Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ mắc chứng tự kỷ cũng tăng dần theo thời gian. Cụ thể, thời điểm mới phát hiện vào năm 1970, bệnh có tỷ lệ chỉ 1/10.000 trẻ. Đến năm 2000, tỷ lệ trên đã lên đến 1/150 (0.67%). Gần nhất năm 2023, theo CDC Hoa Kỳ, tỷ lệ này đã đạt tới 1/36, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nam so với nữ là 4/1.
Báo động về sự gia tăng trẻ tự kỷ ở Việt Nam
Theo bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), chứng tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về giao tiếp và tương tác xã hội, đồng thời kèm theo các mẫu hình hành vi, sở thích rập khuôn, giới hạn.
Hiện nay chứng tự kỷ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh cũng được xem là rối loạn phát triển mạn tính, có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu của trẻ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp thích hợp, trẻ có nhiều cơ hội cải thiện hòa nhập, thích nghi và có cơ may sống tự lập, kể cả thành công ở tuổi trưởng thành. Trong đó, hai giai đoạn vàng để chẩn đoán và điều trị là trước 2 tuổi và trước 5 tuổi.
Tuy vậy, chuyên gia Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam khuyến cáo, phần lớn trẻ tự kỷ ở Việt Nam không được chẩn đoán sớm bằng các công cụ sàng lọc. Chỉ đến khi những triệu chứng quá rõ ràng mới được đưa đến các cơ sở y tế. Giai đoạn vàng cũng bị bỏ lỡ bởi đa số cha mẹ còn phải mất thêm một thời gian để cân bằng tâm lý, vượt qua cú sốc chẩn đoán, rồi mới tính đến việc can thiệp cho trẻ.
Bác sĩ Đinh Thạc cũng chỉ ra một số hướng can thiệp trẻ tự kỷ sai lầm. Thứ nhất, gia đình ngộ nhận con chỉ chậm thôi, từ từ rồi sẽ phát triển bình thường. Thứ hai, nghe theo lời mách bảo của người khác hoặc tự làm "bác sĩ" đi tìm thuốc điều trị, các loại thuốc bổ, thuốc tốt cho não bộ trôi nổi để con em uống, dẫn đến tiền mất tật mang, thậm chí khiến trẻ nguy hiểm sinh mạng. Bên cạnh, có những trường hợp tin rằng việc trị liệu cho trẻ tự kỷ chỉ cần trong phạm vi gia đình là đủ.
Thêm nữa, việc can thiệp cho trẻ tự kỷ có sự tham gia của cả các cơ sở công lập và tư nhân, nhưng luôn là dịch vụ có trả phí. Điều này cũng trở thành gánh nặng về kinh tế, nhất là khi việc điều trị can thiệp đòi hỏi thời gian dài.
Cần chính sách đầy đủ, ưu tiên hơn
Trên thực tế, trẻ tự kỷ được công nhận là một dạng khuyết tật, nhưng hiện nay vẫn chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi và sự hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước. Luật Người khuyết tật 2010 xếp trẻ tự kỷ vào nhóm khuyết tật khác mà không định danh cụ thể, khiến trẻ tự kỷ không được thụ hưởng chính sách đặc thù như: miễn học phí, hỗ trợ giáo dục chuyên biệt và dịch vụ y tế cần thiết. Thông tư 01/2019/ TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) xếp tự kỷ là “khuyết tật khác”, không quy định quyền lợi rõ ràng như các dạng khuyết tật vận động hay nghe nói.
Trong khi đó, Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ nhưng việc triển khai chưa đồng bộ. Các trường phổ thông công lập thiếu biên chế giáo viên chuyên biệt, cơ sở vật chất hạn chế, khiến trẻ tự kỷ dù được nhận vào học nhưng không thật sự hòa nhập.
Để giúp trẻ bị chứng tự kỷ hòa nhập cộng đồng tốt hơn, bác sĩ chuyên khoa 2 Thái Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay tại Việt Nam, trẻ tự kỷ có thể được can thiệp đa ngành, gồm: Y sinh, tâm lý, giáo dục đặc biệt, âm ngữ trị liệu, y học cổ truyền và kể cả tế bào gốc.
Xét về dài hạn, các chuyên gia nhấn mạnh đến tính cấp thiết của những chính sách mang tính chuyên biệt như bổ sung trẻ tự kỷ vào nhóm khuyết tật phát triển trong Luật Người khuyết tật. Đây là cơ sở pháp lý để bảo đảm trẻ tự kỷ được hưởng các quyền lợi cụ thể về giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Mở rộng phạm vi hỗ trợ của bảo hiểm y tế cho trẻ tự kỷ, bao gồm các dịch vụ trị liệu ngôn ngữ, hành vi và vật lý trị liệu.
Về giáo dục, cần xây dựng trường học chuyên biệt hoặc lớp học hòa nhập với chương trình giáo dục được cá nhân hóa cho trẻ tự kỷ. Chú trọng đào tạo giáo viên chuyên biệt và nhân viên hỗ trợ cho các trường phổ thông công lập cũng như triển khai đồng bộ các chương trình giáo dục hòa nhập trong toàn hệ thống giáo dục. Làm được những điều này chắc chắn sẽ giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình có con tự kỷ, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.
Nhân Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4), vào 14 giờ ngày 28/3/2025 tại Báo Nhân Dân, Ban Chuyên đề - Báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm “Tương lai nào cho trẻ tự kỷ”. Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, phụ huynh... cùng chia sẻ góc nhìn về thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ tự kỷ.