Chiếc chìa khóa cho hòa bình

Sau 40 năm kể từ thời điểm được những quốc gia đầu tiên ký kết, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng giúp quy định rõ ràng về việc sử dụng vùng biển. Đây cũng là nền tảng để nhiều nước xác định rõ ràng về quyền hạn của họ, cũng như là cơ sở giải quyết tranh chấp phát sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu đánh bắt hải sản trên vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Hà
Tàu đánh bắt hải sản trên vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Hà

Luật ở vùng biển mới

Hiện tượng nóng lên toàn cầu mang lại nhiều thách thức cho con người trong việc ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Nhưng với một số quốc gia, hiệu ứng nhà kính và việc băng tan ở hai cực cũng mang lại cho họ không ít cơ hội mới. Một trong số đó là quyền lợi khai thác kinh tế ở những quốc gia tiếp giáp Bắc Băng Dương.

Khác với cực nam Trái đất, nơi Nam Cực trở thành một lục địa biệt lập nằm cách xa những khu vực còn lại, một phần diện tích Bắc Cực được tám nước tuyên bố chủ quyền. Số quốc gia có vùng biển tiếp giáp với Bắc Băng Dương thậm chí còn nhiều hơn, qua đó khiến vấn đề sử dụng vùng biển này trở nên phức tạp.

Một trong những quốc gia được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi băng ở Bắc Băng Dương tan ra chính là Nhật Bản. Việc hình thành những luồng tuyến hàng hải mới, một cách tự nhiên, sẽ giúp Xứ sở Mặt trời mọc hình thành mối quan hệ giao thương mạnh mẽ hơn với các nước châu Âu, đặc biệt là khu vực Bắc Âu.

Thông thường, hàng hóa lưu thông giữa Bắc Âu và Nhật Bản qua đường biển sẽ đi qua kênh đào Suez, với tổng quãng đường là 11.200 hải lý. Trong trường hợp tuyến hàng hải xuyên Bắc Cực được đi vào hoạt động, quãng đường sẽ được rút ngắn đến 40%, chỉ còn 6.500 hải lý và không cần đi qua kênh đào nào nữa.

Tuy nhiên, việc hình thành một tuyến hàng hải mới đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán để làm việc với những quốc gia có vùng biển tiếp giáp với con đường mới này. Trong số những đối tác quan trọng của họ, có cả một vài quốc gia vẫn đang tranh chấp chủ quyền biển với Nhật Bản nhiều năm qua.

Trên cơ sở đó, Nhật Bản đã vận dụng khéo léo UNCLOS trong vấn đề giải quyết tranh chấp. Một trong số đó là việc thực hiện nghiêm túc điều 59 của Công ước này:

"Trong những trường hợp Công ước không quy định rõ các quyền hay quyền tài phán trong các vùng đặc quyền về kinh tế cho quốc gia ven biển hay cho các quốc gia khác và ở đó có xung đột giữa lợi ích của quốc gia ven biển với lợi ích của một hay nhiều quốc gia khác thì sự xung đột này phải được giải quyết trên cơ sở công bằng và có chú ý đến tất cả mọi hoàn cảnh thích đáng, có tính đến tầm quan trọng của các lợi ích có liên quan đó đối với các bên tranh chấp và đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế".

Qua đó, trong nhiều năm gần đây, Nhật Bản đã duy trì kết nối với các quốc gia có chung vùng biển với họ trên cơ sở đàm phán hòa bình, tôn trọng quyền lợi của nhau. Ngoài ra, họ cũng tăng cường hợp tác với những quốc gia trên tuyến hàng hải xuyên Bắc Cực, với Phần Lan là một trong những đối tác quan trọng nhất.

Căn cứ phán xử

Là hai quốc gia Nam Mỹ tuyên bố độc lập từ vị thế thuộc địa, Guyana và Suriname có chung đường biên giới cả trên đất liền lẫn trên biển. Trong khi phần ranh giới đất liền được xác định từ lâu dựa trên lịch sử, phần biên giới biển giữa Guyana và Suriname lại phức tạp hơn theo thời gian.

Khoảng cuối thế kỷ 20, các chuyên gia xác định vùng biển giáp ranh giữa Guyana và Suriname là nơi giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là trữ lượng dầu khí dồi dào. Ước tính vùng biển này có trữ lượng dầu mỏ tương đương 3,2 tỷ thùng, con số rất lớn với một quốc gia có dân số chưa tới 800.000 người.

Với việc nằm ở ngoài khơi, mỏ dầu trên được cả Guyana và Suriname tuyên bố chủ quyền. Năm 2000, khi Guyana điều một giàn khoan di động đến khu vực biển giáp ranh giữa hai nước, Suriname đã đáp trả bằng việc huy động tàu chiến yêu cầu giàn khoan trên phải lùi sâu về vùng biển thuộc chủ quyền của Guyana.

Trong bối cảnh Guyana và Suriname không thể đạt được đồng thuận về việc phân chia biên giới trên biển, họ đã đưa vụ việc này lên tòa án quốc tế. UNCLOS được xác định làm cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp bởi cả hai quốc gia đã ký và thông qua Công ước này. Vụ kiện kéo dài trong nhiều năm với phần thắng thuộc về Guyana.

Sau khi được công nhận chủ quyền với phần lãnh thổ trên biển có sở hữu bể dầu lớn, Guyana mất thêm một vài năm để ổn định tình hình trước khi đưa vào khai thác. Việc xuất khẩu dầu khí đã mang lại bước chuyển mình không ngờ đến với quốc gia này. Trong năm 2020, khi toàn thế giới đang oằn mình chống đại dịch Covid-19, Guyana đạt mức GDP tăng trưởng đến 45%, và tăng 20% trong năm 2021.

Nếu không nằm trong số những quốc gia ký và thông qua UNCLOS 1982, Guyana có lẽ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tranh chấp chủ quyền trên biển với Suriname. Trong tình hình đôi bên không thể đàm phán thành công, Guyana và Suriname hoàn toàn có khả năng rơi vào thế đối đầu, thậm chí dẫn tới chiến tranh nếu như xung đột vũ trang tiếp tục xảy ra.

Về phía Suriname, phán quyết của tòa án quốc tế dựa trên cơ sở pháp lý là UNCLOS đã khiến quốc gia này ngừng triển khai hoạt động quân sự nhắm vào Guyana. Họ tuân thủ theo quyết định của Tòa khi Guyana là người thắng. Căng thẳng giữa hai quốc gia đã chấm dứt, hướng tới một giai đoạn phát triển mới, đôi bên cùng có lợi.

Không thể phủ nhận vai trò của UNCLOS trong giúp giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Guyana và Suriname một cách minh bạch nhất, công bằng nhất thông qua tòa án quốc tế. Việc không thiên vị quốc gia nào giữa Guyana và Suriname càng cho thấy tính khách quan của những vụ kiện tranh chấp trên cơ sở UNCLOS, tạo tiền đề giải quyết khiếu nại từ các nước khác trên cơ sở đàm phán hòa bình, tôn trọng quyền lợi của nhau.