Bài học đắt giá cho sự tùy tiện

Một tác phẩm nghệ thuật được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng đã bị hư hại tới 30% “phần hồn”, 15% “phần xác”. Các nhà chuyên môn thì nhận định khó có thể phục hồi nguyên trạng. Đáng tiếc tới xót xa khi những mất mát được cảnh báo là buộc phải chấp nhận này lại đến từ sự tùy tiện trong công tác bảo quản.

Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc” trước (dưới) và sau khi “vệ sinh” (trên). Ảnh: LÊ CÔNG SƠN
Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc” trước (dưới) và sau khi “vệ sinh” (trên). Ảnh: LÊ CÔNG SƠN

Khi bảo vật quốc gia “kêu cứu”

Năm 1990, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã mua tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Đây là tác phẩm có thời gian sáng tác dài nhất, từ năm 1969 đến 1989, có kích thước lớn nhất, 200 x 540 cm, kỹ lưỡng nhất và là một trong những tác phẩm cuối cùng của danh họa Nguyễn Gia Trí. Tranh được sáng tác từ giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Năm 2013, Vườn xuân Trung Nam Bắc được công nhận là Bảo vật quốc gia. Theo họa sĩ, NGND Uyên Huy (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh), từng có rất nhiều người nước ngoài muốn sở hữu bức tranh này. Nếu UBND thành phố Hồ Chí Minh không quyết liệt và kịp thời mua lại thì nay bức tranh có lẽ đã không còn ở trong nước nữa.

Họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) cho rằng, 50% giá trị và thương hiệu, uy tín của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh có được là nhờ bức tranh này.

Thế nên, thông tin việc “vệ sinh” không đúng cách làm tổn hại nghiêm trọng đến giá trị tác phẩm đã khiến cho không chỉ giới chuyên môn cảm thấy xót xa mà cả công chúng yêu mỹ thuật vô cùng bức xúc.

Theo kết luận của đoàn kiểm tra do Bộ VHTTDL thành lập, bức tranh đã bị hư hại khá nhiều cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Nguyên nhân là do, công việc bảo quản phòng ngừa, vệ sinh tác phẩm đã được Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh giao ông Lưu Minh Phụng, một người thợ sơn mài ở TP Hồ Chí Minh. Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Lưu Minh Phụng đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2.000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh...

Giới chuyên gia mỹ thuật lưu ý, việc vệ sinh tác phẩm hội họa sơn mài đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ về đặc thù riêng trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài của mỗi tác giả. Ở trường hợp này, sự tùy tiện, thiếu hiểu biết của người thực hiện việc vệ sinh tác phẩm đã làm mất đi lớp sơn bề mặt của bức tranh, nên sự tinh tế liên kết giữa các mảng son, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí đã không còn.

“Bức tranh bảo vật quốc gia này đã bị mất đi rất nhiều giá trị, đau xót hơn là có thể sẽ không thể nào phục hồi nguyên trạng tác phẩm như trước. Nếu họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn sống thì có thể nhờ tác giả can thiệp, phục hồi được một phần nào đấy, mặc dù chắc chắn không thể 100% như cũ. Nghĩa là, phải chấp nhận những mất mát ở Bảo vật quốc gia này”, họa sĩ Vi Kiến Thành nói.

Theo ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng sẽ lập đề án tu sửa tác phẩm và trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Cùng với việc tổ chức hội thảo khoa học, họp hội đồng chuyên môn… theo đúng trình tự để hoàn chỉnh hồ sơ tu sửa tác phẩm, Bảo tàng sẽ mời họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, học trò và cũng là người từng có thực tế làm việc với cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí trực tiếp tham gia thực hiện việc tu sửa. Công việc này sẽ được tiến hành với sự giám sát chặt chẽ của hội đồng chuyên môn nhằm bảo đảm yêu cầu.

Khoảng trống đáng báo động

Sau vụ việc đau xót này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng, kiến nghị Cục Di sản Văn hóa sớm tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia. Lẽ ra, tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí cần được ứng xử xứng đáng với vị trí, tầm vóc của một Bảo vật quốc gia.

Đây cũng là một bài học đắt giá trong công tác bảo quản, tu sửa các tác phẩm hội họa tại các bảo tàng. Nhưng, chúng ta buộc phải thừa nhận một sự thật là trình độ của đội ngũ phục chế tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam đang rất có vấn đề.

Lâu nay, bảo quản và phục chế vẫn luôn là nỗi băn khoăn, bức xúc của nhiều bảo tàng và người yêu mỹ thuật. Với điều kiện thời tiết, khí hậu của Việt Nam, nhiều bảo tàng đang gặp khó khăn khi chưa có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm lưu giữ tốt số lượng lớn các tác phẩm hội họa. Điều đó dẫn tới sự xuống cấp của nhiều hiện vật trưng bày. Trong khi, chuyên ngành phục chế tác phẩm mỹ thuật vẫn chưa được quan tâm, chú ý đúng mức ở Việt Nam, nên hiện rất thiếu thốn cả về nhân lực và điều kiện kỹ thuật. Duy nhất, chỉ có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thành lập được Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật. Và hầu hết các tác phẩm có giá trị, khi bị hư hỏng nặng vẫn phải trông đợi vào sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Như bức tranh Em Thúy (họa sĩ Trần Văn Cẩn) có sự hỗ trợ của các chuyên gia Ô-xtrây-li-a. Bức Mẹ con (họa sĩ Lê Thị Kim Bạch), Uống rượu cần (họa sĩ Kà Kha Sam) có sự phối hợp phục chế của các chuyên gia Đức…

Để các tác phẩm sau phục chế vẫn giữ được thần thái, không tạo cho người xem cảm giác lạ lẫm, việc phục chế các tác phẩm hội họa ngoài đòi hỏi tay nghề cao và cần cả sự nhạy cảm để có thể “đọc” được tác phẩm. Qua thực tế hỗ trợ phục chế một số tác phẩm ở Việt Nam, nhiều chuyên gia nước ngoài khuyến cáo, Việt Nam cần thành lập một trung tâm quốc gia về bảo quản, phục chế các tác phẩm hội họa với trang thiết bị tốt và đội ngũ có trình độ. Nếu không chú trọng kịp thời đến việc này, thì những mất mát không thể cứu vãn được như trường hợp Vườn xuân Trung Nam Bắc, chắc chắn, vẫn có thể diễn ra.