Tiến sĩ Mai Anh Tuấn:

Cần một hệ thống thiết chế mới cho phát triển điện ảnh

Trong thời gian gần đây, một số bộ phim điện ảnh Việt Nam đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Những công bố doanh thu phòng vé tới hàng trăm tỷ đồng được cho là tín hiệu đáng mừng. Nhưng phía sau biểu hiện tích cực này, còn tồn tại không ít vấn đề cần được giới chức quản lý quan tâm tháo gỡ, để điện ảnh Việt Nam phát triển đa dạng và thực chất. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ Mai Anh Tuấn.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn

"Chiêu trò" truyền thông như thỏi nam châm đặc biệt

- Từ clip ngắn trên TikTok của một khán giả, một bộ phim A có thể thu hút đông đảo khán giả khác đi xem phim. Một bài bình luận phim có thể tạo sức hút lớn không ngờ trên truyền thông xã hội với hàng trăm lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt thích, bình luận. Những hiện tượng này xảy ra khá phổ biến thời gian qua đối với phim Việt Nam chiếu rạp. Anh nghĩ gì về hiện tượng đó?

- Trước tiên, tôi thấy có sự phản hồi tích cực của khán giả dành cho phim Việt Nam khi chiếu rạp. Rõ ràng đối với khán giả, có những khoảng cách nhất định từ truyền thông đến tiếp nhận và từ tiếp nhận đến phản hồi tích cực bằng hành động cụ thể là chi tiền, dành thời gian đi xem phim. Nhưng khi có nhiều người cùng phản hồi tích cực như vậy, đây là điểm đáng mừng đầu tiên về sự trưởng thành của khán giả trong điện ảnh. Trước kia, tại các khung giờ vàng chiếu rạp, hầu như chỉ có phim Hollywood nhưng nay, có những bộ phim Việt Nam không chỉ chiếm giờ vàng mà còn giữ được tần suất chiếu lớn, chứng tỏ khán giả rất quan tâm và dành thiện cảm cho phim trong nước.

Bên cạnh đó, những tranh luận công khai trên các nền tảng mạng xã hội của khán giả về cách tiếp cận, tiếp nhận một bộ phim nào đó cũng thể hiện quyền lực của khán giả. Họ cá nhân hóa tiếng nói của mình mà vẫn có thể tạo hiệu ứng, tác động đến hành vi đi xem phim (đi hay không đi) của đông đảo người khác… Sự đa dạng là dấu hiệu nên được khuyến khích trong dư luận xã hội, và nếu có sự lắng đọng nội tâm cần thiết, đội ngũ làm phim, từ nhà sản xuất đến nghệ sĩ, người làm hậu kỳ… sẽ nhận ra nhiều góp ý bổ ích. Nói cách khác, dư luận từ khán giả tác động rất lớn đến đội ngũ những người tham gia làm phim, nhất là phim của các hãng tư nhân.

- Trước những con số doanh thu phòng vé hàng trăm tỷ đồng của một số bộ phim được công bố gần đây, anh có tin không? Và bình luận của anh về các chiêu thức truyền thông đi xa khỏi chất lượng điện ảnh thực tế của chính các bộ phim ấy?

- Tôi sẽ không trả lời câu hỏi "tin hay không tin" của chị (cười).

Đối với các nhà sản xuất phim tư nhân, mục đích lợi nhuận là quan trọng đầu tiên. Chính vì thế, nhiều người trong số họ đầu tư cho chiến lược truyền thông từ rất sớm. Họ tận dụng tối đa các nền tảng truyền thông trực tuyến, mạng xã hội để tiếp thị, quảng bá sản phẩm, kích thích sự chú ý của công chúng. Có thể lấy thí dụ như các nhà sản xuất Trấn Thành, Lý Hải; họ vừa đầu tư sản xuất phim, vừa có khi làm đạo diễn kiêm diễn viên chính…

Rất khó đánh giá đúng-sai hay mức độ nào là thái quá, là vừa phải trong truyền thông, tiếp thị sản phẩm điện ảnh bởi suy cho cùng, đối với mọi sản phẩm mà điện ảnh không phải ngoại lệ, câu chuyện truyền thông là lớp sơn rất đặc biệt, là thỏi nam châm rất đặc biệt thu hút công chúng. Họ bị trượt trên lớp sơn đó, bị hút vào thỏi nam châm đó, dường như không còn chỗ nào dành cho sự tỉnh táo nữa.

Cần một hệ thống thiết chế mới cho phát triển điện ảnh ảnh 1
Cảnh trong phim Tro tàn rực rỡ, bộ phim từng giành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa năm 2022, Giải Bông sen vàng- Liên hoan phim Việt Nam, năm 2023.

Khuyến khích công chúng tiếp cận đa dạng các dòng phim

- Anh có đề cập tác động của dư luận khán giả đến những người làm phim, nhất là hãng phim tư nhân. Từ loạt phim điện ảnh ra rạp gần đây của các nhà sản xuất phim tư nhân, anh có thể nhận xét về chiều hướng của tác động này?

- Họ đang chiều khán giả đại chúng hơn là kiến tạo một lượng khán giả của mình, khán giả mới của điện ảnh. Họ nhanh nhạy nắm khẩu vị của đại chúng, dựa vào để làm phim tiếp theo.

Dòng phim ăn khách đầu bảng hiện nay là phim hài, lãng mạn, tình cảm (dòng phim rom-com), nội dung xoay quanh tình thân, tình thương gia đình, tình yêu đôi lứa… Từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, đến Bố già, Mai… Câu chuyện trong phim dễ cảm, dễ mô tả, diễn giải, dễ liên tưởng đến các trạng huống trong đời sống thường nhật, thêm việc đan xen các cảnh phim quá đẹp, quá lãng mạn theo lối các MV ca nhạc thức thời nên dễ chạm đến cảm xúc nhất thời của khán giả đại chúng, dễ dàng làm thỏa mãn họ. Viết về dòng phim này cũng dễ hơn đối với bất kỳ khán giả nào có sử dụng mạng xã hội nên không khó hiểu việc nhiều khán giả "đồng thanh" tạo dư âm trên truyền thông, từ người có ảnh hưởng đến khán giả bình thường nhất.

Nhưng bên cạnh chiều hướng chủ đạo này, vẫn có những luồng dư luận khán giả khiến nhà làm phim phải nhận thấy, họ cần cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn trong lao động nghệ thuật, nhất là trong dòng phim có chứa đựng yếu tố lịch sử. Dư luận về một số phim, như Đất rừng phương Nam (năm 2023), Em và Trịnh (năm 2022), Vợ ba (năm 2018)… cho thấy khán giả phim Việt Nam đã có sự phân hóa cao trong đánh giá, bình luận về một bộ phim.

Nhà làm phim có quyền tưởng tượng nhưng hóc hiểm ở chỗ: điện ảnh là nghệ thuật thị giác nên họ cần chú trọng kỹ năng dàn cảnh cùng cách xử lý yếu tố lịch sử, văn hóa, lối sống được hiển thị trên phim. Khi xem phim, khán giả sẽ quy chiếu những gì họ nhìn thấy, nghe được về bối cảnh lịch sử xã hội tương ứng theo tri thức xã hội phổ quát mà họ tiếp nhận được.

- Ở góc độ khác, gần đây, một số bộ phim Việt Nam tuy giành được thứ hạng cao tại một số liên hoan phim quốc tế lớn nhưng khi đưa ra rạp chiếu ở trong nước, hầu như không được đông đảo khán giả quan tâm. Tôi tự hỏi: nếu phim "Tro tàn rực rỡ" được kết hợp công nghệ truyền thông của nhà đầu tư phim "Mai" thì liệu có hút khán giả đến rạp đông hơn?

- (bật cười) Không có câu trả lời nào cho giả định này. Tôi cho rằng, để đi tới một sự tiếp nhận lành mạnh của xã hội dành cho đa dạng tiếng nói điện ảnh trong nước, rất cần lớp công chúng được trang bị vốn hiểu biết nhiều hơn về đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh, thay vì chỉ dừng lại với việc tiếp nhận câu chuyện trên phim.

- Anh nghĩ thế nào về vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát hành đa dạng thể loại điện ảnh ở nước ta, tương tự như vai trò ấy trong đầu tư sản xuất phim với dòng phim "Nhà nước đặt hàng"?

- Điện ảnh Việt Nam đang ở giai đoạn manh nha của một nền công nghiệp. Nếu nhìn vào khởi đầu của công nghiệp điện ảnh thế giới, ta sẽ dễ dàng thấy đó là loại hình giải trí cho khán giả phổ thông; giai đoạn nở rộ của rạp phim "sáu xu" ở Mỹ hồi đầu thế kỷ 20 là thí dụ điển hình. Về sau, mới dần có sự phân hóa, đa dạng hóa dòng phim khi nghệ thuật điện ảnh phát triển cao độ.

Nhưng điện ảnh Việt Nam đã kịp có đa dạng dòng phim, từ rom-com đến hành động, kinh dị; từ phim "Nhà nước đặt hàng", phim tác giả/phim chú trọng yếu tố sáng tạo cá nhân do nhà sản xuất tư nhân mạnh dạn đầu tư, tuy còn rất hiếm hoi, đến phim chiều theo khán giả. Chính vì thế, tôi cho rằng, giới chức quản lý cần chớp thời cơ này để xem xét, đầu tư hỗ trợ xây dựng một hệ thống thiết chế mới nhằm duy trì và thúc đẩy tiếng nói đa dạng đang xuất hiện trong điện ảnh nước nhà, như cải thiện việc phát hành phim "Nhà nước đặt hàng", hỗ trợ việc phát hành các dòng phim tác giả thông qua mô hình rạp chiếu "art house" kiểu kết hợp công-tư.

- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở!

Tiến sĩ Mai Anh Tuấn hiện là giảng viên của Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Với nhiều năm nghiên cứu về văn học và điện ảnh trong nước, anh được mời giảng dạy tại các khóa đào tạo về nghiên cứu, phê bình, biên kịch điện ảnh tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam.