Bảo tàng được khởi công xây dựng năm 1915, mở cửa vào đầu năm 1919 tại địa chỉ số 02, đường 2-9, thành phố Đà Nẵng.
Tuy phần trưng bày chỉ có khoảng 400 tác phẩm nhưng người xem có thể thấy rõ ràng, đầy đủ nghệ thuật điêu khắc Chăm trong mười thế kỷ từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIV qua các thời kỳ: Mỹ Sơn E1 (nửa đầu thế kỷ VIII), Hòa Lai (nửa đầu thế kỷ IX), Đồng Dương (cuối thế kỷ IX), Trà Kiệu (cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X),Tháp Mẫm (thế kỷ XII - XIII), Po Klaung Garai (thế kỷ XIII – XIV), theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Xuân Phổ.
Tìm hiểu nghệ thuật Chăm (trong đời sống và nghệ thuật Chăm qua Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Thành phố Đà Nẵng) để thấy Chăm tiếp thu Phật giáo và Ấn Độ giáo như thế nào? Từ thế kỷ thứ 2, Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ đến thẳng Đại Việt nhưng nghệ thuật Phật giáo và nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thì lại từ Ấn Độ qua Chăm rồi mới vào Việt. Nói cách khác, người Việt lấy tinh thần nghệ thuật Phật giáo và nghệ thuật Ấn từ Chăm chứ không trực tiếp từ Ấn Độ.
Các tác phẩm trưng bày trong Bảo tàng điêu khắc Chăm như tượng thần Shiva, Ganesha, thần Vishnu, Deva, tượng hộ pháp, Brahma, Garuda... là sáng tạo của người Chăm nhưng vẫn đậm tinh thần nghệ thuật của Ấn Độ.
Ấn giáo và Phật giáo cùng được Chăm đón nhận nhưng rõ ràng Chăm nghiêng hẳn về Ấn giáo, coi Ấn giáo là quốc giáo, tất nhiên không bị động và thụ động bê nguyên xi mà hòa hợp với tín ngưỡng bản địa, thờ cúng ông bà tổ tiên và các vị thần linh. Ấn giáo trở thành vỏ bọc lên cái lõi tín ngưỡng bản địa. Hình thức tháp là Ấn Độ nhưng chức năng thờ thì khác tháp Ấn Độ.
Việt khác Chăm, Việt coi Phật giáo là quốc giáo và người Việt không theo Ấn giáo.
Qua nghệ thuật điêu khắc Chăm để thấy nghệ thuật điêu khắc Việt, đó cũng là một cánh cửa nữa mà Bảo tàng Điêu khắc Chăm mở ra cho du khách. Như đã nói, người Việt tiếp thu tinh thần nghệ thuật của Ấn Độ gián tiếp qua Chăm hóa ra lại hay. Ánh sáng nghệ thuật Ấn Độ khúc xạ qua Chăm rồi phản chiếu vào Việt làm ra sự khác biệt quý giá của nghệ thuật Việt với nghệ thuật Ấn và nghệ thuật Chăm. Trong Việt có Ấn có Chăm nhưng chất Việt vẫn là chủ đạo.
Thí dụ như Tượng Kinnari (đầu người mình chim đang chơi trống) ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh hoặc hình tượng vũ nữ (tháp Chương Sơn, Nam Định) không quá chính xác, căng mọng, kỹ lưỡng như Ấn, như Chăm.
Ấn giáo và Phật giáo cùng vào Chăm nhưng Ấn giáo dừng lại ở Chăm, Ấn giáo không thông qua Chăm vào Việt mà chỉ còn Phật giáo đi tiếp vào Việt là một nguyên nhân nữa làm cho nghệ thuật Việt có Ấn có Chăm nhưng vẫn khác Ấn, khác Chăm. Nhiều thứ người Việt học người Chăm từ đời sống (cấy vụ lúa Chiêm, đào giếng) đến nghệ thuật (ca nhạc, vũ điệu...). Có thể thấy âm hưởng Chăm trong quan họ, vũ điệu trong Chèo nhất là Chiếng Chèo Đoài nơi mà từ thế kỷ XI đã có nhiều người Chăm sống ở đó...
Người Việt học Chăm bằng cách sáng tạo lại Chăm một lần nữa. Rồng, voi, sư tử, chim thần Garuda của Chăm khác Việt. Người Việt coi đó là đề tài để “đục đẽo” đề tài ấy - theo tinh thần khác. Tháp của Chăm (tháp Mẫm ở Bình Định, tháp Bà PoNagar ở Nha Trang) khác với tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc, tháp Phổ Minh ở Nam Định, tháp Báo Nghiêm ở chùa Bút Tháp, Hà Bắc. Linga và Yoni của Chăm (Bình Định, thế kỷ thứ XII) khác với Linga, Yoni của Đại Việt (cột biểu chùa Dạm, thế kỷ XI, Bắc Ninh).
Đại Việt ba lần thắng Nguyên ngoài quân sự là thắng bằng văn hóa. Đại Việt chinh phục Chăm thì lại bằng “học” Chăm, bằng giao lưu, bằng tiếp biến văn hóa.
Một nét độc đáo của Bảo tàng Điêu khắc Chăm là những ô cửa rộng so với tỷ lệ của các bức tường và ngôi nhà, sân vườn cũng rộng và trồng nhiều cây, nhiều nhất là cây hoa đại, người Nam gọi là hoa sứ hoặc còn gọi là hoa Chăm pa. Chắc hẳn đó không chỉ là vô tình.