Phòng ngừa thảm họa trong xây dựng

Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Do đó, việc nghiên cứu các biện pháp thiết kế, thi công công trình chống động đất, xây dựng quy định bảo đảm khả năng kháng chấn càng trở nên cấp bách.
0:00 / 0:00
0:00
Cần tiến tới xây dựng các quy định chặt chẽ hơn trong xây dựng, bảo đảm khả năng kháng chấn.
Cần tiến tới xây dựng các quy định chặt chẽ hơn trong xây dựng, bảo đảm khả năng kháng chấn.

Không thể lơ là, chủ quan

Những năm qua, tại nhiều địa phương trên cả nước từng xảy ra hàng loạt trận động đất như: năm 1968 tại Bắc Giang, năm 1989 tại Hòa Bình, năm 1996 tại Điện Biên, năm 2005 xảy ra ở Hà Giang và Nghệ An… Xa hơn, vào năm 1935 đã xuất hiện trận động đất mạnh lên tới 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên, gây thiệt hại một số công trình.

PGS,TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Địa vật lý ứng dụng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam cho biết, mỗi năm trên lãnh thổ Việt Nam xảy ra hàng chục vụ động đất. Tuy nhỏ và chưa gây ra thiệt hại lớn, song không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan, lơ là. Các cơ quan chức năng phải xây dựng trước các kịch bản để ứng phó, bởi thiên tai rất khó lường và rất khó dự báo chính xác. “Để đề phòng rủi ro, cần quan tâm nhiều hơn tới khả năng kháng chấn của các công trình xây dựng, cập nhật liên tục bản đồ phân vùng nhỏ (chi tiết) động đất ở các đô thị, các vùng có nhiều công trình thủy điện”, ông Triều nhấn mạnh.

Cũng theo ông Triều, Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện xây dựng bản đồ phân vùng nhỏ động đất từ năm 2009, nhưng đến nay chưa cập nhật lại. Ngay từ bây giờ, các đô thị lớn phải cập nhật thường xuyên; các cơ quan chuyên môn nên đánh giá phân vùng nhỏ động đất tại các công trình thủy điện nhỏ và siêu nhỏ do tư nhân làm chủ, từ đó kịp thời có các biện pháp xử lý, tránh để xảy ra bị động.

Theo Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), kết cấu của các công trình nhà cao tầng được áp dụng chủ yếu vẫn là kết cấu khung vách hoặc khung lõi bằng bê-tông cốt thép đổ tại chỗ, kết hợp sàn bằng bê-tông cốt thép đổ tại chỗ, hoặc sàn bê-tông nửa lắp ghép (dạng sàn sandwich). Hầu hết các công trình nhà cao tầng được xây dựng ở Hà Nội hiện nay đều được thiết kế chịu động đất cấp 7. Tuy nhiên, với mức 7 độ richter, những chung cư cũ, xây trước năm 2006 sẽ gặp nguy hiểm.

Ông Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng Khoa học công nghệ xây dựng kiến nghị, phải đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ. Công trình nào đã ở mức độ nguy hiểm, gấp rút dỡ bỏ, và thực hiện tái định cư cho người dân bằng những công trình bảo đảm chất lượng.

Quy định chặt chẽ về khả năng kháng chấn

Năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất” và được chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 năm 2012. Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư tính toán kháng chấn cho công trình.

Hay Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc bảo đảm an toàn công trình. Theo đó, các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công bảo đảm khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Đặc biệt, đối với những khu vực có nguy cơ động đất cao, mỗi công trình xây dựng phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo quy định của pháp luật.

Theo TS Đỗ Tiến Thịnh, Giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu Công trình xây dựng (Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng), đối với các tòa nhà cao tầng, khi thi công các kết cấu của cọc, móng, cột, dầm phải tuân thủ tuyệt đối quy chuẩn, vì đó là phần gánh lực cho tòa nhà.

Nhấn mạnh các giải pháp ứng phó thảm họa, KTS Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị, các cơ quan địa chất nên cung cấp những nghiên cứu khoa học về nguy cơ động đất ở từng tỉnh, thành phố, đồng thời đánh giá hiện nước ta đang nằm trong ngưỡng nào, vùng nào có nguy cơ cao trong năm tới. Từ đó bổ sung những quy chuẩn phù hợp, nghiêm ngặt cho từng khu vực cụ thể, với từng loại công trình xây dựng, chứ không quy định chung chung như hiện nay.

Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng bộ luật về phòng, chống động đất, trong đó có quy định chặt chẽ, chi tiết các yêu cầu kháng chấn trong xây dựng công trình nói chung, công trình cao tầng nói riêng. Một điều nữa, trong bối cảnh cát xây dựng ngày càng khan hiếm, việc nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các vật liệu xây dựng thay thế, vật liệu xanh, nhất là vật liệu có khả năng chống chịu động đất, như bê-tông uốn cong; bê-tông dạng phun; bê-tông siêu tính năng… là vô cùng cần thiết.

“Các cơ sở sản xuất vật liệu nên đầu tư công nghệ sản xuất bê-tông siêu tính năng. Đây là loại bê-tông được gia công bằng sợi thép phân tán và sợi hữu cơ, có độ chịu nén tốt và cường độ chịu kéo cao”, TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ.