Ai bảo vệ cổ vật đền, chùa?

Công tác bảo vệ sơ sài, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành dọc thờ ơ, đã khiến biết bao cổ vật đền, chùa “chảy máu”. Nỗi đau ấy, lại được khắc sâu khi thời gian gần đây, nạn đạo chích tiếp tục xâm hại chốn linh thiêng. Những nhà tu hành, người dân tâm huyết lo ngại nếu lỗ hổng quản lý không được lấp đầy, thì sẽ chẳng biết bao nhiêu cổ vật không cánh mà bay.

Đại đức Tự Tục Vinh cho biết, kẻ xấu đột nhập vào chùa từ cổng phụ.
Đại đức Tự Tục Vinh cho biết, kẻ xấu đột nhập vào chùa từ cổng phụ.

Lỏng lẻo trong quản lý

Vấn nạn mất cổ vật tại các đình, đền, chùa từng diễn ra trong nhiều năm, có lúc rộ lên lúc lại tạm lắng. Nhưng giai đoạn gần đây, tình trạng xâm phạm chốn linh thiêng diễn biến phức tạp hơn. Biết bao đền, chùa đã phải tìm cách khóa kiệu thờ, ngai, hạc thiêng, đỉnh hương, chóe… nhưng không phải nơi nào cũng tránh được cái họa bị trộm “ghé thăm”. Trong thời gian từ tháng 11-2015 đến cuối tháng 2-2016, có hơn 10 ngôi chùa trong cả nước bị trộm mất đồ thờ, cổ vật. Điển hình như tại huyện Tuy Phước (Bình Định), sáu ngôi chùa đã bị mất cổ vật trong một thời gian ngắn; chùa Kim Long ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã mất tới 39 pho tượng đồng có niên đại 300 năm. Hay chùa Nền tọa lạc tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội) cũng xôn xao chuyện mất văn bia, đồ thờ…

Nguyên do của tình trạng này, chính là cả một lỗ hổng lớn, đúng như lý giải của Giáo sư Trần Lâm Biền: Kẻ gian thì ngày càng hám lợi, tinh vi và bất chấp thì tại các địa phương, việc trông coi quản lý lại lỏng lẻo, nhiều nơi theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Đồng thời, sự thật càng sáng tỏ khi chúng tôi tìm về chùa Bổ Đà, di tích quốc gia đặc biệt thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang), nơi vừa bị trộm mất cổ vật. Đại đức Tự Tục Vinh, Trụ trì chùa Bổ Đà nhớ lại: “Lần thứ nhất vào đêm 16-1-2016, họ đột nhập vào lấy đi hai đôi lục bình cùng chiếc chóe. Sáng sau, phát hiện mất đồ, nhà chùa đi tìm, thì thấy đôi lục bình bị bỏ lại ở mé ngoài. Trong khi Công an huyện Việt Yên đang điều tra, thì đêm 13-2, chính đôi lục bình đó lại không cánh mà bay”. Còn nhớ, cũng ngôi chùa này, vào năm 2009, kẻ trộm từng vào lấy đi sáu pho tượng. Sau đó, chùa đã đề nghị chính quyền cùng bảo vệ chùa nhưng công tác này vẫn chưa được tiến hành thường xuyên. Những kiến nghị về phương pháp bảo vệ được chùa đề xuất nhưng chậm được thực thi. Dắt chúng tôi đi quanh chùa Bổ Đà, một khu di tích có diện tích khá rộng, tứ bề cây cối rậm rạp, nhiều cổng phụ, tường đất cổ bao quanh khá thấp, có chỗ đủ để người có thể “chui” lọt…., đại đức Tự Tục Vinh than rằng, cứ thế này, e rằng, chỉ riêng người tu hành chúng tôi không thể bảo vệ được ngôi chùa. Đây cũng là tâm sự của sư thầy Thích Đàm Dương, Trụ trì chùa Ninh Khánh (huyện Việt Yên). Sư thầy phải thốt lên: “Việc trông coi nhà chùa hiện chỉ có hai người, đều là nữ. Ban đêm kẻ trộm vào, chỉ lo việc giữ tính mạng đã khó, nói gì đến bảo vệ cổ vật!”.

Điều khó khăn trong công tác bảo vệ chùa phần nào đến từ một nghịch lý, dù được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, nhưng đến nay chùa Bổ Đà vẫn chưa có ban quản lý di tích. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, dù xã Tiên Sơn chưa xây dựng được ban quản lý di tích như văn bản yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) yêu cầu, nhưng kỳ lạ thay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Việt Yên vẫn báo cáo cấp trên đã có. Chuyện “không có ban quản lý báo cáo thành có”, tiếc thay lại diễn ra ở khá nhiều địa phương của tỉnh Bắc Giang.

Cần truy rõ trách nhiệm

Có đúng là chính quyền địa phương quá coi nhẹ việc quản lý các cổ vật tại đền chùa hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã làm việc với ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn (Việt Yên). Ở góc độ chính quyền xã, ông Vĩnh thừa nhận là rất áy náy khi mất cổ vật tại di tích quốc gia. Nhưng ông cũng lại trần tình: Chúng tôi nhận trách nhiệm, là đã chưa sáng suốt trong bảo vệ. Cũng vì địa bàn phức tạp, chúng tôi chưa có biện pháp nào hiệu quả, chỉ biết cố gắng hết sức, đồng thời mong cấp huyện, cấp tỉnh cùng chung tay bảo vệ di sản!? Lần theo việc xử lý mất trộm tại chùa thuộc địa phận huyện Việt Yên, chúng tôi được biết công an huyện đang tiến hành điều tra.

Thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, đã báo cáo lên Sở. Phóng viên tiếp tục liên hệ, kết nối với Sở VH, TT&DL Bắc Giang. Được lãnh đạo giới thiệu sang làm việc với phụ trách Phòng Nghiệp vụ văn hóa, câu trả lời là “trách nhiệm thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh”. Thế nhưng, khi liên hệ với bà Phùng Thị Mai Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý di tích, thì quả bóng trách nhiệm lại được “đẩy” trở lại cho lãnh đạo sở. Vòng vèo vậy, nhưng câu hỏi chúng tôi đặt ra - “Vì sao từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn Bắc Giang đã xảy ra hơn 50 vụ mất trộm cổ vật trong đình, chùa nhưng không tìm ra thủ phạm?” hay “Ngành văn hóa đã làm những gì nhằm bảo vệ di tích?”, thì vẫn không có được lời giải thỏa đáng.

Mất mát cổ vật ngoài việc do kẻ gian đột nhập trộm đồ, còn có nguyên nhân từ chính khâu quản lý, trông coi tại các đền, chùa. Chùa Nền, thuộc địa bàn phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội), đã thất thoát bốn bức tượng Phật trong Tòa Cửu Long, một bát hương đồng trạm rồng, một Văn bia từ thời kiến lập chùa Nền, bốn đạo Sắc phong. Theo đơn kêu cứu của các phật tử tại chùa Nền, sư trụ trì Thích Đàm Phương trực tiếp có liên quan đến vụ việc này. Điều đáng nói là, vào thời điểm phát hiện bị mất, năm 2011 các phật tử chùa Nền đã kiến nghị với lãnh đạo phường Láng Thượng, nhưng được trả lời trách nhiệm thuộc lực lượng công an. Cho đến đầu năm 2015, các phật tử tiếp tục gửi đơn khắp nơi và Công an quận Đống Đa đã tiếp nhận điều tra. Trả lời phóng viên, Thượng tá Lê Hữu Cường, Phó trưởng Công an quận Đống Đa, cho biết, bốn sắc phong đã được tìm thấy ngày 5-2-2016, còn những đồ thờ khác vẫn đang tiếp tục được điều tra, tìm kiếm. “UBND phường Láng Thượng cần củng cố lại ban quản lý di tích. Chúng tôi cũng mong Thành hội Phật giáo Hà Nội có quan điểm rõ ràng đối với sư Thích Đàm Phương, là người có sai phạm…, dù rằng sư đã được điều chuyển đi nơi khác”, Thượng tá Cường kiến nghị.

Để làm rõ những lỗ hổng trong quản lý, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT&DL). Ông Cường thừa nhận, từ văn bản chỉ đạo của Cục cho đến việc thực thi tại các tỉnh, thành phố vẫn còn khoảng cách, thiếu sót. Đúng ra, giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích, hoặc người được giao trông coi phải có văn bản ký kết về trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn. Không thể khoán trắng trách nhiệm bảo vệ cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích, ông Cường nói.

Thượng tọa Thích Đức Thiện

(Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Giáo hội đã thống kê số tăng ni, và rà soát, kiểm kê đồ thờ, cổ vật, để từ đó có phương án bảo vệ tốt hơn. Ở một số tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Giáo hội đã phối hợp với công an tỉnh và thực hiện khá tốt việc bảo vệ, chống mất trộm.