Cảnh giác với bệnh đột quỵ ở đô thị

NDO - Thời gian gần đây, các ca đột quỵ đã và đang có xu hướng tăng lên. Ðặc biệt, số người trẻ bị mắc bệnh ngày một nhiều hơn. Nếu không nhìn nhận đúng để đưa ra các biện pháp phòng tránh kịp thời, tổn thất sẽ rất lớn và đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân đột quỵ nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh | Bệnh viện đa khoa Hòa Bình
Bệnh nhân đột quỵ nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh | Bệnh viện đa khoa Hòa Bình

Nỗi đau bất ngờ

Đã qua 100 ngày, chị T.H (43 tuổi ở TP Đồng Hới, Quảng Bình) vẫn còn bàng hoàng, không tin nổi anh N. chồng chị, đã mãi mãi không còn nữa. Câu chuyện của chị chỉ là, buổi tối hai vợ chồng rủ nhau đi mua đồ. Anh dừng xe bên đường dăm phút đợi chị tạt vào hàng tạp hóa. Lúc chị xách túi đồ trở ra, chồng chị đã gục bên thành xe và không bao giờ tỉnh lại nữa... Anh N. là sĩ quan quân đội, sống điều độ lành mạnh, không rượu, bia, thuốc lá. Năm ngoái kiểm tra tổng thể sức khỏe định kỳ, anh đưa kết quả về, phấn khởi thông báo, các chỉ số sức khỏe đều bình thường. Thế mà, không riêng chị T.H, gia đình hai bên, bạn bè đồng nghiệp đều bất ngờ vì bệnh viện chẩn đoán nguyên nhân anh N. tử vong do đột quỵ.

Thời gian gần đây, liên tiếp các ca đột quỵ gây tử vong thương tâm, người bị nạn đa dạng ngành nghề, đa dạng độ tuổi. Trong số các ca đột quỵ, có những trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người, như đột quỵ khi đang lái xe. Qua lời kể của nhân chứng, hay xem lại từ camera hành trình, đều cho thấy, các triệu chứng diễn tiến nhanh, hầu như rất khó để có thể can thiệp y tế ngay tức thì.

Ông Thái Hiền, chủ nhân của một nhà xe chuyên chạy đường dài bắc nam, vốn tính cẩn thận, trước thực tế nhiều người bị đột quỵ trong khi hành nghề, đã quan tâm hơn đến công tác khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ lái xe. Ông cho biết, trước đây nghề tài xế chỉ kiểm tra thính lực, thị lực, thì nay chúng tôi quan tâm các chỉ số sức khỏe như huyết áp, tiểu đường, men gan, mỡ máu... luôn chú trọng bảo đảm sức khỏe tốt nhất khi hành nghề.

Quá tải trong điều trị

Hội nghị Đột quỵ TP Hồ Chí Minh 2023 tổ chức trong hai ngày 19, 20/8 vừa qua thu hút hơn 1.200 y, bác sĩ ở các bệnh viện, các trung tâm đột quỵ trong nước và quốc tế quan tâm tham dự. GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, hiện nay trên cả nước có hơn 100 trung tâm đột quỵ đang hoạt động. Hết quý II/2023, có 36 bệnh viện được Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) chứng nhân chất lượng điều trị với 3 mức: vàng, bạch kim, kim cương, trong đó có 7 đơn vị được ghi nhận mức kim cương.

Cảnh giác với bệnh đột quỵ ở đô thị ảnh 1

Chụp MRI não là việc cần thiết trong điều trị đột quỵ. Ảnh | Bệnh viện Quốc tế SIS Cần Thơ

Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) trong một báo cáo gần đây đã công bố, trung bình mỗi năm, riêng đơn vị này đã tiếp nhận hơn 2.000 ca đột quỵ, trong đó có sự gia tăng ở nhóm bệnh nhân độ tuổi dưới 50 tuổi, chiếm từ 15 - 20%. Trong các ca đột quỵ, chỉ 20% người hồi phục tương đối, 30% tử vong (xuất huyết não chiếm 50%). Một nửa số ca đột quỵ tuy thoát chết nhưng đối diện với những di chứng nặng nề, thậm chí tàn tật suốt đời...

Số bệnh nhân mắc đột quỵ trung bình mỗi năm gần đây có xu hướng ngày càng tăng, mỗi năm khoảng 200 nghìn người mắc bệnh. Tuy nhiên, chỉ có hơn 100 trung tâm đột quỵ trên cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc hiện vẫn chưa xây dựng được đơn vị điều trị đột quỵ. Đường sá giao thông, cơ sở hạ tầng khó khăn, việc tiếp cận với cơ sở y tế của bệnh nhân chậm trễ khiến việc điều trị càng khó khăn. Áp lực quá tải cũng đang đè nặng lên các cơ sở y tế, chất lượng điều trị bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, số lượng xe cấp cứu hiện nay quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu người dân, cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho công tác điều trị.

“Lối sống lành mạnh đẩy lùi đột quỵ”

Đó là một tên một mục nhỏ trong chuyên trang thông tin về đột quỵ do Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phụ trách. Do tính chất nguy hiểm của căn bệnh này, thời gian qua, nhiều bệnh viện, trung tâm đột quỵ đã tích cực tuyên truyền phổ biến kiến thức, tổ chức các hoạt động như hội thảo, diễn đàn trao đổi, tư vấn trực tuyến để người dân có điều kiện nhận thức đầy đủ hơn về căn bệnh nguy hiểm này.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật không chỉ ở Việt Nam, mà trên khắp thế giới. Để bảo vệ sức khỏe cũng như giảm bớt gánh nặng cho xã hội và mỗi gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, không cách nào khác, mỗi người dân cũng như cộng đồng, cần chủ động phòng ngừa bằng việc bảo vệ nâng cao sức đề kháng bằng những bài tập bền bỉ và có kỷ luật mỗi ngày. Bệnh đột quỵ có thể kiểm soát được nếu người dân khám sức khỏe định kỳ đều đặn, nghiêm túc trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như uống thuốc đúng, đủ liều theo đơn...

PGS, TS, BS Nguyễn Văn Liệu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho rằng, thực tế trong các trường hợp bệnh nhân đột quỵ ông điều trị, thường do thói quen hoặc đặc thù nghề nghiệp, họ đều có chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý, hoặc uống nhiều bia rượu, hút thuốc, sử dụng chất kích thích, ít vận động... Những yếu tố đó thường làm tăng nguy cơ mỡ máu, béo phì, lượng cholesterol cao, gây ra các bệnh lý tim mạch và huyết áp cao, hai tác nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Trước tình trạng đột quỵ ngày càng nhiều và để lại hậu quả nặng nề, BS Liệu luôn nhắc nhở mọi người cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể; hạn chế rượu bia, thức uống có cồn cũng như các chất kích thích, những yếu tố có thể làm tăng huyết áp; tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng vận chuyển và sử dụng oxy trong cơ thể cũng như cải thiện tuần hoàn máu, làm giảm huyết áp và giảm nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch; thường xuyên kiểm tra, tầm soát các chỉ số sức khỏe, tích cực kiểm soát, điều trị đối với người mắc bệnh nền; giữ cho mình một đời sống tinh thần lạc quan, tích cực... Những điều bác sĩ tư vấn, dặn dò, phần lớn bệnh nhân đều coi là nhàm chán, những điều mà ai cũng biết rồi, khổ lắm nói mãi, tuy nhiên, để tuân thủ nghiêm túc, đều đặn mỗi ngày thì chẳng mấy bệnh nhân làm được, bác sĩ Liệu phàn nàn.

Đột quỵ trước đây thường liên quan đến các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì... Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện các yếu tố mới gây đột quỵ, chúng tôi hay gặp ở nhóm bệnh nhân bị stress, rối loạn giấc ngủ, hội chứng ngưng thở lúc ngủ - BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ S.I.S Cần Thơ trong buổi trò chuyện trực tuyến về đột quỵ đã lo ngại về thực trạng này, đặc biệt lứa tuổi học đường. Các bậc cha mẹ và các trường học cần có sự giám sát chặt chẽ và nghiêm cấm sử dụng rượu bia, thuốc lá ở tuổi học đường. Cần thực hiện nghiêm, có hình thức kỷ luật mạnh, đủ sức răn đe đối với học sinh vi phạm - BS Cường nói.

Không phải trường hợp bị đột quỵ nào cũng dẫn đến tử vong nhưng thường để lại những di chứng nặng nề, mất nhiều thời gian và công sức để hồi phục. Tuy nhiên, nếu người bị đột quỵ được phát hiện và can thiệp kịp thời ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên hoặc được tầm soát, chẩn đoán để có biện pháp phòng tránh là tối ưu nhất. Vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể, khi có bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào, không được chủ quan, cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có các chỉ định y khoa cần thiết, bác sĩ Trần Chí Cường đã sốt sắng chia sẻ.