Cấp thiết chương trình quốc gia về mức độ động đất

Theo giới chuyên gia, Việt Nam không nằm trong khu vực có tần suất động đất cao như các nước Nhật Bản, Indonesia, Myanmar hay Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng từ các đứt gãy kiến tạo và có nguy cơ xảy ra động đất, đặc biệt ở các khu vực dọc theo các đới đứt gãy lớn, nên cần có những nghiên cứu, khảo sát cụ thể để có giải pháp phòng chống.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người làm việc trong tòa nhà Vincom Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh thoát xuống đất sau dư chấn động đất tại Myanmar, ngày 28/3/2025. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhiều người làm việc trong tòa nhà Vincom Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh thoát xuống đất sau dư chấn động đất tại Myanmar, ngày 28/3/2025. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter ngày 28/3 có tâm chấn tại Myanmar đã làm rung chuyển khu vực Nam Á, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mặc dù tâm chấn ở xa, cách Việt Nam hàng nghìn kilomet, nhưng nhiều người dân ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cảm nhận rõ những rung chấn.

Những nguy cơ từ động đất kích thích

Sáng 1/4, thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái Đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, trong tổng số 26 trận động đất trong tháng 3 vừa qua, có tới 23 trận xảy ra tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum); 3 trận động đất tại khu vực huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) - khu vực từng là “điểm nóng động đất” kể từ năm 2012, khi Thủy điện sông Tranh 2 tích nước phát điện.

Đáng chú ý, trận động đất xảy ra lúc 9 giờ 28 phút ngày 31/3 tại khu vực huyện Kon Plông mạnh 2,9 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km đã nâng tổng số bốn trận động đất chỉ trong một buổi sáng.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, tại Việt Nam, thời gian qua động đất đa phần là động đất nhỏ, động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới. Các nhà khoa học lưu ý, động đất kích thích xảy ra trong những năm gần đây ở tỉnh Kon Tum do một số yếu tố kích thích như: mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước… Những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi ngấm đủ xuống bên dưới.

“Thực tế, nguyên nhân trước hết là tác động từ biến đổi khí hậu. Thứ nữa, con người tạo ra nhiều biến đổi bất thường làm gia tăng về cường độ và bất thường về tần suất của các thiên tai như: siêu bão hay động đất. Điển hình, việc xây dựng các công trình thủy điện đã gây ra động đất kích thích ở một số khu vực như Tây Bắc, Quảng Nam và Kon Tum. Các dạng thiên tai có thể liên kết với nhau khiến hậu quả còn thảm khốc hơn”, TS Nguyễn Xuân Anh nói.

Tuy vậy, theo TS Nguyễn Xuân Anh, so với các nước trong khu vực và châu Á, nguy cơ động đất ở Việt Nam ít hơn. Bởi thông thường, động đất sẽ nằm ở những khu vực ranh giới các mảng lục địa lớn. Khi các mảng xô húc với nhau sẽ gây ra động đất. Myanmar hay Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia rơi vào trường hợp này. Ngoài ra, còn có động đất xảy ra ở các vành đai núi lửa như tại: Nhật Bản, Philippines, Indonesia...

Trao đổi về vấn đề nguy cơ xảy ra động đất, PGS, TS Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, các trận động đất mạnh tập trung ở dọc các vành đai lửa lớn nhất hành tinh như là Thái Bình Dương, Địa Trung Hải và Himalaya. Việt Nam không nằm trên vành đai lửa nên an toàn hơn, không hứng chịu những trận động đất hủy diệt như ở Sumatra - Andaman năm 2004 (mạnh 9,3 độ richter), hay động đất ở Myanmar ngày 28/3 vừa qua. Song Việt Nam vẫn có khả năng xuất hiện các trận động đất mạnh, do có nhiều hệ thống đứt gãy dài và sâu.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công thương, trên cả nước hiện có gần 430 hồ chứa thủy điện và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi. Các công trình thủy điện quy mô lớn như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La đều nằm ở khu vực Tây Bắc, là nơi được cảnh báo đã và sẽ có hoạt động địa chấn mạnh nhất cả nước. Để hạn chế mức độ ảnh hưởng cũng như thiệt hại do động đất gây ra, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch mời các chuyên gia hàng đầu đánh giá chi tiết, xây dựng giải pháp chủ động nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình thủy điện trước nguy cơ động đất, nhất là ở khu vực Tây Bắc.

Xây dựng kịch bản ứng phó nhiều cấp độ

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam chỉ cảnh báo được động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó và khó dự báo được thời gian xảy ra động đất. Nhiều quốc gia như Nhật Bản - nơi nhiều trận động đất lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cũng gần như không thể dự báo sớm.

Bàn về giải pháp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, cần có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp từ cấp Trung ương đến địa phương. Các khu vực có nguy cơ bị thiệt hại lớn nếu có động đất mạnh xảy ra, như Hà Nội, nên nghiên cứu lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm động đất, xây dựng kịch bản ứng phó với các cấp độ động đất khác nhau.

Việt Nam đang có 30 trạm địa chấn quốc gia theo dõi hoạt động động đất trên toàn lãnh thổ. Ngoài ra, có gần 100 trạm địa chấn địa phương quan trắc tại các công trình trọng điểm như: thủy điện, khu vực dự kiến phát triển điện hạt nhân. Dữ liệu từ các trạm sẽ được truyền về Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đặt tại Hà Nội để phân tích tự động, qua đó xác định được chấn tâm, độ sâu chấn tiêu của động đất để phát đi cảnh báo nhanh nhất.

Theo quy định, với tất cả những trận động đất trên 3,5 độ richter, Trung tâm sẽ phát thông báo. Còn những trận động đất 2,5 độ richter, Trung tâm cũng có công bố thông tin cho người dân.

Còn theo TS Nguyễn Xuân Anh, thực tế, động đất là loại hình thiên tai chưa thể dự báo trước mà hiện mới chỉ quan trắc và cảnh báo, vì vậy việc trang bị kiến thức về động đất, sóng thần và chuẩn bị sẵn các kỹ năng ứng phó sẽ là chìa khóa cho sự an toàn của con người, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra. Có những khu vực địa chất, đứt gãy “ngủ yên” rất lâu sau đó hoạt động mạnh trở lại. Các địa phương cần tuân thủ yêu cầu về kháng chấn đã được cảnh báo để hạn chế thấp nhất hậu quả nếu xảy ra.

Thời gian tới, TS Nguyên Xuân Anh khuyến cáo, cần cấp thiết xây dựng một chương trình quốc gia để đánh giá mức độ động đất trên cả nước một cách chi tiết, đặc biệt là các vùng nguy hiểm. Qua đó tạo nền tảng tin cậy cung cấp cơ sở khoa học, kỹ thuật cho các nhà hoạch định trong việc định hướng phát triển kinh tế-xã hội cũng như đưa ra những quy định, văn bản pháp lý hiệu quả.

"Theo các số liệu ghi nhận được, các trận động đất ở miền nam nước ta yếu hơn rất nhiều so với động đất ở miền bắc. Các nguồn phát sinh động đất kích thích mạnh ở miền bắc nhiều hơn, trải rộng khắp miền như: đứt gãy sông Đà, đứt gãy sông Hồng, đứt gãy sông Chảy, đứt gãy sông Lô, đứt gãy sông Mã".

PGS, TS Nguyễn Hồng Phương

Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu