10 ngày nơi tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ

Trận động đất kép 7,8 độ richter ngày 6/2, đã khiến 11 tỉnh vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ rung chuyển, cướp đi sinh mạng của hơn 44 nghìn người của quốc gia này. Và để lại cho những người còn sống những ám ảnh khôn nguôi...
0:00 / 0:00
0:00
Những món quà thiết thực được gửi tới người dân vùng thảm họa, từ tay các chiến sĩ Việt Nam.
Những món quà thiết thực được gửi tới người dân vùng thảm họa, từ tay các chiến sĩ Việt Nam.

Những vết cắt đại địa chấn phía đông nam

3 giờ sáng, theo đúng hẹn, Sencer Con Alper, 34 tuổi lái chiếc xe bán tải đến đón chúng tôi tại sân bay Adana. Sau khi chất đầy hành lý, trong đó chủ yếu là máy móc lên thùng, Sencer bảo: Đường xuống Hatay, một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất sau đại địa chấn sẽ khá dài.

"Động đất đầu tháng đã xé toạc nhiều đoạn đường cao tốc. Nhưng tôi sẽ cố gắng đưa các bạn tới sớm nhất", người dẫn đường kiêm phiên dịch nói.

Trong bóng đêm loang loáng, chiếc xe lao vút về phía cực nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Càng tới sát Hatay, cảnh tượng càng trở nên u ám. Không khí đầu buổi sáng đặc quánh bởi sương và cả khói bốc lên từ những đám lửa người dân đốt để sưởi ấm qua đêm dài.

Phải hơn 8 giờ, xe chúng tôi mới tiếp cận được sát vùng tâm chấn. Thành phố cổ Antakya đón đoàn bằng một khung cảnh thê lương với những tòa chung cư ngã gục và hàng nghìn tấn gạch đá, sắt thép chồng chất như quả núi nhỏ. Dọc đường, xe cảnh sát, quân đội hú còi liên tục. Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có mặt khắp mọi nơi. Nhưng lòng Antakya thì dường như… trống rỗng.

10 ngày nơi tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1
Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam sưởi ấm dưới cái lạnh 6 độ C ở Hatay.

Từng được mệnh danh là Antioch - thành phố lớn nhất Hy La thời cổ đại, Antakya lúc này rất vắng bóng người. Những dấu vết của cuộc sống bình yên trước thảm họa vẫn còn vương lại: Một chú gấu bông vắt trên cọc thép nhọn, chiếc xe nôi đu đưa theo gió trên ban công của một ngôi nhà sắp sập, vài chiếc chăn nhàu nhĩ, lấm lem vừa kịp tung ra để chạy trốn thảm họa. Địa chấn, như một bàn tay thô bạo, giằng ngang những căn chung cư được sơn nhiều mầu, xé rách những bức tường kiên cố và ném chúng vào thành một đống đổ vỡ đầy đau thương.

Sencer bắt đầu châm thuốc hút. Anh bảo, thuốc lá của anh chính là mua từ thành phố này. Đó là đặc sản của một Antakya sầm uất trong quá khứ. Chúng tôi lặng người, mắt dõi theo những tàn tích đang mỗi lúc một trải dài ra thêm của Antioch bên bờ sông Orentos đục ngầu.

"Antakya giờ đã không còn gì", Hussein, một tình nguyện viên của Cơ quan quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) nói, mắt chăm chú nhìn vào dãy tôn đỏ bao quanh một bãi gạch đá từng là Thánh đường Hồi giáo Ulu Camii lừng danh. Văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm của thành phố đã hoàn toàn bị chôn vùi và trở thành dĩ vãng.

"Chỉ còn những nỗi buồn. Những ngày đầu, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng khóc hờn, tiếng máy móc inh ỏi để tìm kiếm người. Sau thảm họa, người dân cũng rời khỏi Antakya ra các vùng ngoại ô hoặc sang hẳn các địa phương khác để tránh nạn", Fuat buồn rầu.

Trống rỗng. Antakya buồn đến độ phải đợi rất lâu trên con đường ánh sáng Kurtulus, nơi người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin rằng là địa điểm được chiếu sáng đầu tiên vào ban đêm bởi ngọn đuốc của những quân đoàn La Mã, chúng tôi mới thoáng gặp một bóng người. Từ phía xa, Fuat, 57 tuổi, lái chiếc xe cũ mèm hơn 30 năm loảng xoảng chạy lại. Cánh cửa rung lên và chực rời ra khỏi bản lề khi ông lão đen đúa đóng mạnh. Tay cầm một bao tải lấm bùn, Fuat cùng một người bạn leo qua đống bê-tông cao ngút, men theo một ngách nhỏ vào sâu bên trong. Chừng vài phút sau, khi trở ra, nét mặt Fuat đã giãn hẳn ra khi trên tay có hẳn… năm chú gà.

"Đó là những thứ còn sót lại của tôi. Tất cả đã bị vùi lấp. Tôi sẽ mang chúng về nơi tạm trú cách đây 10km để nuôi", Fuat ném bao tải gà vào sau xe, cẩn thận kéo kính lên và nói. Lũ gà, sau một hồi loay hoay đã thoát ra, nhảy đầy lên ghế, không ngừng mổ tạch tạch vào mọi thứ có thể vì… quá đói.

Phía bên đối diện, Thánh đường vĩ đại Habibi-i Neccar với hàng nghìn năm tuổi im lìm, sứt sẹo đầy đau thương. Ngọn tháp trung tâm - biểu tượng của một Antakya vững vàng trước hàng trăm cơn địa chấn cũng đã đổ gục.

10 ngày nơi tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2
Ông Fuat và năm con gà tìm thấy được tại Antakya.

Tại Gaziantep cách đó hàng trăm kilomet, chúng tôi thậm chí còn phải rùng mình khi đi qua lòng Nurdagi. Cả thị trấn lặng thinh. Sau hơn hai tuần tìm kiếm, máy móc đã rút đi toàn bộ, trả lại cho Nurdagi những tòa nhà đổ sập lô nhô nối nhau trong ráng chiều. Tất cả đều yên lặng một cách kỳ lạ. Dường như, thời gian nơi đây đã thật sự dừng lại ở thời điểm đại địa chấn mới xảy ra, gợi lên những ký ức kinh hoàng còn chưa kịp nguội tắt… Ngay lúc ấy, chúng tôi đã nghĩ mình lạc vào bối cảnh của một serie phim ngày tận thế.

"Thị trấn mới" được bố trí cách đó chừng vài trăm mét, trên một khoảng rộng vốn là công viên trung tâm. Hơn 500 lều tạm được AFAD dựng lên, trở thành nhà chung của 2.000 người còn sống sót. Những ẩn ức kinh hoàng của đại địa chấn vẫn còn hằn rõ.

Ahmet Kaya Baba, 50 tuổi đã bật khóc khi chúng tôi hỏi về chuyện đã qua. 4 giờ 17 phút, rạng sáng 6/2, khi đang ngủ thì ông bỗng nghe thấy tiếng đổ vỡ mạnh. Ngay sau đó, mặt đất dưới chân chao đảo dữ dội. Ahmet vội vã cùng vợ và hai con chạy ra ngoài trước khi cả tòa nhà sụp đổ. Thế nhưng, cô con gái 22 tuổi Selma Kaya Anne thì mãi mãi nằm lại. Vào thời điểm ấy, ông thậm chí bất chấp nguy hiểm lao vào tìm Anne. Đến khi chạm được tay cô đang nhô ra từ hàng tấn gạch đá, Ahmet đã cố lay gọi. Nhưng đáp lại ông chỉ là những tiếng gào khóc chung quanh.

"Tôi liên tục xin Thánh Allah ban phước lành và khiến điều kỳ diệu có thể xuất hiện với con bé. Nhưng Anne không về. Con bé và chồng sắp cưới mới chỉ đính hôn vài ngày trước. Cả hai giờ đều đã mất", Ahmet thất thần kể.

Ngồi ngay đằng sau, bà Olen Kizi Betigul Kaya, vợ ông nức nở khóc. Hai người phụ nữ kế bên phải ôm chầm lấy Olen để bà không ngã xuống mặt cỏ. Trong một khoảnh khắc, tất cả những người có mặt đều lặng im.

Ahmet run rẩy rút chiếc điện thoại ra, đưa cho chúng tôi xem. Hình nền ông vẫn để ảnh của Anne trong ngày đính hôn. Cô gái xinh đẹp cười rạng rỡ, đôi mắt ánh lên niềm vui. Như cảm thấy chưa đủ, người cha mở hẳn album trong máy. Bên trong toàn hình chụp của Anne và chồng sắp cưới.

"Tất cả giờ đã không còn. Con bé còn quá trẻ để phải chết. Tôi ước gì, người ra đi thay con bé là mình", Ahmet Kaya Baba không còn giữ nổi bình tĩnh nữa.

Chuyện của Ahmet cũng là câu chuyện chúng tôi đã nghe hàng chục lần suốt hành trình vào các vùng tâm chấn. Tính đến 22 giờ (giờ Việt Nam) ngày 28/2, số người thiệt mạng trong trận động đất làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 đã tăng lên 50.325 người, trong đó riêng Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 44.374 người thiệt mạng. Riêng Nurdagi, thị trấn có khoảng 50.000 dân cũng đã mất đi tới 10.000 thành viên sau đại địa chấn. Động đất, giống như vết chém bạo tàn xẻ ngang dọc trên 11 tỉnh đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, bóp những tòa nhà móp méo và nhàu nhĩ, và để lại cho những người còn sống những ám ảnh khôn nguôi…

10 ngày nơi tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 3
Đại sứ Đỗ Sơn Hải và các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp hỗ trợ khẩn cấp

"Cảm ơn vì đã đến"

Nhưng cũng trong hoàn cảnh ấy, tinh thần Thổ Nhĩ Kỳ lại trở nên kiên cường hơn bao giờ hết. Trên các làng mạc, phố phường, người dân sẵn sàng mở cửa nhà cho các nạn nhân ở chung. Những ngọn lửa lớn được cùng nhau nhóm lên ven các con đường để tất cả mọi người cùng sưởi ấm. Một chiếc lều tạm, chiếc xe bus cũ kỹ trở thành nơi ở của hàng chục con người không cùng chung huyết thống… Hàng nghìn chỗ ở miễn phí tại các thành phố lớn như Istanbul, Ankara, Adana… cũng sẵn sàng cho những người còn sống sót chuyển tới.

Thậm chí, không ít người đã gạt đi nỗi đau mất người thân để chung tay cùng đồng bào mình. Sau đại địa chấn, Tuncer Emlak, phóng viên Thời báo Baba Haber của tỉnh Gaziantep đã mất đi gần 20 người thân, bạn bè. Nhưng, người đàn ông này ngày ngày vẫn lái chiếc xe từ cách Nurdagi 100km chở theo băng vệ sinh, kẹo bánh, nước, quần áo... tới khu vực hơn 2.000 người dân tạm trú để hỗ trợ. Khi đi phân phát thức ăn bằng ô-tô cho bất cứ ai ông gặp trên đường phố, Tuncer khẳng định: Lúc này, không còn sự phân biệt về quốc tịch, dân tộc, giới tính hay thậm chí tín ngưỡng nữa. Bất chấp những xích mích về kinh tế và xã hội, chung sống hòa bình đã trở thành một phần bản sắc của đất nước bên bờ Địa Trung Hải, cả trong thời bình lẫn trong cơn hoạn nạn.

Bên cạnh nỗ lực cá nhân, tại các khu tập trung sau thảm họa, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức phát đồ ăn, nước sạch miễn phí cho người dân. Chiều chiều, từng hàng dài trật tự xếp hàng đợi lấy khẩu phần về cho bữa tối của mình.

"Ở đây không còn thiếu đói, cũng không có cướp bóc, trộm cắp xảy ra. Những người không thể đi lấy đồ ăn sẽ được hàng xóm láng giềng giúp đỡ. Người Thổ Nhĩ Kỳ vốn mạnh mẽ và kiên cường nên chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua để hy vọng vào một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn", ông Onur Ozturk, cảnh sát thị trấn Nurdagi nhấn mạnh.

"Với tôi, sống sót đã là một điều kỳ diệu. Hiện tại điều tôi mong mỏi không phải là đến một thành phố mới mà là tiếp tục được sống và gắn bó với nơi đây. Đây là nơi tôi đã sinh ra, con cái, bạn bè, gia đình chúng tôi cũng ở đây. Tất cả sẽ cùng chờ đợi để bắt đầu một cuộc sống mới", ông Ersin Uglu tại Antakya nói với phóng viên Báo Nhân Dân.

Đặc biệt, khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, rất đông người dân đã ùa ra, xin chụp ảnh cùng. Họ nói họ đã biết đến và rất yêu quý Việt Nam qua những thước phim lịch sử từng xem. Đặc biệt, khi hai đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sang hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, hình ảnh của Việt Nam lại càng trở nên gần gũi, thân thiện hơn.

Ông Selman Orturk, đại diện người dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Hatay, đã nghẹn ngào liên tục nói lời cảm ơn tới các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam: "Cảm ơn các bạn rất nhiều, cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng chúng tôi, chia sẻ cùng chúng tôi vượt qua thời khắc khó khăn này".

10 ngày nơi tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 4
Sự ủng hộ mang tinh thần "lá lành đùm lá rách" từ Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.

10 ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn cũng đã để lại trong lòng các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Trưởng Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông không thể quên những ngày đầu tới Hatay. Vào thời điểm này, trang thiết bị của đoàn chưa về kịp nên các thành viên chỉ có thể ngồi chung quanh bếp lửa để sưởi ấm trong đêm. Dù vậy, ngay sáng hôm sau, tất cả đều sẵn sàng lên đường tới các khu vực tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. Cũng trong ngày đầu tiên này, chúng ta đã phát hiện bốn vị trí, qua đó góp phần đưa chín thi thể nạn nhân ra ngoài.

"Lúc này, những người thân có mặt tại hiện trường đã ôm lấy đoàn Việt Nam rồi òa khóc. Họ bảo rằng, cảm ơn các bạn đã tìm giúp người thân cho chúng tôi. Nhìn cảnh ấy, anh em cũng đều chảy nước mắt. Từ ngày hôm đó, mỗi lần đoàn đi tới đâu, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Hatay lại ra cho từng mẩu bánh mì, từng chai nước. Tình cảm ấy có lẽ cả đời tôi cũng không thể quên", Thiếu tướng Tỵ cho hay.

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải cho rằng, việc Việt Nam cử hai đoàn cứu hộ, cứu nạn sang giúp bạn trong hoàn cảnh khó khăn đã được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rất cao. Tại các thành phố, việc kiểm soát rất chặt chẽ, không khác gì giai đoạn Covid-19 vì lý do an ninh. Nhưng khi đoàn Việt Nam đến, chỉ cần nói hai chữ Việt Nam là họ mở đường cho đi ngay. Khi hỏi tại sao thì họ trả lời: Tất cả chúng tôi đều biết đến và ghi nhận đoàn Việt Nam.

"Trong những ngày có mặt tại hiện trường, tôi nhớ mãi hình ảnh những người dân Thổ Nhĩ Kỳ hiếu khách. Đêm 10/2, khi đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an đưa được một em bé còn sống ra ngoài, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đến và hỏi: Các bạn có cần gì không? Tôi đáp: Chúng tôi không cần gì cả. Nhưng một lúc sau, họ vẫn mang tới bánh mì, nước cho từng người trong bối cảnh họ đang vô cùng khó khăn và khủng hoảng. Tất cả các thành viên trong đoàn đều vô cùng cảm động", Đại sứ kể.

10 ngày nơi tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 5
"Cảm ơn các bạn đã đến và chia sẻ thời khắc khó khăn này với chúng tôi".

Với riêng chúng tôi, tình cảm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện theo một cách khác. Sencer, người dẫn đường và phiên dịch tại Hatay đã từ chối nhận khoản tiền công cho chuyến đi dài 700km. Anh bảo, chuyến đi đã cho anh hiểu hơn về đất nước, con người và lòng nhiệt thành của các bạn.

Ulas, người dẫn đường thứ hai của đoàn ở Istanbul, khi đang lái xe giữa con đường dẫn vào thành phố đã bất ngờ bật bản The Ballad of Ho Chi Minh (Bài ca Hồ Chí Minh). Thi thoảng, tới đoạn điệp khúc, cậu lại hào hứng hát theo. Những âm điệu khiến lòng người Việt xao xuyến. Bên ngoài, mưa Istanbul vẫn đang rơi nặng hạt.

Far away across the ocean,

Far beyond the sea’s eastern rim,

Lives a man who is father of the Indo-Chinese people,

And his name it is Ho Chi Minh.

Tạm biệt và sớm khỏe lại nhé Thổ Nhĩ Kỳ ơi!