Quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học như thế nào?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mở ra hướng phát triển mới trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ thực hành tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI
Giờ thực hành tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Trao đổi ý kiến với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, để tạo được những bước đột phá trong phát triển đất nước, trọng tâm vẫn là nhân tố con người. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì vai trò lớn nhất nằm ở các trường đại học. Mục tiêu đầu tiên của Quy hoạch lần này là để các cơ sở đào tạo có điều kiện "tái cấu trúc", được đầu tư, củng cố và hiện đại hóa, hướng tới năm 2030 không còn trường không đạt chuẩn. Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của quốc gia, động lực then chốt thúc đẩy phát triển đất nước.

Cụ thể hơn, mục tiêu trước mắt của đợt sắp xếp các trường đại học lần này, nhằm hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tại bốn vùng đô thị gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.

Về phương án sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học, Quy hoạch đưa ra các định hướng phát triển trong 5 năm tới sẽ củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các trường đại học hiện có; sắp xếp, thu gọn số đầu mối cơ sở đào tạo công lập. Sắp xếp, phát triển các trường trực thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương (trừ Bộ Giáo dục và Đào tạo) và các cơ sở đại học trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Khuyến khích thành lập mới, mở rộng mạng lưới cơ sở đào tạo tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục nước ngoài có uy tín, nhất là các cơ sở chuyên đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ…

Với lĩnh vực đào tạo sư phạm, sẽ sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học sư phạm thể dục và thể thao, sư phạm nghệ thuật theo định hướng sáp nhập với một trường đại học sư phạm hoặc cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực có trường, khoa sư phạm hoặc khoa học cơ bản.

Với những trường không đạt chuẩn theo quy định sẽ sắp xếp theo các phương án như: Tái cấu trúc, tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3-5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một trường có uy tín; hoặc đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.

Định hướng cho việc sắp xếp các cơ sở giáo dục đại học công lập như trên khá rõ, song điều mà nhiều chuyên gia, nhà khoa học băn khoăn là với các cơ sở đào tạo tư thục hiện nay thì sao?

“Trong thời gian tới, được biết các cấp có thẩm quyền sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các quy định có liên quan. Như vậy, cơ chế tự chủ tiếp tục được thực thi. Nhà nước đóng vai trò điều tiết bằng chính sách, còn hệ thống giáo dục đại học, nhất là các cơ sở đào tạo tư thục sẽ vận hành, cạnh tranh theo cơ chế thị trường”, GS, TSKH Đặng Ứng Vận chia sẻ.