Bởi đó là Hà Nội!

Ngẫu nhiên, mà lại rất trùng hợp, cuộc chiến đấu chống lại trận tập kích đường không của Mỹ vào Hà Nội và khi Hà Nội bước vào Toàn quốc kháng chiến đều diễn ra vào những ngày cuối tháng 12. Ở đó, không chỉ có những trận đánh, những bản hùng ca. Ở đó, còn có những câu chuyện về số phận những con người làm nên lịch sử. Và khi hiểu con người Hà Nội, thì ta sẽ hiểu, vì sao chiến thắng là lẽ tất yếu.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Viễn cùng những người đồng đội năm xưa sống lại một thời hào hùng trong ký ức.
Bà Viễn cùng những người đồng đội năm xưa sống lại một thời hào hùng trong ký ức.

Dù kể về một thời "sôi nổi", "khẩn trương" của 12 ngày đêm bão lửa khi Hà Nội đương đầu với trận tập kích đường không bằng máy bay B-52 của quân đội Mỹ, cách nói chuyện của bà Phạm Thị Viễn vẫn ôn tồn, chậm rãi, theo cái cách mà những phụ nữ sinh ra, lớn lên ở Hà Nội vẫn thế. 50 năm trôi qua, bà vẫn kể rành mạch chỗ này từng là trận địa, chỗ kia là nơi bom Mỹ từng rơi xuống. Trong đó, có cả những loạt bom từng cướp đi sinh mạng những người thân yêu nhất của bà. "Khi Mỹ dùng B-52 ném bom Hà Nội thì mình mới 21 tuổi thôi. Nếu bảo không lo lắng thì không đúng. Giặc Mỹ thì hiện đại, vũ khí của mình thì thô sơ. Nhưng lúc ấy khí thế toàn dân đánh giặc, mọi người đều quyết bảo vệ Thủ đô. Cái khí thế ấy khiến những lo lắng bị cuốn đi rất mau…", bà Viễn nhớ lại.

Như bất kỳ một cô gái nào khác, cô Viễn ngày ấy cũng có những giấc mơ về một cuộc sống bình dị, được đi học, được yêu khi đến tuổi trưởng thành… Nhưng những giấc mơ ấy đã trở nên xa vời khi đất nước chiến tranh, khi bom rơi, đạn nổ. Bom đạn đã cướp đi cả người mẹ thân yêu của cô. Cô Viễn xung phong vào Đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động khi mới 16 tuổi - độ tuổi mà hôm nay bọn trẻ vẫn cắp sách đến trường. Sợ không được nhận, cô còn khai tăng thêm một tuổi. Cô gái trẻ trở thành cô công nhân thợ nguội. Tay búa - tay súng theo đúng nghĩa đen. Vừa sản xuất, vừa luyện tập cùng súng đạn để tham gia chiến đấu giữ trời Hà Nội.

"Đơn vị chúng tôi được giao một khẩu súng cao xạ 14,5 ly. Chúng tôi đều biết rằng vũ khí của mình còn thô sơ so với địch. Vậy nên chẳng còn cách nào khác, mình phải chăm chỉ luyện tập để đạt hiệu suất cao nhất khi chiến đấu", bà Viễn nhớ lại. Chiều 22/12, đơn vị bà Phạm Thị Viễn được giao nhiệm vụ kéo hai khẩu súng cao xạ lên trận địa mới ở Vân Đồn (gần cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô). Cùng tham gia giữ trời Hà Nội ở đây là tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên và Nhà máy Gỗ Hà Nội. Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng được giao nhiệm vụ đón lõng máy bay tầm thấp. Hướng bay của máy bay địch đã được nghiên cứu kỹ càng. Khi máy bay địch bay "tới tầm", nhận lệnh của chỉ huy, toàn liên đội đồng loạt cho "khạc lửa" 14,5 ly. Kết thúc loạt bắn, liên đội chỉ nhìn thấy chiếc máy bay "bay vèo" qua như một đốm sáng, cũng không chắc rằng có bắn trúng hay không.

Phải đến sáng hôm sau, Liên đội mới biết mình đã bắn rơi máy bay F111A, chiếc máy bay siêu thanh hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ lúc bấy giờ… Cùng bên giá súng ngày ấy, còn có các đồng đội như: Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Văn Hùng... Những người đồng đội bên giá súng của bà, ai cũng có một gia đình, ai cũng có một công việc và mong một cuộc sống bình yên. Cầm súng là điều bất đắc dĩ. Không ai trong số họ muốn làm "anh hùng". Nhưng vì bảo vệ Hà Nội, bảo vệ chính những người thân yêu, họ đã góp phần làm nên lịch sử.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi trước chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" 26 năm, quân dân Hà Nội đã viết những trang sử vàng bằng lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", với những trận đánh đẫm máu mở màn cho Toàn quốc kháng chiến vào những ngày cuối tháng 12/1946.

Cũng như chị Viễn, chị Hiếu, anh Hùng… của năm 1972, nhiều người Hà Nội bất đắc dĩ phải cầm súng. Mới hôm qua họ là những trí thức, học sinh, tiểu thương, hay cả những thiếu nữ khuê các. Nhưng họ bước vào trận chiến với tinh thần quyết tử. Còn nhớ ngay bên cạnh chợ Đồng Xuân, có gia đình mà cả ba chị em gái đều tham gia lời thề quyết tử. Đó là ba chị em: Nguyễn Thị Tần, Nguyễn Bích Hạnh và Nguyễn Thị Bích Thảo. Cả ba chị em vốn đều là con nhà gia thế. Chuẩn bị Toàn quốc kháng chiến, nhiều người Hà Nội đi tản cư. Nhưng cả ba chị em quyết tâm ở lại. Sau này, cả dâu lẫn rể trong nhà có đến sáu cảm tử quân. Bây giờ, cả ba đều đã là người thiên cổ, nhưng câu chuyện của họ vẫn còn được kể mãi. Một trong những câu chuyện được nhiều người biết năm ấy, giữa những cuộc chiến giành giật từng căn nhà, góc phố, những chiến sĩ quyết tử vẫn tổ chức đón Tết Đinh Hợi với đủ cả bánh chưng, hoa đào! Bà Nguyễn Thị Bích Thảo chính là người đi tìm được quả gấc để làm đĩa xôi có hình cờ đỏ sao vàng…

Lịch sử không phải những trang giấy khô khan. Lịch sử được viết nên bởi những con người cụ thể. Nếu hiểu Hà Nội có những con người như thế, ta sẽ hiểu vì sao Hà Nội-Việt Nam luôn chiến thắng. 50 năm đã trôi qua. Bên những đau thương vẫn luôn được gợi nhắc, những chiến công của quân dân ta trong chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, có một hình ảnh "rất Hà Nội", đó là bức hình chụp một cô gái Ngọc Hà tưới hoa bên hồ, phía xa xa là xác chiếc máy bay B-52 rơi ở làng hoa Ngọc Hà. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho Hà Nội máu và hoa, cho sự hồi sinh mạnh mẽ từ bom đạn.