Mở rộng khu vực sinh hoạt cộng đồng
Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn về việc tán thành phương án đề xuất dỡ bỏ tòa nhà Trung tâm thương mại số 7 Đinh Tiên Hoàng (còn được biết đến rộng rãi với biệt danh do người dân gọi vui là “Hàm cá mập”), đề xuất xây dựng không gian ngầm tại khu vực quảng trường hiện có và không gian mở rộng. Thành phố cũng định hướng nghiên cứu xây dựng khoảng ba tầng hầm, đề xuất cụ thể chức năng sử dụng tầng hầm (nên bố trí không gian văn hóa, thương mại tại tầng hầm 1, khu vực đỗ xe tại tầng hầm 2, 3); trường hợp không bố trí đỗ xe, có thể sử dụng thành không gian lưỡng dụng.
Theo lãnh đạo thành phố, nhiều cơ quan, đơn vị và hộ dân ở phía đông hồ Hoàn Kiếm sẽ phải di dời. Đối với khu vực Trụ sở Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Khách sạn Điện lực, thành phố giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội nghiên cứu, đề xuất vị trí làm trụ sở mới tại quận Cầu Giấy. Lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng nghiên cứu, rà soát, đề xuất bố trí nhà tạm cư cho các hộ dân (trong thời gian chờ giao đất tái định cư) và bán nhà tái định cư cho các trường hợp không đủ điều kiện được tái định cư bằng đất để ổn định cuộc sống khi thực hiện giải phóng mặt bằng.
Cơ quan chuyên môn của thành phố sẽ tiến hành điều tra, khảo sát kỹ các công trình kiến trúc có giá trị, như công trình kiến trúc Pháp tại Sở Văn hóa và Thể thao; Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…), các công trình biểu tượng, di tích, để có phương án bảo tồn, đề xuất chức năng sử dụng phù hợp, hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Lý do dỡ bỏ tòa nhà có tuổi đời hơn 30 năm, theo ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, hồ Hoàn Kiếm được xem là “trái tim” của Thủ đô với giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt. Tòa nhà “Hàm cá mập” có thiết kế hiện đại nhưng lại chưa hài hòa với tổng thể cảnh quan khu vực. Việc dỡ bỏ tòa nhà sẽ giúp tăng diện tích cho Quảng trường Đông Kinh-Nghĩa Thục, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng rộng rãi hơn.
Cũng theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, thành phố đặt trọng tâm vào việc bảo tồn những công trình mang giá trị văn hóa-lịch sử, đồng thời có những giải pháp để điều chỉnh, cải tạo các công trình chưa hài hòa với không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Những năm qua, thành phố Hà Nội từng thực hiện một số dự án chỉnh trang khu vực chung quanh hồ, nhưng theo nhiều chuyên gia, kết quả chưa cao do thiếu giá trị bền vững, lâu dài, bị chi phối bởi các lợi ích ngắn hạn.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng (Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam), trước đây, chung quanh hồ Hoàn Kiếm chỉ có các công trình thấp tầng. Tuy nhiên, đã có giai đoạn do buông lỏng quản lý nên nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên. “Đã đến lúc không gian nơi đây cần được chỉnh trang hài hòa, để hồ Hoàn Kiếm phát huy giá trị không gian công cộng, trở thành không gian tổ chức các sự kiện, đóng góp vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa”, KTS Tùng bày tỏ.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng), cho biết thêm: Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm đang thiếu trầm trọng các bãi đỗ xe dẫn đến phát sinh nhiều bãi xe tự phát ở phố Đinh Lễ và Cầu Gỗ. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng quanh khu vực này cũng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, gây mất mỹ quan đô thị…
Ông Phương nhấn mạnh: “Việc quy hoạch, xây dựng không gian ngầm tích hợp dịch vụ sẽ giải quyết được vấn đề này, đồng thời tính toán kết nối không gian ngầm với ga ngầm đường sắt sẽ tạo nên một hệ thống hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Để tránh lãng phí nguồn lực và tài nguyên
Từ trước năm 2020, các công trình như Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Rùa đã được công nhận là di sản văn hóa và được bảo vệ nghiêm ngặt. Sau thời điểm đó, theo Luật Kiến trúc, những công trình có giá trị trong khu vực quận Hoàn Kiếm cũng bắt buộc phải bảo tồn để giữ gìn bản sắc. Thực tế, nhiều công trình do người dân sở hữu, bị cơi nới, sử dụng tự phát khiến công tác quản lý và phát huy giá trị trong một số trường hợp còn gặp nhiều khó khăn.
Ủng hộ quyết tâm chỉnh trang không gian quanh hồ Hoàn Kiếm, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, kiến nghị, thành phố cần có một cuộc thảo luận rộng rãi và chuyên sâu để nhìn nhận thấu đáo toàn diện giá trị của hồ Hoàn Kiếm. Xác định chính xác những giá trị trường tồn và đáp ứng được nhu cầu tương lai… từ đó mới đặt ra nhiệm vụ “bỏ đi cái gì, giữ lại những gì và sẽ đầu tư xây dựng công trình gì”.
Nhìn ở góc độ văn hóa, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, ủng hộ việc xây dựng thêm các không gian cộng đồng phục vụ người dân và du khách, không gian ngầm để làm trung tâm thương mại, hầm gửi xe… Về phương án xây dựng ga ngầm trong khu vực, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, phải nghiên cứu thật kỹ, bởi công trình giao thông ngầm sẽ gây ra sự chấn động nhất định, do vậy cần phải nghiên cứu sâu về mặt kỹ thuật để không ảnh hưởng tới các di tích lịch sử, văn hóa. “Không gian quanh hồ phải được thiết kế, quy hoạch để giữ gìn vẻ đẹp vốn có, nâng cao giá trị văn hóa và cộng đồng cho nhiều thế hệ tương lai, bằng trách nhiệm với Thủ đô chứ không phải vì lợi ích vật chất”, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định.
Việc quyết định dỡ bỏ tòa nhà “Hàm cá mập” để mở rộng không gian công cộng là một bước đi dũng cảm và cần thiết. Đó cũng là một bài học đắt giá trong công tác quản lý, quy hoạch; đòi hỏi những bước đi bài bản và có tầm nhìn dài hạn hơn, để có thể tránh lãng phí nguồn lực, tài nguyên và phát huy tốt nhất giá trị của những di sản.