Chạm đến một "giấc mơ"

Phục dựng điện Kính Thiên là vấn đề đã được bàn thảo từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên là nhiệm vụ đặc biệt nhất trong các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày những báu vật Hoàng cung. Ảnh: TRẦN HUẤN
Trưng bày những báu vật Hoàng cung. Ảnh: TRẦN HUẤN

Một nhiệm vụ quan trọng

Giáo sư Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc-Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: Đã đến lúc phải khôi phục Chính điện Kính Thiên. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đến nay đã cho chúng ta những căn cứ quan trọng nhất để phục dựng không gian thiêng này; cung cấp nhiều thông tin về vật liệu và kỹ thuật kiến trúc, tạm đủ để hình dung, xác định hình hài không gian Chính điện Kính Thiên.

Vốn có nhiều năm làm công việc khảo cổ tại khu Hoàng thành, Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhấn mạnh: Không gian điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long trên các phương diện quy hoạch kinh đô, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quốc gia quan trọng nhất của đất nước, đồng thời là nơi nhiều quyết sách dựng nước, giữ nước của cha ông ta được đề ra. "Trong những cuộc khai quật ở khu vực Chính điện Kính Thiên, đã phát hiện được tầng văn hóa đầy đủ nhất, dày nhất so với tất cả các vị trí khác thuộc Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, ở cuộc khai quật năm 2015, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một hệ thống di tích phong phú, dày đặc phát triển liên tục từ thời kỳ tiền Thăng Long (Đại La, Đinh, tiền Lê) đến thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn..."- Phó Giáo sư Tống Trung Tín phân tích.

Từ giá trị to lớn và không thể thay thế của khu di sản, đại diện giới khảo cổ học Việt Nam, Phó Giáo sư Tống Trung Tín kiến nghị các cấp lãnh đạo tiếp tục cho phép Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO, cam kết của Chính phủ Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội; kiến nghị UNESCO, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) cho phép Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, chỉnh trang toàn bộ khu di sản, nhất là tại khu vực không gian Chính điện Kính Thiên, để làm tăng thêm ba giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên, theo giới chuyên gia, là nhiệm vụ có ý nghĩa sâu sắc và đa chiều, qua đó khẳng định rõ hơn nữa giá trị di sản và nâng cao năng lực nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội nêu rõ: "Đây là nền tảng, là công trình quan trọng nhất, có sức hội tụ và lan tỏa nhất của Hoàng thành Thăng Long".

Kỳ vọng… 10 năm

Nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian điện Kính Thiên, Tiến sĩ Hà Văn Cẩn, Viện Khảo cổ học khẳng định: "Quá trình nghiên cứu khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong 10 năm qua đã giúp hiểu rõ được khoảng 35% diện mạo không gian Chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên. Nếu tiếp tục khai quật và nghiên cứu, thời gian tới có thể nắm bắt được 35% kết cấu không gian này. Phần còn lại, giới nghiên cứu sẽ khai thác tư liệu lịch sử, tư liệu nghiên cứu so sánh với các cố đô của Việt Nam hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để có thể tiến tới phục dựng Chính điện Kính Thiên với tính xác thực cao".

Mặc dù vậy, có hai vấn đề nan giải lớn trong quá trình phục dựng di tích quan trọng này. Thứ nhất, việc phục dựng điện Kính Thiên trong một giai đoạn lịch sử nhất định, như thời Lê sơ, có thể dẫn đến phải phá bỏ các công trình chồng lớp khác, "do đó cần phải suy nghĩ một cách hết sức nghiêm túc để không làm tổn hại đến giá trị chung nhất của di sản" - khuyến cáo của chuyên gia Tomoda Masahiko, Viện Nghiên cứu quốc gia Tokyo (Nhật Bản) về Di sản văn hóa. Theo ông, cần chú ý đến yếu tố thời tiết, khí hậu bản địa có thể làm ảnh hưởng, bào mòn hiện vật khi đưa ra khỏi lòng đất, nhất là những hiện vật có chất liệu từ đất nung hay di vật đồ gốm.

Khó khăn lớn nữa là sự hạn chế tư liệu về diện mạo, quy mô, hình thái nền móng, tức là phần dưới của công trình, bởi cho đến nay, giới khảo cổ học vẫn chưa thể tiến hành khai quật khu vực nền điện Kính Thiên. "Để phục dựng được Chính điện Kính Thiên giai đoạn thời Lê sơ, cần phải có những đầu tư nghiên cứu chuyên sâu, chuyên nghiệp về các loại vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện thời này dựa trên những phát hiện khảo cổ học, để từng bước giải mã về tính chất, chức năng, tên gọi của các loại cấu kiện gỗ và ngói lợp công trình"- Phó Giáo sư Bùi Minh Trí, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh thành nhấn mạnh.

Hiện nay, chỉ dấu vật chất nơi nền điện Kính Thiên chỉ còn lại đôi rồng đá mang phong cách tạo tác thời kỳ Lê sơ. Bên cạnh đó, tư liệu để phục dựng không gian và Chính điện Kính Thiên còn chưa đầy đủ bởi đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu so sánh chuyên sâu liên ngành khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật… Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nếu việc này được tiến hành liên tục trong từ 3-5 năm thì có thể hy vọng rằng trong vòng 10 năm tới, chúng ta đủ cơ sở phục dựng điện Kính Thiên.

Nhằm làm sáng rõ thêm những giá trị nổi bật tại khu vực, hướng tới mục tiêu trước mắt là hoàn trả không gian Chính điện Kính Thiên, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu lưu ý: "Cần chú ý tới công tác nghiên cứu, khai thác các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giúp nhận diện đầy đủ những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học và những giá trị tiềm năng khác của khu di sản, phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút du khách cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục di sản".