Cần cơ chế, chính sách mang tính mở đường

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua thực tế, địa phương xác định, phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao là hoàn toàn đúng hướng. Tuy nhiên, cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ những "điểm nghẽn" để HTX thuộc lĩnh vực này phát triển như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Lâm Đồng hiện có bốn Liên hiệp HTX nông nghiệp, với 25 HTX thành viên; 375 HTX nông nghiệp, với 8.452 thành viên.
Lâm Đồng hiện có bốn Liên hiệp HTX nông nghiệp, với 25 HTX thành viên; 375 HTX nông nghiệp, với 8.452 thành viên.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao

HTX Nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt (Sunfood Dalat Co.op) thành lập năm 2017. Đây là HTX nông nghiệp công nghệ cao tốp đầu tại Lâm Đồng triển khai hiệu quả chuỗi liên kết trong nông nghiệp, với 120 thành viên hợp tác sản xuất trên diện tích 70ha. Hiện HTX cung ứng thị trường 122 sản phẩm gồm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, hàng đặc sản, trái cây và hoa Đà Lạt, có nhãn truy xuất nguồn gốc và được bảo hiểm cho người tiêu dùng. Sau 5 năm hoạt động, thị trường đã mở rộng hơn 600 cửa hàng, siêu thị, điểm liên kết, doanh nghiệp hợp tác tại 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. HTX vừa xây dựng và áp dụng ứng dụng bán hàng qua mạng, tương lai sẽ liên kết với tất cả tỉnh, thành phố trong nước.

"Chúng tôi kỳ vọng trong hai năm tới sẽ đạt được từ 2.000-5.000 sản phẩm trên hệ thống. Tôi nghĩ, yếu tố không thể thiếu cho bước phát triển này là chiến lược chuyển đổi số của HTX, chuỗi giá trị, logistics...", Giám đốc Sunfood Dalat Co.op Phạm Ngọc Thạch cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Thủy canh Việt (TP Đà Lạt), đưa chúng tôi thăm trang trại của gia đình anh bên cung đường Mimosa, TP Đà Lạt. Cách đây hơn sáu năm, Huy đã tự nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống phần mềm điều khiển trang trại từ xa, giúp chủ trang trại, người sản xuất quản lý vườn hiệu quả, thực hành canh tác chuẩn xác và tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Toàn bộ diện tích rau thủy canh của 10 thành viên HTX đều được tổ chức sản xuất theo quy trình, công nghệ thông minh, vừa bán sỉ cho các đầu mối phân phối, cung cấp các nhà hàng trong nước và bán lẻ đến người tiêu dùng trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Huy, diện tích canh tác, sản lượng và chất lượng sản phẩm giờ không lo, bởi nhờ liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, điều nhiều HTX băn khoăn hiện nay đó là khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển, chưa tiếp cận được vốn vay tín chấp theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; việc hỗ trợ của Nhà nước trong quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử còn hạn chế...

Tại Lâm Đồng, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến thuộc tốp "có thương hiệu" trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện HTX có 20 thành viên, với tổng diện tích canh tác hơn 30ha, cùng 60ha của hộ liên kết; trung bình mỗi tháng cung cấp thị trường hơn 100 tấn rau các loại. Nói về khó khăn, hạn chế, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến Mai Văn Khẩn chia sẻ: "Cái khó bây giờ là giá các loại "đầu vào" quá cao. Cùng với đó, HTX khó tiếp cận các dự án hỗ trợ nông nghiệp, phần ứng dụng công nghệ cao phần lớn các thành viên tự "xoay xở"… để tháo gỡ những khó khăn này, rất cần sự vào cuộc của Nhà nước".

Xem xét ban hành chính sách mới hỗ trợ kinh tế tập thể

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, phát triển HTX nông nghiệp là hoàn toàn đúng hướng, bởi Lâm Đồng có nhiều tiểu vùng sinh thái, giúp hình thành nông nghiệp đa cây và đa con, rất dễ ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ và sáng tạo trong quản lý ngành nghề; là địa phương có nhiều loại nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhất cả nước, với 10 nông sản giá trị cao. Tỉnh đầu tư khoa học-công nghệ đúng hướng, hơn 50% đề tài khoa học liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nên HTX rất thuận lợi trong ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi liên kết; cùng nhiều đề án, giải pháp để phát triển HTX. Nhiều HTX đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng nên có doanh thu khá cao, khẳng định được vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp…

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song các HTX cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh. Theo Giám đốc Sunfood Dalat Co.op Phạm Ngọc Thạch, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu Đà Lạt rất phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và giấc mơ "vựa rau quốc tế Đà Lạt" hoàn toàn không phù phiếm, khi nhiều cánh cửa hội nhập đã mở. Tuy nhiên, chúng ta phải "gỡ" những rào cản nội tại về quỹ đất, chính sách vay vốn, quy định tài sản thế chấp trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. HTX đang mở rộng đầu tư một số lĩnh vực. Tiền đầu tư không khó, chỉ khó về quỹ đất.

Đánh giá của ngành nông nghiệp Lâm Đồng cho thấy, tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng hiện nay các HTX cũng gặp không ít khó khăn trong mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, năng lực trình độ quản lý và nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh của HTX còn hạn chế. Nhiều HTX cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhưng theo quy định thì hầu hết không đủ điều kiện để được tiếp nhận đầu tư, hỗ trợ (đất xây dựng, vốn đối ứng, doanh thu...). Việc chuyển đổi đất để xây dựng trụ sở và các công trình khác (sân phơi, kho chứa, kho sấy nông sản...) còn gặp nhiều khó khăn… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đang đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn", tồn tại để phát triển HTX bền vững.