Phân luồng trong giáo dục

Cần chủ động và linh hoạt hơn

NDO - Nhiều năm trở lại đây, mỗi dịp đến mùa tuyển sinh Trung học phổ thông, phụ huynh và học sinh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại lâm vào trạng thái căng thẳng, bất an cùng cực vì chỉ tiêu đầu vào các trường cấp III công lập ngày càng ít hơn so với nhu cầu thực tế của học sinh. Nguyên nhân trước hết là do sự gia tăng dân số cơ học tại các đô thị lớn khiến hạ tầng giáo dục không đáp ứng kịp, tốc độ xây trường mới không thấm tháp gì so với nhu cầu của học sinh. Thành phố Hà Nội năm 2023, hệ thống các trường trung học công lập chỉ đáp ứng được cho hơn 50% học sinh có nguyện vọng. Thực tế dẫn đến nghịch lý, thi cấp III đã được coi là khó khăn, thách thức hơn hẳn kỳ thi đại học.
0:00 / 0:00
0:00
Bánh mì bánh ngọt là một trong những nghề thu hút học viên của Trường Trung cấp Kinh tế- Du lịch Hoa Sữa.
Bánh mì bánh ngọt là một trong những nghề thu hút học viên của Trường Trung cấp Kinh tế- Du lịch Hoa Sữa.

Ba tôi là thiếu sinh quân

Chưa đầy 2 tuổi, ba tôi đã mồ côi vì bom đạn và bệnh tật do người Pháp gieo rắc. Nhưng cũng vì hoàn cảnh đó, ba tôi được nhận vào trường Thiếu sinh quân, được nuôi nấng dạy dỗ nên người.

Hệ thống các trường Thiếu sinh quân của Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vào năm 2011. Tính từ ngày ra đời, trường Thiếu sinh quân đã có 62 năm trưởng thành và phát triển. Năm 1949, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định thành lập trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Từ đó, tại các quân khu, các đơn vị bộ đội chủ lực, các trường Thiếu sinh quân đã nối tiếp nhau xuất hiện, gánh vác một nhiệm vụ vô cùng lớn lao, nhân văn: tiếp nhận con em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, hoặc mồ côi, hoặc cha mẹ vì điều kiện công tác không trực tiếp chăm sóc con em mình. Các em được giáo dục và đào tạo đa phần từ cái gốc đang rất tốt đẹp, những “búp trên cành” đã được nuôi dưỡng, dạy dỗ để trở thành những công dân có phẩm chất như người lính và học vấn như học sinh phổ thông bình thường. Ba tôi đã lớn lên, trưởng thành chính từ môi trường tốt đẹp ấy...

Chuyện xưa kể rằng, Biển Thước là một danh y. Có lần Ngụy vương bảo, ta nghe nói ba anh em nhà ngươi đều giỏi y thuật, vậy ai cao minh nhất? Thước đáp, anh cả cao nhất, đến anh hai, và kém nhất là thần. Anh cả chữa bệnh cho người là phòng khi nó chưa xảy ra, người được chữa hầu như chưa có triệu chứng bộc lộ, thành thử trông như không có bệnh gì cả, nên không ai biết anh ấy đã trừ bỏ bệnh cho người. Anh hai thì trị dứt điểm khi bệnh mới có dấu hiệu triệu chứng, do đó người ta cho rằng chỉ chữa được bệnh vặt, mà không biết nếu không phát hiện ra mà để bệnh phát triển tiếp thì nguy đến tính mạng, nên danh tiếng chỉ lan truyền ở thôn quê. Còn thần chỉ ra tay khi tính mạng đã nguy cấp, phá huyết mủ, phẫu thuật, đắp thuốc. Kết quả vừa ra tay đã cải tử hoàn sinh, nên thiên hạ biết danh thôi.

Người phòng cho bệnh không xảy ra là giỏi nhất thì không ai biết đến. Người ra tay khi bệnh mới khởi phát thì cho rằng chỉ chữa bệnh vặt, danh nơi thôn dã. Còn khi sinh mạng sắp mất mới phát hiện ra mà cứu, cứu thế nào thì vẫn để lại di chứng, người bệnh vẫn tổn hại, thì lại lừng danh thiên hạ. Tương tự vậy, hệ thống các trường Thiếu sinh quân như ông anh cả, anh hai của Biển Thước, là nền y học phòng bệnh của trật tự an toàn xã hội.

Thiếu trường công, thi cấp III khó hơn thi đại học

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã định hướng rõ ràng: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”. Mới đây, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, trong đó có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15-20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới”.

Hà Nội hiện có 29 trường giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên được giao 10.305 chỉ tiêu, chiếm khoảng 27-30% số học sinh không đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập. Con số đó cũng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng số học sinh tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS. Như vậy, chưa nói về chất, mà ngay cả về lượng - số lượng - hệ thống giáo dục dạy nghề tại Hà Nội mới đáp ứng chưa tới 20% định hướng đã đề ra.

Thiết lập, hoàn thiện hệ thống trường nghề đạt chuẩn

Cần chủ động và linh hoạt hơn ảnh 1

Thí sinh căng thẳng trước giờ vào phòng thi.

Thiết nghĩ, bằng mọi giá phải nâng cao chất lượng giáo dục dạy nghề trước khi để con em đang tuổi vị thành niên không đủ điều kiện vào các trường THPT ra ngoài xã hội, đi ngược lại tư tưởng nhân văn và tiến bộ của Luật Trẻ em, cũng như các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Từ thực tế gia đình mình, từ cuộc đời của ba tôi, một đứa trẻ mồ côi ở vùng quê nghèo heo hút, được trường Thiếu sinh quân đón nhận, nuôi dạy, đào tạo..., từ thực trạng xã hội thời gian qua, nhằm đạt được mục tiêu như Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, thiết lập, hoàn thiện hệ thống trường nghề đạt chuẩn là đòi hỏi cấp bách.

Những giải pháp cụ thể có thể là: Thể chế hóa tư tưởng tốt đẹp của trường Thiếu sinh quân năm xưa, sử dụng tối đa nguồn lực sẵn có của lực lượng vũ trang trong việc tham gia vào công tác quản trị xã hội trong thời bình. Thay vì kêu gọi nhà đầu tư xén đất, bán nhà, dựng resort, đắp sân golf, hãy kêu gọi họ đầu tư bài bản vào trường dạy nghề; Các trường nghề phải đáp ứng tối thiểu 2 tiêu chí đầu ra: giỏi ngoại ngữ và giỏi nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đạt trình độ tiên tiến so với thế giới. Chúng ta hiện có chuyên gia dạy văn, dạy toán, dạy luyện thi, chứ không có chuyên gia dạy nghề cập nhật trào lưu và công nghệ tiên tiến của thế giới. Do đó, chi phí thuê chuyên gia giảng dạy là không nhỏ, chi phí mua sắm máy móc, thiết bị và giáo cụ trực quan để dạy nghề lại càng không nhỏ. Văn, toán chỉ cần giáo trình và chuyên gia, nhưng dạy nghề cần thêm cả máy móc, thiết bị để học và dạy học.

Nhà nước cần trợ giá bằng cách áp dụng linh hoạt Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Nhà đầu tư phải được cấp đất, hỗ trợ chi phí thuê chuyên gia, miễn thuế phí cho đến khi họ hoàn vốn, đồng thời, được vay ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm máy móc, thiết bị, và nhận được các ưu đãi khác. Việc phiên chế các trường cấp III, thậm chí cấp II vào các trường đại học cũng là cách hiệu quả để giảm thiểu lãng phí trong giáo dục, tránh các em học xong thạc sĩ lại đi làm công nhân hay ngành nghề không được đào tạo. Đại học, cấp III FPT hiện nay là minh chứng cho tính hiệu quả này, số liệu thống kê cho thấy, ước tính phải có đến 50% các em tốt nghiệp cấp III FPT đã gia nhập đại học của họ. Và ra được trường cũng tương đương con số đó, đi làm cho họ, tùy điều kiện thực tiễn.

Vậy nếu từ các đơn vị trong lực lượng vũ trang như Học viện An ninh, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y..., cho đến các đại học dân sự như kiến trúc, mỹ thuật sẽ thực hiện việc học như Học viện Âm nhạc quốc gia đang làm, đều có phiên chế cấp III, thì việc phân luồng sẽ không trở nên nhức nhối như hiện nay, và lãng phí trong giáo dục đào tạo sẽ không bao giờ tồn tại với con số đến mức đáng báo động, mỗi năm có 200 nghìn cử nhân tốt nghiệp đi làm công nhân hoặc tham gia tập đoàn đa quốc gia như Grab.

Phân luồng là đúng, đào tạo nghề lại càng đúng. Vấn đề là cách làm. Hãy tận dụng tư tưởng ưu việt của giáo dục thiếu sinh quân, phiên chế cấp III cho tất cả các trường đại học ở mọi lĩnh vực để con em được tiếp xúc sớm hơn, có hiểu biết tốt hơn với ngành nghề theo đuổi trong tương lai. Và quan trọng nhất, hãy lấy điểm từ trên xuống, để các em sớm xác định việc phân luồng thông qua thành tích đạt được. Đạt thì học lên, không đạt đi học nghề. Đó cũng là động lực có yếu tố tích cực, cạnh tranh lành mạnh, để các em tập trung học mà thi, nếu muốn học lên.