Thế giới nhìn về năm 2024

Chìa tay ra, trên những lằn ranh

Với những câu chuyện toàn cầu được "thừa hưởng" từ năm 2023 vẫn đang tiếp diễn, những đường nét chính trên diện mạo thế giới năm 2024 có lẽ sẽ không nhiều cơ hội tương đồng với những lời chúc tốt đẹp vào dịp đầu năm. Tuy nhiên, cũng có những guồng máy đã chính thức được khởi động, đủ để tạo dựng niềm tin và thắp lên những tia hy vọng, về sức mạnh của khả năng hợp tác vượt trên những bất đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo thế giới với bước tiến lịch sử - Quỹ Tổn thất và Thiệt hại - tại COP28.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo thế giới với bước tiến lịch sử - Quỹ Tổn thất và Thiệt hại - tại COP28.

TỔ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể đạt mức 2,7% vào năm 2024 này, giảm nhẹ so mức 2,9% của năm 2023, trước khi lên khoảng 3% vào năm 2025.

Theo các nhà kinh tế, bước sang năm 2024, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể vẫn tiếp tục được duy trì ở hầu hết các nền kinh tế trong nửa đầu năm, và chỉ có thể được nới lỏng trở lại vào nửa cuối năm. Tình trạng lãi suất luôn ở mức cao vẫn tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt đối với các công ty, ngành hoặc quốc gia mắc nợ cao.

Ngoài ra, chiến tranh hay xung đột, với những tác động tiềm ẩn đối với thị trường năng lượng, chỉ số lạm phát cũng như niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các nước công nghiệp hóa, cũng đang treo lơ lửng nhiều rủi ro phía trên các dự án phát triển kinh tế.

Mặc dù vậy, như phân tích của trang Al Jazeera, "dự báo kinh tế là một ngành khoa học thiếu sự chính xác cao". Mười hai tháng trước, đã lan rộng những dự đoán về một cuộc suy thoái ở Mỹ. Tại những nơi khác, các nhà chuyên môn cho rằng chi phí nợ cao sẽ gây ra một loạt vụ vỡ nợ quốc gia ở các khu vực đang phát triển. Cả hai viễn cảnh đen tối đó, may mắn, đều đã không xảy ra.

Có lẽ việc nền kinh tế thế giới đã tỏ ra kiên cường hơn hầu hết các nhà phân tích dự đoán vào đầu năm 2023 (nhất là khi lạm phát toàn cầu đã giảm mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh) cũng chính là lý do để hiện tại, giới chuyên môn không tỏ ra quá bi quan.

VẤN đề là, vẫn luôn có những biến số rất khó kiểm soát, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả guồng máy kinh tế toàn cầu, từ đó tác động đa chiều đến nhiều mặt của kết cấu xã hội cũng như những lĩnh vực quốc tế khác. Nếu kinh tế không phát triển, thật dễ thấy, mọi nguồn ngân sách dành cho bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, thực thi các sứ mệnh nhân đạo, chuyển đổi cơ cấu năng lượng hay phát triển khoa học-công nghệ cũng sẽ trở nên eo hẹp. Do đó, khả năng gắn kết và hợp tác lại càng trở nên quan trọng, hơn bất cứ lúc nào.

Như đã đề cập, tình trạng chiến tranh hay xung đột vẫn đã và đang tạo những áp lực nặng nề đầy cạm bẫy lên giá dầu, cũng như thị trường năng lượng thế giới. Trong trường hợp "mạch máu của các nền kinh tế" một lần nữa bị thắt lại với việc giá dầu "nhảy múa" ở mức tiệm cận 100 USD/thùng như trong quá khứ gần, sự hỗn loạn cũng luôn có khả năng tái hiện. Không chỉ vậy, việc ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển duy trì lãi suất ở mức cao (nhằm chống lại lạm phát), và cả sự khó đoán định về sức phục hồi của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sau những hệ lụy của thời kỳ đóng cửa bởi đại dịch Covid-19 cũng vẫn đang đặt ra nhiều thách thức.

Và bên cạnh đó, sự hình thành cuộc cạnh tranh ngày một gay gắt giữa Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng khiến bức tranh toàn cảnh nền kinh tế thế giới thêm phân mảnh. BRICS năm nay sẽ mở rộng kết nạp thêm năm thành viên, bao gồm: Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), nghĩa là kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Do vậy, nhu cầu bức thiết hàng đầu mà năm 2024 đặt ra cho nhân loại vẫn là sự hòa giải, đối thoại thay vì đối đầu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở miền đông Ukraine (đã bước sang năm thứ ba) hoặc những cuộc tiến công quân sự của quân đội Israel trên Dải Gaza-điều dẫn tới tình trạng bất ổn khắp Biển Đỏ cũng như khu vực Trung Đông, cùng các "điểm nóng" xung đột khác cần phải được thay thế bằng các giải pháp hòa bình, với sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế trong vai trò trung gian.

Đó là những mục tiêu khó khăn, nhưng không phải là không thể đạt được. Một thí dụ điển hình: Trước mối lo chung về sự tồn vong của loài người, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) cuối năm 2023 đã đạt được những thỏa thuận mang tính bước ngoặt, để trong năm 2024 này, Quỹ Tổn thất và Thiệt hại sẽ đi vào hoạt động, nhằm giúp đỡ các quốc gia cũng như những cộng đồng dễ bị tổn thương chống chọi và thích ứng với những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu/môi trường.

CÁC cường quốc dẫn đầu, mặc dù bất đồng và cạnh tranh với nhau tương đối gay gắt trên nhiều phương diện khác, cũng đã nhìn về cùng một hướng ở "sứ mệnh sinh tử" ấy. Đó là một chỉ dấu tốt cho niềm tin, để năm 2024 này, thế giới tiếp tục đối diện với các thách thức chung ngày càng khắc nghiệt: Bảo đảm an ninh lương thực, cũng như an ninh nguồn nước sạch toàn cầu, hướng đến xóa nhòa hay xử lý những cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn còn đang gây nhức nhối cho lương tri nhân loại.

Từ bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, gấp rút chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang các dạng năng lượng sạch, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cũng là nhiệm vụ chung được đặt ra với mọi khu vực của hành tinh. Ở tiến trình này, các quốc gia phát triển đã đưa ra nhiều cam kết hợp tác, cả về chuyển giao công nghệ lẫn hỗ trợ nền tảng tài chính, dành cho khối các nước đang phát triển, cũng như các nước nghèo.

Ở một khía cạnh khác, khoa học-công nghệ năm 2024 này sẽ tiếp tục chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, trên nhiều lĩnh vực: Công nghệ 5G, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học và công nghệ y tế, các công nghệ phát triển bền vững…, và đặc biệt là sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo (AI) ở khắp mọi nơi. Nhưng, cũng chính vì vậy, đối diện với các nguy cơ tiềm ẩn từ chuyện AI luôn có thể trở thành "con dao hai lưỡi" phục vụ các dạng tội phạm công nghệ cao, sự liên kết và hợp tác nhiều mặt giữa các chính phủ cũng như các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia, nhằm hạn chế rủi ro, là xu thế tất yếu.