Bản lĩnh của những giọng ca

Vài năm gần đây, rộ lên hiện tượng ca sĩ trẻ hát không rõ lời, như một thứ mốt. Khán giả nhận thấy một vài ca sĩ đã có vị trí nhất định trong nghề nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này, hát không còn nét từng âm tiết nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Cách hát không rõ lời dễ dàng dung dưỡng cho lối phát âm sai lệch tiếng Việt. Nguồn: YouTube
Cách hát không rõ lời dễ dàng dung dưỡng cho lối phát âm sai lệch tiếng Việt. Nguồn: YouTube

Mốt hát "không mở miệng"

Khán giả, báo chí từng lên tiếng về hiện tượng này. Nhưng những ca sĩ đó vốn có một lượng người hâm mộ trung thành, những người hình như không quá quan tâm tới việc thần tượng của họ hát gì, phát âm ra sao, miễn thần tượng ra bài mới là lao vào "cày" để tăng lượt xem. Vả lại, các video ca nhạc (MV) giờ đây đều có chạy phụ đề, người xem được giải đáp ngay nên cũng không thắc mắc nhiều nữa. Có ca sĩ còn "lý luận": hát như thế để khán giả phải nghe đi nghe lại, nhằm tăng lượt nghe/xem cho bài hát/MV(!)

PGS, TS Nguyễn Thị Phương Thùy, Giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng chia sẻ với người viết về tình trạng "người bản ngữ thâm niên 40 năm dùng tiếng Việt mà vẫn không nghe nổi ca sĩ Việt hát gì". "Tôi phải nghe bài Hãy trao cho anh của Sơn Tùng-MTP đến lần thứ ba mới hiểu hết lời hát. Đấy là tôi cố gắng nghe đấy, nếu ngồi quán cà-phê nghe lướt thì chịu. Tiết tấu nhanh chậm không quan trọng, vấn đề là phát âm phải rõ, ít nhất 70-80%, để người ta nghe được", bà Thùy nói.

Thực tế, lối hát được mô tả là "không cần mở miệng" này vẫn tiếp tục biến tướng tới mức nếu không có phụ đề, chắc chắn người nghe không thể nào hiểu được ca sĩ hát gì. Vì ngoài việc cố tình nhai nuốt chữ, một số ca sĩ còn sử dụng kỹ xảo phòng thu để cho tiếng bị méo hơn nữa. Chưa kể, lại còn đan xen ngoại ngữ trong ca từ, phổ biến là tiếng Anh.

"Tròn vành rõ chữ" vốn là một tiêu chuẩn quan trọng trong ca hát được ông cha ta đúc kết từ lâu. Tiếng Việt thuộc ngôn ngữ đơn âm. Mỗi âm tiết trùng với một từ có nghĩa hoặc một hình vị cấu thành nghĩa của từ ghép. Trong tiếng Việt, không có quy tắc nối âm hay nuốt âm như tiếng Anh. Vì vậy, tiếng Việt sẽ khó được nhận dạng nếu ranh giới giữa các âm tiết bị xóa nhòa, như ca sĩ Ánh Tuyết mô tả: "Hát trệu trạo không rõ chữ, rõ lời, mới nghe, tưởng tiếng nước ngoài".

Trau chuốt từng chữ giúp cho ca sĩ đẩy mạnh cảm xúc của bài hát dựa theo nội hàm của lời ca. Đây là cách biểu cảm mà các giọng hát hàng đầu được mệnh danh là "diva", "divo" của nhạc Việt hiện đang dùng. Cũng có không ít ca sĩ (thường là ở hải ngoại) không bộc lộ trực tiếp cảm xúc theo ca từ mà tập trung khai thác cảm xúc từ giai điệu. Lối hát này phù hợp với dòng nhạc tình, tiết điệu dàn trải. Ở cả hai trường phái này, sự tròn vành rõ chữ vẫn được bảo đảm. Gần đây, một số ca sĩ trẻ trong nước bắt đầu áp dụng cách hát nhấn vào giai điệu hơn lời ca. Nhưng một số ca sĩ trẻ hơn có phần lạm dụng hình thức nhả chữ này. Theo ca sĩ Ánh Tuyết: "Để có được lối phát âm nhẹ nhõm, như chơi mà vẫn tròn vành rõ chữ là bản lĩnh của những giọng ca đã thành danh. Nó là kết quả của sự tìm tòi, rèn luyện lâu dài hoặc do khả năng bẩm sinh. Nhưng những người sau thấy người đó nổi tiếng bèn bắt chước, học theo một cách không suy nghĩ". Và tệ hơn nữa, cách hát này dễ dàng dung dưỡng cho lối phát âm sai lệch tiếng Việt. Tức là không phải người hát không muốn, mà thực ra là không thể phát âm tiếng Việt cho chuẩn khi hát.

Bản lĩnh của những giọng ca ảnh 1

Cách hát không rõ lời dễ dàng dung dưỡng cho lối phát âm sai lệch tiếng Việt. Nguồn: YouTube

"Tiếng ta" là văn hóa ta

Tình trạng người Việt nhưng không nói/hát sõi tiếng Việt có thể bắt nguồn từ việc giới trẻ ngày nay tập trung luyện phát âm tiếng Anh quá nhiều trong khi không được luyện phát âm tiếng Việt. Đặc biệt, các ca sĩ hát nhạc nhẹ, nhạc trẻ thường xuyên nghe nhạc tiếng Anh, rất có thể dần dần vô tình bị ảnh hưởng. Người ta cho rằng, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, đương nhiên không cần luyện... dẫn đến các lỗi sai tự nhiên: "ngọng", "đớt", "đầy lưỡi", "ngắn lưỡi". Vài lỗi phát âm kiểu phương ngữ, như "tim" thành "tiêm", "em" thành "iem" cũng vẫn còn rơi rớt ở một số ít ca sĩ.

Ngày nay, có không ít thí dụ cho thấy các ca sĩ không để tâm chỉnh sửa phát âm để rồi đến khi thành danh, vẫn mang những cố tật đó lên sân khấu. Chẳng hạn phát âm "t" hay "x" thành "th", thậm chí "ch" thành gần như "gi". Những lỗi này có thể được tìm thấy trong một vài bài thuộc dự án "làm mới nhạc Trịnh" của một số giọng ca GenZ (sinh sau năm 1995). Thậm chí, có người còn cố tình không đóng chữ khi hát, vi phạm trầm trọng quy tắc phát âm tiếng Việt nhưng các sản phẩm vẫn được phát hành chính thức, quảng bá rình rang.

Tất nhiên, một số ca sĩ nhận rõ lỗi phát âm của mình là một nhược điểm cần khắc phục. Chẳng hạn, Bằng Kiều thừa nhận bị loại khỏi cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991 vì hát không rõ lời; đây là hậu quả của quá trình anh liên tục hát tiếng Anh tại các tụ điểm ở Hà Nội. Sau đó, anh đã quyết tâm thay đổi để đạt được thành công như bây giờ. Ca sĩ trẻ Erik mới đây cũng tâm sự trên truyền thông: "Thật sự, nhiều lúc tôi rất bất lực, không hiểu vì sao mình là người Việt nhưng phát âm tiếng Việt lại không được tròn trịa". Để khắc phục, Erik nhờ đồng nghiệp nghe và sửa giúp, thậm chí còn tạm ngừng nhận sô phòng trà để dành thời gian tập trung sửa phát âm.

Dù ở thời nào, người Việt, chưa nói tới ca sĩ, cũng cần giữ tiếng Việt bắt đầu từ ý thức phát âm chuẩn. Bởi như học giả Phạm Quỳnh từng nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn".