![]() |
- Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là yêu cầu cấp thiết, giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển xanh, bền vững và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước... Từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, để dự án được triển khai bảo đảm chất lượng và tiến độ đặt ra, chúng ta cần lưu ý tới những thách thức nào, thưa ông?
- Một trong những vấn đề dễ xảy ra nhất là chi phí thực tế vượt mức dự toán và tiến độ chậm trễ thường xuyên. Thí dụ, dự án hai lò hạt nhân Vogtle 3 và 4 (Mỹ) bị chậm tiến độ bảy năm, làm đội vốn từ 13 tỷ USD lên 32 tỷ USD. Các dự án tại Olkiluoto 3 (Phần Lan) và Flamanville 3 (Pháp) đều gặp phải sự chậm trễ đáng kể khiến tăng chi phí xây dựng.
Các nhà máy điện hạt nhân mới nhất được thiết kế và xây dựng trên tiêu chuẩn an toàn cao, dẫn đến các thách thức trong xây dựng, đặc biệt khi được triển khai thực tế lần đầu. Những cấu kiện chính của nhà máy hạt nhân, như vỏ lò phản ứng, nồi sinh hơi, tourbine hơi, bơm làm mát, rất chuyên biệt. Do khả năng đa dạng hóa nguồn cung không cao, chuỗi cung ứng các cấu kiện dễ bị gián đoạn hoặc chậm trễ, làm chậm tiến độ xây dựng. Không những vậy, quy định pháp luật trong quản lý an toàn ngày càng nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi thêm thời gian và nguồn lực, cho cả bên thi công lẫn thanh tra - kiểm tra. Điều này góp phần vào sự chậm trễ và tăng chi phí của các dự án.
Do chi phí ban đầu cao và thời gian hoàn vốn dài của các dự án điện hạt nhân, việc bảo đảm tài chính cũng là thách thức lớn với chủ đầu tư và các nhà thầu chính. Trong khi đó, khí tự nhiên và năng lượng tái tạo vẫn luôn là các lựa chọn thay thế đầy tính cạnh tranh.
Dư luận xã hội về năng lượng hạt nhân cũng có ảnh hưởng đáng kể. Ở một số nước, sự phản đối mạnh mẽ của công chúng và các cuộc tranh luận chính trị dẫn đến sự chậm trễ về thời gian, hoặc thậm chí hủy bỏ.
Cuối cùng, ngành công nghiệp hạt nhân đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt các chuyên gia kinh nghiệm. Các công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhiều thời điểm, cần huy động khoảng 10 nghìn lao động. Ngay tại các quốc gia có bề dày kinh nghiệm, quá trình tái khởi động chương trình điện hạt nhân sau thời gian dài gián đoạn hoặc các dự án kéo dài hàng thập kỷ cũng vẫn có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ chân đội ngũ nhân tài cần thiết.
Tất cả các thách thức nêu trên cho thấy: Việc triển khai các dự án điện hạt nhân với quy mô lớn, thời gian kéo dài, tính chất kỹ thuật và pháp lý phức tạp, đồng thời tác động an sinh xã hội lớn đòi hỏi khả năng quản trị dự án đặc biệt hiệu quả.
- Vậy, theo ông, cần chú trọng vào những yêu cầu chính đối với công tác quản lý tiến độ cũng như bảo đảm an toàn cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân như thế nào?
- Việc quản lý dự án bao gồm quá trình lập kế hoạch chi tiết, theo dõi tiến độ và điều chỉnh kịp thời khi có vấn đề phát sinh. Ở những giai đoạn quan trọng, cần đẩy mạnh phối hợp với nhà thầu chủ chốt và đơn vị cung cấp các cấu kiện thiết yếu, để bảo đảm các thành phần quan trọng được giao đúng thời hạn và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong suốt quá trình thực hiện, việc giám sát và đánh giá thường xuyên giúp phát hiện và khắc phục kịp thời các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, đào tạo liên tục và phát triển nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng, nhằm duy trì chất lượng công việc và bảo đảm an toàn.
Song song việc giữ vững tiến độ, chất lượng kỹ thuật nói chung và việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nói riêng cần được ưu tiên hàng đầu. Khác với các dự án cơ sở hạ tầng thông thường, ảnh hưởng của an toàn hạt nhân đến an sinh xã hội, an ninh năng lượng quốc gia hay thậm chí an ninh quốc phòng... là rất khác biệt.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn là nhiệm vụ chung của tất cả các bên tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành nhà máy, từ cơ quan quản lý hành chính và pháp luật, đơn vị chuyên môn, tổ chức thi công cho đến đơn vị quản lý vận hành. Điều này đòi hỏi phải thiết lập và thực thi các biện pháp an toàn trong suốt quá trình thi công, giám sát cũng như cấp phép hoạt động cho nhà máy.
Một giai đoạn đặc biệt quan trọng cần lưu ý là tiến hành kiểm tra và thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi đưa nhà máy vào hoạt động, để bảo đảm rằng tất cả các hệ thống hạt nhân hoạt động đúng cách.
- Từ kinh nghiệm tại Pháp, Chính phủ nước này đã ban hành những chính sách cụ thể nào để hỗ trợ quản trị dự án điện hạt nhân, thưa ông?
- Tại Pháp, trách nhiệm chính trong việc quản trị dự án điện hạt nhân thuộc về doanh nghiệp, nhưng Chính phủ cũng nỗ lực cải tiến chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn hành chính và tạo điều kiện cho sự phát triển của toàn ngành.
Để giảm thời gian và chi phí, Luật “Tăng tốc các thủ tục liên quan xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới (nằm gần các nhà máy điện hạt nhân cũ)” được thông qua vào năm 2023. Chính phủ cũng ban hành quy hoạch phát triển điện hạt nhân với tầm nhìn và lộ trình rõ ràng. Các khóa đào tạo chuyên sâu thường xuyên được tổ chức, nhằm bảo đảm lực lượng lao động sở hữu kiến thức và tay nghề cần thiết. Pháp còn phối hợp với nhiều quốc gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đồng thời, các thỏa thuận hợp tác quốc tế cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý và vận hành các dự án điện hạt nhân.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
★TS Trần Duy Châu tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2004 và hoàn thành luận án tiến sĩ về Kĩ thuật điện tại Đại học Bách khoa Grenoble-Cộng hòa Pháp năm 2008. Ông từng đạt giải thưởng Đề tài xuất sắc tại Hội thảo công nghệ điện IEEE ICDL 2008, nhận chứng chỉ Quản lý dự án chuyên nghiệp (PMP).
★AEEE được thành lập từ năm 2007, bởi các nghiên cứu sinh, tiến sĩ ngành điện và năng lượng Việt Nam sinh sống và làm việc tại Pháp. Hội luôn bám sát tình hình đất nước và thường xuyên có những đóng góp tích cực, kịp thời cho sự phát triển của ngành điện và năng lượng Việt Nam.