đón nhận Nghị quyết này của Chính phủ do Nghị quyết sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cấp bách để các bệnh viện có thuốc, vật tư, trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ người bệnh”. PGS,TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết. Hầu hết các ý kiến bên cạnh những băn khoăn, đều cho rằng, sự ra đời kịp thời của Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã cơ bản giải quyết được 80-90% vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở y tế.