Không còn điều kiện để "vợt" thí sinh
Vấn đề bất cập trong tuyển sinh đại học những năm gần đây là việc tuyển sinh sớm của nhiều cơ sở đào tạo đã khiến cho kỳ tuyển sinh kéo dài gây tốn kém nguồn lực xã hội. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo gọi trúng tuyển sớm với số lượng rất lớn nhưng số thí sinh thực tế nhập học lại khá ít, cho thấy việc xét tuyển sớm kém hiệu quả.
Chia sẻ ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, GS, TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, thời gian qua, không ít trường tốp giữa và tốp dưới đã tổ chức nhận hồ sơ, tuyển sinh sớm, nhằm "vợt" thí sinh. Nhưng thực tế cho thấy, cách làm này đã không hiệu quả, mà còn tạo một lượng thí sinh ảo rất lớn, gây phức tạp hơn cho công tác tuyển sinh chung, cũng như ảnh hưởng đến cơ cấu phân luồng, hướng nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, PGS, TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết: Phương thức xét tuyển được áp dụng cho xét tuyển sớm không thay đổi so các năm, nhưng sẽ được điều chỉnh về thời gian tổ chức xét tuyển và công bố kết quả. Theo đó, thống nhất chung bằng một đợt như quy định của Bộ. Theo quy chế mới, các thí sinh được lựa chọn không giới hạn nguyện vọng xét tuyển. Hệ thống tuyển sinh của Bộ cũng sẽ không phân biệt phương thức xét tuyển. Vì thế, thí sinh tập trung vào lựa chọn đăng ký ngành học. Việc xây dựng phương án quy đổi điểm là trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
“Trên thực tế, các trường đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Trong nhiều năm qua, nhiều cơ sở đã có những nghiên cứu, đánh giá để bảo đảm công bằng giữa các phương thức, tổ hợp đưa ra trong đề án tuyển sinh”, ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.
Điểm đáng chú ý tiếp theo, Bộ không quy định giới hạn tối đa tổ hợp xét tuyển cho mỗi ngành. Như vậy, thí sinh dù lựa chọn các bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông khác nhau, cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn vẫn được giữ nguyên. Song, để bảo đảm công bằng trong xét tuyển, quy chế mới đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (thí dụ với thang điểm 30, tối đa là 3 điểm). Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn có điểm cộng dựa trên đặc thù của cơ sở đào tạo, của yêu cầu đầu vào và khai thác tối đa thế mạnh riêng của thí sinh. Điều này bảo đảm thực hiện "quyền tự chủ" trong tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo.
Chọn nghề sao cho trúng
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa ban hành hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và vẫn chốt lịch kỳ thi sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27/6, thí sinh làm thủ tục ngày 25/6. Theo số liệu thống kê, có khá nhiều các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ tuyển sinh.
Trong bối cảnh đất nước có nhiều đổi mới, một số ngành nghề cũng đã có những xu hướng dịch chuyển nhất định. Thêm vào đó, các kỳ thi hay phương thức tuyển sinh với những điểm mới trên nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào được tốt hơn, đòi hỏi các thí sinh phải "thực học, thực nghiệp".
Tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 tại Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: "Về chọn ngành học, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên đam mê, năng lực của bản thân và nhu cầu thực tiễn của xã hội trong tương lai. Hãy chủ động trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, kỹ năng số, tư duy phản biện và tinh thần học tập suốt đời để không ngừng tiến bộ".
![]() |
Nhiều cơ sở đào tạo đã quan tâm hơn đến công tác hướng nghiệp, bảo đảm chất lượng đầu vào. |
Mới đây, tại hội thảo “Công bố các chuyên ngành trong chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển theo chuẩn quốc tế”, PGS, TS Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa Kinh tế phát triển (Trường đại học Kinh tế) khẳng định: Thị trường lao động hiện nay có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chuyên môn cao, nhất là trong lĩnh vực kinh tế phát triển. Thêm nữa, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, mở ra nhiều cơ hội mới cho người tốt nghiệp các ngành Kinh tế phát triển. Với đòi hỏi hội nhập quốc tế ngày càng cao, ngành học về kinh tế quốc tế, kinh tế vĩ mô và kinh tế phát triển cũng có nhiều dư địa phát triển.
Ở các hội thảo hướng nghiệp, các chuyên gia, nhà giáo dục đã thảo luận, phân tích, góp phần làm rõ chuẩn đầu ra của các chuyên ngành mới, "hot" tiệm cận các tiêu chí quốc tế. Theo chuyên gia tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên, bà Tycoon Nguyễn Ngọc (Trường Đại học Lao động-Xã hội) lưu ý các thí sinh cần chuẩn bị tốt kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng thu thập và phân tích thông tin kinh tế và chính sách; vận dụng được các kiến thức để giải quyết các vấn đề nảy sinh trên thực tế; áp dụng được một trong số các phần mềm chuyên dụng vào phân tích dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học và ra quyết định. Trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ, sinh viên càng cần chú trọng bổ sung các kỹ năng bổ trợ như kỹ năng cá nhân, làm việc nhóm, quản lý và lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ và cả am hiểu văn hóa, xã hội sâu rộng.