Để ý bữa ấy nhà sử học Dương Trung Quốc... "chăm chỉ" nhất với mấy món chay của ông Trường, chả thiết đụng đũa đến các món mặn. Nhớ lại những bữa ăn trưa đầu tiên của đoàn tại khách sạn Trường Sa ở Cam Ranh (Khánh Hòa) trong thời gian chờ xuống tàu, lúc nào cũng thấy mái đầu bạc "riêng có" của vị cựu Đại biểu Quốc hội nơi bàn chay của các sư thầy. Đến hôm tổng kết hành trình, ông Quốc mới kể lại về "phép màu" mà ông có được từ chuyến đi Trường Sa lần thứ ba này. Số là sau khi bị Covid-19, sức khỏe ông giảm sút nghiêm trọng, riêng cái chân thì cứ bại đi, đi đứng rất khó khăn. Vào đến Cam Ranh, cảm thấy sức khỏe không bảo đảm nên ông tính chuyện "xin rút". "Nhưng rồi mấy bữa ở Cam Ranh, gặp các thầy và ngồi thụ hưởng các thức chay với các thầy thì tự nhiên con người tôi thay đổi, và sức khỏe hoàn toàn trở lại bình thường" - ông hào hứng kể - "Tôi cũng thậm chí không có một chút cảm giác là say sóng nó như thế nào dù cố thử hồi hộp... chờ đợi".
Chuyến ra Trường Sa của chúng tôi xuất phát từ tuần cuối tháng 6 vừa rồi. Đây có thể nói là đoàn công tác cuối cùng ra thăm quần đảo trong năm 2022. Thời điểm cuối năm thường dành cho những chuyến tàu vận tải, chuyển quân. Bởi lúc này chỉ những người lính hải quân chuyên nghiệp mới chịu nổi sóng gió.
Nên trong hành trình, đoàn chúng tôi phải neo đậu tránh trú nơi âu thuyền đảo Đá Tây A gần hai ngày đêm, bởi ảnh hưởng cơn bão Chaba (số 1) trên Biển Đông. Đủ để thấm những cơn sóng khổng lồ quăng quật ai nấy mệt lử. Tổng kết lại, Đoàn công tác số 10 đã hành trình liên tục 241 giờ, vượt qua 1.150 hải lý, nhổ và thả neo 26 lần, đưa đón 1.582 lượt đại biểu lên xuống các đảo...
Nhưng đặc biệt hơn cả, đó là trong số 226 thành viên của đoàn thì có tới 39 vị cao tăng thuộc Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo hàng chục tỉnh, thành phố. Các sư thầy ra đây để làm lễ khánh thành ba ngôi chùa Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A, trong tổng số chín ngôi chùa Việt được tu bổ, phục dựng sừng sững nơi quần đảo Trường Sa như những cột mốc tâm linh của Tổ quốc. Cả chín ngôi chùa ở Trường Sa đều do ông Nguyễn Xuân Trường phát tâm đầu tư phục dựng, liên tục từ năm 2009 đến nay...
*
Những buổi sáng tinh mơ mò lên nhà bếp của tàu Trường Sa 571 xin nước sôi pha trà, cà-phê, tôi thấy bóng dáng cao lớn trong bộ đồ nâu của bếp trưởng Nguyễn Văn Thịnh cùng mấy anh chị em giúp việc chuẩn bị bữa chay sáng cho các thầy. Những chiếc nồi lớn nghi ngút khói nóng hừng hực. Nơi boong tàu mấy chị em lúi húi ngồi nhặt rau, rửa củ quả...
44 tuổi, quê Nam Định, Thịnh là Bếp trưởng của Khách xá Bái Đính đã nhiều năm nay. Chuyến đi Trường Sa lần đầu tiên này, anh bảo chủ yếu là để tham quan. "Nhưng khi lên tàu thấy bộ đội nấu chay không quen, các thầy không ăn được, nên em được cử làm. Và gọi mấy bạn cùng làm". Mấy bạn đó là đầu bếp Đỗ Văn Dương và mấy chị em cũng người của Bái Đính.
Vui chuyện, Thịnh kể nhiều chuyện kỳ thú về việc nấu nướng đồ chay trên con tàu đang băng băng giữa sóng gió đại dương này. Rằng tàu vốn chỉ phục vụ các khách ăn mặn, nay lần đầu tiên có đoàn các sư thầy đông như vậy nên việc nấu nướng cũng thay đổi. Tàu chỉ có một cái bếp thôi, là bếp điện, nên chủ yếu nấu chung cùng các anh nuôi. Thường là đợi bộ đội nấu xong mình mới nấu. Nhưng để bảo đảm đúng bữa cho các thầy, nên nhóm bếp nhà chùa phải tranh thủ nấu ca trước. Như bữa sáng, từ 4 giờ sáng đã phải dậy để nấu, với các món như phở, hoặc bún chay. Xong rồi bộ đội mới nấu sau. Cũng hay là đoàn nhà chùa có mang theo bếp ga dự phòng, nên lắp thêm cái bếp ga để nấu những món chay nhẹ.
"Có những hôm sóng to lắc tàu chao đảo còn đánh bay cả nồi. Nên mỗi lần đặt xoong lên bếp tụi em phải dùng dây để chằng lại. Như sáng hôm ấy nồi nước bún đã nấu xong, vừa bước ra để chia phần thì bị sóng đánh đổ luôn. Sau đó em phải thay bằng món... nước sôi mì tôm mới kịp thời gian để nhường bếp cho các anh nuôi. Vì nước bún chay nấu công phu, phải hầm rau củ quả cho mềm và ngọt nước".
Rồi Thịnh nhẩm tính, rằng ban đầu chuyến đi ấn định khoảng 12 ngày, nên ngay từ khi ở nhà ban tổ chức đã lên một danh sách thực đơn sẵn theo từng bữa, từng ngày, tiêu chuẩn suất ăn cho các thầy là đủ cho ba bữa. Từ đó ấn định số lương thực, thực phẩm mang từ bắc vào. Tổng cộng khoảng một tấn, gồm ngũ cốc như gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, đậu lạc, đỗ đen, vừng và các loại rau lá, củ quả, tương chao, đậu phụ... Muối vừng mang theo khoảng 30 cân, 2,5 tạ đậu phụ. Đậu xanh, đậu đen bóc vỏ sẵn để nấu cháo, chè, xôi, bánh đậu xanh. Ngoài ra còn có món "lạ" với nhiều nơi là sung kho (quả sung muối xong đem kho ráo nước, đóng hộp sẵn). Thịnh bảo, đồ chay mang theo ở đây toàn bộ tự chuẩn bị, chứ không mua đồ chay đã chế biến sẵn.
Dù đã lên thực đơn sẵn từ nhà theo từng bữa, từng ngày, nhưng khi lên tàu các thầy cũng có yêu cầu thêm nên phải thay đổi. Như thầy ở miền nam thì thích ăn ngọt hơn, hoặc mềm, đồ xốp nhiều. Các thầy miền bắc ít quen ăn ngọt, mà thường "chịu" các món kho, đồ muối hơn. Trong đoàn cũng có không ít người muốn ăn đồ chay và cũng được đáp ứng đầy đủ.
Nhớ lúc đoàn chờ xuất phát ở Cam Ranh thì có người dính Covid-19. Thế là lịch trình phải lui lại trên bờ thêm gần hai ngày nữa. Mấy ngày ấy tôi để ý thấy Thịnh và các nhân viên Xuân Trường tất tả cùng anh em Hải quân Vùng 4 lên xe chạy ra chợ bổ sung rau củ quả dự phòng.
Nhớ buổi trưa nóng bức ấy ở chùa Song Tử Tây, sau lễ chùa ai nấy đều tranh thủ được "thụ lộc" là những chén chè chay ngọt ngào thơm mát. Hương vị được mang ra từ đất liền xa xôi và được nấu ngay trên con tàu chao lắc ngả nghiêng giữa những ngọn sóng lớn đại dương...
Nhưng rồi vì "dính" bão số 1, hải trình lại dài thêm, nên những ngày cuối đồ chay thiếu hụt. Thịnh bảo mấy ngày cuối thực phẩm chay cạn dần, phải tính toán rút bớt thực đơn. Tức là không còn món ăn khai vị, món ăn "chơi" nữa, mà chỉ có những món chính để ăn với cơm. Cố gắng thu vén làm sao còn 2-3 món chính để bảo đảm dinh dưỡng cho các thầy. "Trên tàu có một kho lạnh để giữ thực phẩm. Nhưng những đồ như rau lá dễ hỏng vẫn phải xếp thực đơn ăn trước, để không để bị vàng héo vứt đi, còn củ quả ăn về sau. Nên mấy bữa cuối cùng chỉ còn củ quả, khoai tây, cà rốt, bí đỏ bí xanh thôi. Hôm đó rau lá các thầy xin thì đâu còn nữa, quá quý luôn", Thịnh bật cười.
Ở Trường Sa, lên đảo nào tôi cũng ghé mắt vào... bếp các sư thầy trụ trì để hỏi chuyện ăn uống. Trong gian nhà trù (bếp) khang trang ở chùa Trường Sa Lớn, sư thầy Nhuận Đạt chỉ vào mấy thùng đồ, tươi cười bảo rằng đây là "hàng tiếp tế" mới đưa từ tàu lên. Thầy Nhuận Đạt quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) năm nay mới 34 tuổi đã trụ trì liên tục trên quần đảo này 10 năm liền. Trong đó có 8 năm trụ trì chùa Song Tử Tây. Cứ khoảng vài tháng các thầy trụ trì ở chín ngôi chùa ở Trường Sa được tiếp tế lương thực, thực phẩm khô một lần. Ngoài ra các thầy linh động gửi nhờ các tàu hàng, tàu cá của ngư dân mua thêm đồ ăn thức uống chay. Trên các đảo, mỗi tháng hai lần bộ đội chiến sĩ làm đậu phụ đem đến cho các thầy.
Theo thầy Tâm Thành ra vườn rau sau lưng chùa Sinh Tồn. Thầy chỉ vào vạt rau ngót với mấy gốc cà pháo, bảo rằng do thổ nhưỡng, nước tưới, ở đây chỉ trồng được chừng này thôi. Nhưng ở chùa Trường Sa Đông, vườn rau của thầy Quy Nghĩa lại sum suê phong phú, với bí đỏ, giàn mướp, cải xanh, mướp đắng, ớt, rau thơm... Do điều kiện đất đai ở đây tốt hơn các đảo khác. Trong các món quà mà đoàn gửi tặng cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa, tôi để ý thấy có "món" hạt giống các loại rau. Những hạt mầm nhỏ xíu góp phần nuôi dưỡng mầu xanh, sự sống và hương vị đời sống nơi vạn lý Trường Sa này...