Chạm vào, để "nhìn thấy"

Một kỷ nguyên mới dành cho người khiếm thị đã được mở ra, khi giờ đây họ có thể "xem" hình ảnh hiển thị theo thời gian thực bằng… xúc giác. Đó là nhờ Dot pad - máy tính bảng dành cho người khiếm thị, phát minh của Công ty Dot Inc. (Hàn Quốc).
Chạm vào, để "nhìn thấy"

DOT pad có hình dạng tương tự như máy tính bảng thông thường. Nhưng, thay thế cho màn hình cảm ứng, Dot pad có hai khung "màn hình": một lớn hơn, nằm ở trên (có thể cùng lúc hiển thị 300 ký tự nổi), cùng một dòng phía dưới gồm 20 ký tự chữ nổi truyền thống. Điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt của thiết bị này nằm ở phần "màn hình" chính phía trên, bao gồm 2.400 chấm tạo thành một lưới dạng pixel (điểm ảnh), có thể nhanh chóng di chuyển lên hoặc xuống, tạo thành chữ nổi hoặc hình ảnh dễ nhận biết.

Một lợi thế khác: Ngay khi triển khai, Dot Inc. đã ký kết hợp tác với Apple. Nhờ đó, Dot pad có thể kết nối trực tiếp với chức năng VoiceOver (tìm kiếm bằng giọng nói) trên các thiết bị của Apple, giúp người khiếm thị đọc văn bản, "xem" đồ thị, hay cảm nhận hình ảnh theo cách dễ dàng nhất có thể.

Sung Ki Kwang - một trong hai thành viên của bộ đôi sáng lập Dot Inc., giải thích: "Chúng tôi lấy ý tưởng từ cơ chế của loa, cụ thể là từ bộ truyền động điện từ, rung trong loa điện thoại thông minh. Nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh để thiết bị có thể di chuyển một chốt lên, xuống bằng cách sử dụng robot bi từ tính, có thể khóa chấm đó ở vị trí lên hoặc xuống, sau đó có thể mở khóa và biến mất nhanh chóng. Bộ phận này nhỏ hơn 10 lần so các bộ truyền động chữ nổi áp điện hiện có".

Nói một cách dễ hiểu, Dot pad có thể tạo ra một mạng lưới gồm hàng nghìn ghim với khoảng cách rất nhỏ, đủ lớn để người dùng đọc dưới dạng chữ cái, và cũng đủ dày đặc để tạo thành các mẫu biểu thị hình ảnh.

ĐƯƠNG nhiên, với các công nghệ đó, chi phí để sản xuất ra một Dot pad sẽ rất cao, mà phần lớn người khiếm thị khó có thể tiếp cận. Bởi vậy, hai nhà đồng sáng lập đã nhất trí cung cấp công nghệ cốt lõi của họ cho dự án Thiết bị xúc giác động (Dynamic Tactle Device) do Nhà in dành cho người khiếm thị và công ty công nghệ hướng đến hỗ trợ người khiếm thị HumanWare (Mỹ) chủ trì.

Về phía Hàn Quốc, cặp đôi cũng đang tích cực làm việc với chính phủ và các nhà vận động chính sách, để tích hợp Dot pad vào chương trình giảng dạy phổ thông. Qua đó, Dot pad hy vọng có thể nhận được tài trợ, đến được tay người khiếm thị với chi phí thấp nhất, thậm chí là miễn phí!