Khảo cổ Hoàng thành Thăng Long

Bao giờ hết cảnh “sờ voi”!

Kết quả khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long lại vừa được công bố, có thêm những hiện vật mới được phát hiện. Tuy nhiên, tiến độ khai quật, rồi chuyện nên khai quật theo hướng nào là vấn đề còn khúc mắc.

Chúng ta có nên khai quật mỗi chỗ một ít không, hay tập trung làm rõ một số vấn đề cụ thể?
Chúng ta có nên khai quật mỗi chỗ một ít không, hay tập trung làm rõ một số vấn đề cụ thể?

Dấu tích mới và những câu hỏi mới

Điều đặc biệt nhất trong đợt khai quật khảo cổ năm 2018 tại công trường phía đông bắc điện Kính Thiên vừa mới được công bố là việc tìm thấy dấu tích của một ao, hồ được kè đá cẩn thận. Dấu tích này được nhiều nhà khoa học nhận định là một ao, hoặc hồ nước, khi được thiết kế uốn lượn đẹp mắt, niên đại khoảng thế kỷ 17-18 thời Lê trung hưng. Khu vực này còn có phế tích của những bồn hoa, cũng cùng niên đại kể trên.

Việc hồ, ao này khi thi công đã cắt, phá nhiều dấu tích kiến trúc của các thời kỳ trước đó, theo TS Bùi Minh Trí, phát hiện này cho thấy, vào thời Lê trung hưng, đã có sự thay đổi quy hoạch của Hoàng thành Thăng Long. Bởi vậy, một số nhà khoa học đề nghị khai quật mở rộng khu vực này để nhận diện rõ hơn giá trị kiến trúc. Tuy nhiên, khu vực phát hiện hồ nước nằm ở phía đông bắc, tức phía sau, bên trái nền điện Kính Thiên. Cũng chính vì lý do này, làm xuất hiện những tranh luận. GS Lê Văn Lan cho rằng, theo nguyên tắc bố trí cung điện phương Đông, phía sau điện Kính Thiên sẽ là khu vực hoàng gia sinh sống. Tại đây diễn ra các hoạt động của hậu cung. Khu vực sau điện Kính Thiên có lầu Công chúa là một thí dụ điển hình. Trong sử sách, phía sau điện Kính Thiên, chếch bên trái có điện Vạn Thọ, là nơi ở của vua. Trước điện Vạn Thọ có một hồ lớn. GS Lê Văn Lan dí dỏm đặt giả thiết có thể khu vực này là nơi sinh hoạt của các cung nữ. Giả thiết về khu vực hậu cung càng có cơ sở hơn khi tại đây xuất hiện nhiều hiện vật gốm liên quan đến sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, khu vực trước nền điện Kính Thiên vốn ít thấy các hiện vật gốm sinh hoạt. Điều này được giải thích bởi không gian trước điện Kính Thiên là nơi dành cho các hoạt động chính trị.

Như vậy, những cuộc khai quật tiếp theo sẽ được xác định theo hướng nào? Nếu ý kiến GS Lê Văn Lan là đúng, thì chúng ta có nên tiếp tục hành trình khám phá… hậu cung của vua chúa thời xưa hay không, hay sẽ hướng tìm kiếm sang khu vực khác? Vấn đề là, đây chỉ là một trong những khúc mắc đặt ra trong quá trình khai thác, phát huy các giá trị của Hoàng thành Thăng Long.

Băn khoăn định hướng khai quật

Năm 2010, di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Phần giá trị nhất của Hoàng thành không phải những công trình nổi còn tồn tại, mà là những bí ẩn trong lòng đất. Bởi vậy, khai quật khảo cổ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nhận thức rõ hơn về giá trị Hoàng thành Thăng Long; nhất là khi không gian của các công trình quan trọng nổi bật như điện Càn Nguyên (thời Lý), điện Thiên An (thời Trần), điện Kính Thiên (thời Lê) - nơi thiết triều của vua, chưa được làm rõ, và cũng có thể thay đổi vị trí, quy mô, qua các thời kỳ. Diện tích của khu vực được công nhận di sản Hoàng thành Thăng Long rộng khoảng 20 ha, gồm hai khu vực: khu khảo cổ số 18 Hoàng Diệu và khu vực vốn quen gọi là Thành cổ, tại số 9 Hoàng Diệu, nơi có các di tích nổi quan trọng như: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc... Đây chính là khu vực diễn ra các hoạt động khai quật liên tục trong nhiều năm qua.

Do diện tích quá rộng, nên mỗi năm, các nhà khoa học thường chọn một khu vực nhất định để khai quật. Những năm trước, các nhà khoa học tập trung khai quật không gian từ Đoan Môn đến trước điện Kính Thiên. Tại đây, phát hiện lớn nhất là đường nước lớn thời Lý, những hố trụ móng khổng lồ đời Lý, Trần. Với đời Lê, phát hiện quan trọng nhất là hệ thống hành lang, nền gạch thời Lê, Lê trung hưng. Những phát hiện này cho ta hình dung về không gian rộng lớn của sân Đan Trì trước điện Kính Thiên. Nhưng mấy năm trở lại đây, các nhà khảo cổ lại tập trung khai quật khu vực phía sau điện Kính Thiên, chếch về bên trái. Mỗi lần khai quật lại có thêm những hiểu biết mới, những khám phá mới. Tuy nhiên, bất cập xảy ra là, trong khi những câu hỏi đặt ra trong khai quật khảo cổ ở phía trước điện Kính Thiên vẫn chưa được giải đáp, thí dụ như vai trò của đường nước lớn thời Lý, hệ thống trụ móng khổng lồ thời Lý - Trần là dấu tích của kiến trúc gì, giới hạn của chúng tới đâu, thì những cuộc khai quật thời gian gần đây lại làm nảy sinh thêm những câu hỏi mới.

Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, để có thể hiểu thấu đáo về những phế tích kiến trúc trong lòng đất, làm cơ sở cho việc tiến hành phục dựng, phải mất vài chục năm. Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, thời gian để khai quật toàn bộ khu vực Thành cổ của Việt Nam cũng thế. Dẫu biết sẽ tốn nhiều thời gian, song, chúng ta có nên khai quật mỗi chỗ một ít không, hay tập trung làm rõ một số vấn đề cụ thể? Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, bao giờ mới hết cảnh “sờ voi”? Vấn đề đặt ra trong đợt khai quật khảo cổ năm 2018 thể hiện rõ nét nhất những khúc mắc. Đợt khai quật năm 2017, 2018 còn một giá trị lớn nữa là cho ta hình dung rõ nét về trang trí kiến trúc thời Lê (trước đây, ta chỉ tìm được phế tích là những hố trụ móng là chủ yếu). Nếu tiếp tục khai quật mở rộng khu vực phía đông bắc, ta sẽ hiểu thêm về một số cung điện đã ghi trong sử sách (có thể gồm cả những khám phá về hậu cung), song lại có nguy cơ lùi xa hơn khu vực quan trọng nhất của Hoàng thành, là khu điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên là nơi thiết triều, và hiện là nơi cần làm rõ giá trị hơn cả, tiến tới có thể phục dựng để nhân dân và khách tham quan có thể hiểu rõ hơn về Hoàng thành xưa.

Đây là lý do mà nhiều nhà khoa học như GS Hoàng Văn Khoán, TS Bùi Minh Trí… đề xuất, phải tổng kết lại những kết quả khai quật, từ đó, đề ra chiến lược khai quật khảo cổ hợp lý, thay vì cứ đi lan man như hiện tại.