Từ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất

Ngày 10/1/2022, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện thông tin ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Ngôi Sao Việt) thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị được tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá trị hợp đồng trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,45 tỷ đồng/m2

Lô đất ký hiệu 3-12 thuộc khu chức năng số 3 và số 4 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: HẢI LONG
Lô đất ký hiệu 3-12 thuộc khu chức năng số 3 và số 4 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: HẢI LONG

Ông Dũng cũng thừa nhận việc đấu giá đất với giá quá cao “có thể dẫn đến hệ lụy không tốt cho xã hội” và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công. Có thể thấy cuối tháng 12/2021, ông Dũng còn khẳng định trên báo chí rằng: “Tôi muốn nước ngoài mua đất Việt Nam với giá như Tokyo, New York”, “Mức giá 24.500 tỷ đồng trúng thầu lô đất thực tế không quá cao”, rằng “Bên cạnh đó, tôi nhìn thấy nhiều cái lợi cho Tân Hoàng Minh cũng như cho TP Hồ Chí Minh, cho đất nước ta nếu như có được mảnh đất đó, nên tôi quyết tâm sở hữu bằng được!”. Tuy nhiên, đến ngày 12/1/2022, UBND TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hồ Chí Minh chưa nhận được văn bản chính thức của Ngôi Sao Việt về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá

Trước sự bất thường trong việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, kiểm tra các khoản cấp tín dụng có liên quan đến các doanh nghiệp trúng đấu giá. Bộ Tài chính đã kiểm tra, rà soát các khoản phát hành trái phiếu, nghĩa vụ thuế và các thông tin liên quan. Bộ Công an đang kiểm tra, rà soát các dự án của Tân Hoàng Minh... Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và quá trình thực thi nhanh chóng của các bộ, ngành liên quan, việc huy động vốn không hợp pháp, không hợp lệ là không thể thực hiện được. 

Chính vì vậy, việc Ngôi Sao Việt có thể đơn phương chấm dứt Hợp đồng là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi Ngôi Sao Việt không có khả năng tài chính để huy động 24.500 tỷ đồng nhằm thực hiện hợp đồng cũng như triển khai dự án xây dựng trên khu đất này. Công ty Ngôi Sao Việt thành lập tháng 4/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến tháng 12/2016 tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng... Theo số liệu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đến 30/9/2021, Ngôi Sao Việt đã phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 2.700 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã mua 800 tỷ đồng. Theo bản công bố thông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ của Ngôi Sao Việt, vốn chủ sở hữu cuối năm 2018 là 1.546 tỷ đồng, năm 2019 là 1.762 tỷ đồng, năm 2020 là 1.773 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu từ năm 2018-2020 lần lượt là 10,38 lần, 3,68 lần và 2 lần, lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2018-2020 ở mức thấp, lần lượt là lỗ 10 tỷ đồng, lãi 216 tỷ đồng, lãi 10 tỷ đồng, bình quân đạt 1,4%/doanh thu thuần. Tình hình dư nợ giai đoạn 2018-2020 lần lượt là 6.722 tỷ đồng, 3.391 tỷ đồng, 1.127 tỷ đồng. 

Với tình hình tài chính như trên, việc Ngôi Sao Việt huy động 24.500 tỷ đồng trong vòng 100 ngày là không khả thi. 

Trong đợt đấu giá đất Thủ Thiêm này, các công ty còn lại nhiều khả năng cũng sẽ đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản bởi không có khả năng tài chính:

Thứ nhất là Công ty CP Dream Republic (Dream Republic), đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-5, diện tích 6.446 m2, giá khởi điểm 578 tỷ đồng, giá trúng 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm, bình quân 592 triệu đồng/m2. Dream Republic thành lập vào tháng 10/2017 với vốn đăng ký ban đầu 300 tỷ đồng. Trong các cổ đông sáng lập Dream Republic có ông Đặng Minh Thắng, cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ Innoware, nơi bà Trương Huệ Vân và ông Lâm Khắc Vinh cùng là thành viên HĐQT. Bà Trương Huệ Vân và ông Lâm Khắc Vinh đồng thời là thành viên HĐQT của Công ty CP Phát triển & Quản lý Sunny World, nhà đầu tư và phát triển hàng loạt dự án đình đám của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Times Square, Union Square, Sherwood Suites… Theo số liệu của cơ quan thuế, giai đoạn 2017-2020, Dream Republic không hề có doanh thu, hoạt động kinh doanh lỗ.

Thứ hai là Công ty CP Sheen Mega (Sheen Mega), đơn vị trúng đấu giá lô 3-8, diện tích 8.568 m2, giá khởi điểm 1.018,6 tỷ đồng, giá trúng 4.000 tỷ đồng, gấp 3,9 lần giá khởi điểm, bình quân 467 triệu đồng/m2. Sheen Mega thành lập tháng 11/2019, vốn đăng ký là 500 tỷ đồng. Tổng Giám đốc của Sheen Mega là bà Nguyễn Thị Huyền, đồng thời cũng là cổ đông sáng lập của Công ty CP xây dựng Đắc Vạn Hưng. Kể từ khi thành lập đến nay, Sheen Mega đều không phát sinh doanh thu, hoạt động kinh doanh lỗ.

Thứ ba là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh (Bình Minh), đơn vị trúng đấu giá lô 3-9, diện tích hơn 5.000 m2, giá khởi điểm 728,6 tỷ đồng, giá trúng 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần giá khởi điểm, bình quân 1 tỷ đồng/m2. Công ty Bình Minh mới thành lập tháng 9/2021, vốn đăng ký ban đầu là 100 tỷ đồng và tăng lên 200 tỷ đồng đầu tháng 12/2021. 

Từ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất -0
Ông Đỗ Anh Dũng (đứng) trả giá lô đất Thủ Thiêm tại phiên đấu giá hôm 10/12 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TẤT ĐẠT

Ai hưởng lợi và ai thiệt hại?

Hệ lụy không tốt cho xã hội, dù trực tiếp hay gián tiếp đã ngay lập tức bộc lộ sau kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm. Giá đất tại nhiều nơi bắt đầu tăng nóng, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà lan rộng ra khắp cả nước. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tăng giá với tốc độ chóng mặt dù kết quả kinh doanh không có dấu hiệu khả quan. Các mã cổ phiếu như FLC, ROS, CEO, LDG, DLG, HQC... tăng nhiều lần trong thời gian ngắn. Các nhà đầu tư với tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư khi đứng ngoài trào lưu) đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng vào những mã cổ phiếu này. Nhu cầu cao khiến quy mô giao dịch của những mã cổ phiếu này tăng mạnh và cũng dễ hiểu ai là người bán ra và ai là người đang hưởng lợi. 

Chỉ một động thái đấu giá đất Thủ Thiêm đã giải quyết được bài toán thanh khoản cho hàng loạt các bất động sản ế ẩm và hàng loạt cổ phiếu bất động sản được “ôm” trước đây hàng năm trời. Các nhà đầu tư lớn có thể chịu mất một khoản tiền cọc nhỏ nhưng thu được hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư đến sau. Đơn cử trường hợp cổ phiếu FLC, khoảng 20 nghìn nhà đầu tư cá nhân đã bỏ tiền vào cổ phiếu này và chỉ một động thái bán chui hơn 70 triệu cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết, bồi thêm cú bỏ cọc đất Thủ Thiêm đã khiến các nhà đầu tư mất ít nhất 20% giá trị khoản đầu tư của mình trong vòng ba ngày (từ ngày 10 đến 12/1/2022) do cổ phiếu giảm sàn ba phiên liên tiếp. Các nhà đầu tư còn mất nhiều nữa nếu các phiên tới không có thanh khoản đối với cổ phiếu FLC.

Việc trả giá cao rồi bỏ cọc không phải là chuyện hiếm trong quá trình đấu giá tài sản. Tuy nhiên, việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm đã bộc lộ nhiều kẽ hở trong quá trình thực thi, khiến việc đấu giá bị lợi dụng để trục lợi của các doanh nghiệp tham gia và các ông chủ đứng phía sau. Nguyên nhân chính là do quy định quá lỏng lẻo về điều kiện của các nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là việc chứng minh năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự đã khiến những doanh nghiệp trúng đấu giá không có năng lực tài chính trúng đấu giá. Khi bị các cơ quan chức năng soi chiếu thì dở bài bỏ cọc, viết tâm thư. Nhưng thực tế thì những ông chủ đứng phía sau đã thực hiện xong toan tính thu lợi của mình. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu trong quá trình đấu giá tài sản của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Để ngăn chặn tình trạng này, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính... các hành vi lợi dụng đấu giá tài sản để trục lợi, thao túng thị trường sẽ được làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để tạo tính răn đe, bảo đảm thượng tôn pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp.