Chúng ta đang làm Trái đất thêm trĩu nặng

Tôi vừa đổi lên một chiếc điện thoại với dung lượng gần gấp đôi bộ nhớ cũ.

Kho hình hơn 20 nghìn tấm được chép sang, cộng với vô số ứng dụng, cùng danh bạ chi chít các mối quan hệ thân sơ. Nhiều người mà cuộc đời này có khi tôi cũng không bao giờ gặp lại. Những cuộc hẹn đó thường được kết thúc bằng câu vu vơ rằng “bữa nào cà-phê nha” đầy xã giao và khách sáo.

Tôi vốn không quá mê công nghệ, nhưng vẫn chi một khoản khá lớn so thu nhập của chính mình cũng như mặt bằng chung để mua một chiếc di động thời thượng. Tôi bao biện cho hành động đó bằng những mỹ từ đẹp đẽ như “tự thưởng cho bản thân”, rồi “do nhu cầu công việc” hoặc “mình cũng cần một chiếc điện thoại ăn nói với người ta”… đại khái vậy.

Đó là một câu chuyện đơn giản và tầm thường mà ai cũng từng trải qua. Cuộc sống của chúng ta còn vô số những vật dụng khác, mà trong cái chuẩn mực xã hội văn minh bây giờ, ta phải có cho bằng chị bằng em. Kiểu như, tôi làm lụng vất vả thì nên đối tốt với bản thân, hà cớ gì phải để mình thua kém - thèm muốn - thiếu thốn nhỉ!

Bởi những câu đó mà chúng ta tiêu xài ngày càng nhiều, sẵn sàng xuống tiền cho những món đồ “nhìn thấy ưng con mắt”. Tủ quần áo của một người bình thường lắm khi diện cả tháng cũng chưa giáp vòng. Tủ lạnh hay tủ đồ khô cũng là câu chuyện mang tên “lãng phí lương thực”. Rồi cái xe máy cũ, chiếc xe đạp leo núi, bộ giày trượt patin chỉ xài vài lần, đôi giày khiêu vũ chưa kịp mang mòn đã chán. Những chiếc áo đôi, áo đồng phục, áo nhóm, áo lớp… thường chỉ khoác một hai lần để chụp hình cho đẹp đội hình, đội ngũ. Đôi khi để vỗ về, tự nhủ rằng mình cũng văn minh - tiết kiệm - sống xanh này nọ, ta gói ghém gửi cho một mái ấm nào đó, hoặc dành cho trẻ con vùng cao. Mà cố tình không hiểu, lũ trẻ nơi ấy không thể mặc được những chiếc váy dài, những bộ đồ kiểu cọ, những gói bột để pha trà sữa cầu kỳ mà chúng ta nhân danh thiện nguyện để mang tặng cho trống nhà mình…

Bao lâu thì nhà mình thay sofa, tranh ảnh trang trí? Các món đồ nội thất đắt đỏ, thời trang, theo mùa, xu hướng… những từ ngữ lung linh ấy mang hơi hướng thượng lưu - đẳng cấp khiến cho người ta cố vươn lên để chứng tỏ mình. Cô bạn sống ở một quận ngoại ô kể rằng, nhiều người tiếc tiền thuê xe rác mang đi bỏ, đã len lén mang các món đồ nặng nề ra vứt ở gần bờ sông, như một cách rũ bỏ thiếu trách nhiệm. Ghế da, đồ nhựa, cùng vô số những thứ không thể nào tái chế hoặc tan biến vào thiên nhiên được. Cuối cùng, bạn tôi đành cắm một tấm bảng nhỏ để nhắc nhỏ về ý thức bảo vệ môi trường. May mắn thay, từ đó rác thải đã giảm hẳn, trong tiếng thở phào của cô ấy.

Hồi đó nhà nghèo, sách giáo khoa của đứa lớn học xong thì tới em mình kế thừa, như một quy luật tất yếu. Bây giờ mỗi cuối năm học, nhìn đồng phục và sách, tập của các con thải ra từng thùng lớn mà xót, mà bất nhẫn, mà băn khoăn…

Để rồi lắc đầu bỏ qua, với rất nhiều bào chữa, rằng ai cũng thế, xã hội văn minh nó thế, mình cũng đã sống xanh - sống có trách nhiệm lắm rồi! Cuối cùng, chỉ là mẹ Trái đất phải gánh gồng…