Triển khai mô hình “đánh chặn” bệnh tật!

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn triển khai kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn từ năm 2025 trở đi.
0:00 / 0:00
0:00
Lấy máu xét nghiệm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại Phường 14, Quận 11. Ảnh: Trung tâm Y tế Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh
Lấy máu xét nghiệm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại Phường 14, Quận 11. Ảnh: Trung tâm Y tế Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh

Theo đó, từ năm 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thực hiện khám sức khỏe cho người cao tuổi tại các phòng khám đa khoa, bệnh viện công lập và tư nhân có đủ điều kiện. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn dễ dàng tiếp cận dịch vụ, bảo đảm 100% người cao tuổi được khám sức khỏe trong năm 2025, với chi phí do ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác chi trả. Chương trình được thực hiện thay thế việc khám sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm y tế như từ năm 2024 trở về trước.

Dự kiến, mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chi gần 150 tỷ đồng để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm “đánh chặn” bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.

Tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có khoảng 329.330 người cao tuổi/tổng số 1.001.575 người từ 60 tuổi trở lên được thụ hưởng chính sách này. Qua hoạt động này, ghi nhận có 61,6% người cao tuổi đã khám bị tăng huyết áp, 25,68% người cao tuổi mắc và nghi ngờ mắc đái tháo đường, 0,26% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng… Tuy đây mới chỉ là kết quả bước đầu khi triển khai mô hình bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn, chương trình đã cho thấy ý nghĩa quan trọng, kịp thời phát hiện, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khỏe điện tử, từ đó xác định được mô hình sức khỏe, bệnh tật, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi.

Với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 74 tuổi, nhưng tuổi sống khỏe mạnh chỉ 62-63 tuổi, sau đó chất lượng sống không cao, kèm theo các bệnh tật như bệnh không lây, tai biến... quyết định triển khai kế hoạch này là một chính sách rất thiết thực, nhân văn.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bổ sung thuốc cho trạm y tế để khám bảo hiểm y tế, điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường. Khi điều trị được cho người cao tuổi trên địa bàn tin rằng uy tín trạm y tế sẽ tăng lên và người cao tuổi sẽ tìm đến trạm thường xuyên hơn.

Đây có thể coi là hướng đi phù hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và cần được nghiên cứu triển khai, nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác trên cả nước.