Yêu cầu cấp thiết từ thực tế

Thực tế cho thấy trong công tác đào tạo ở lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình, cơ sở hạ tầng vật chất tốt góp phần quan trọng tạo ra cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong dạy và học. Đào tạo chính quy đã đặc thù như vậy, đào tạo tài năng lại càng đòi hỏi sự đáp ứng cao, đồng bộ và hiện đại.
Buổi học chuyên đề Stedicam với chuyên gia Lê Thanh Tùng dành cho lớp Quay phim tài năng điện ảnh, truyền hình. Ảnh: Dương Hồng Vinh
Buổi học chuyên đề Stedicam với chuyên gia Lê Thanh Tùng dành cho lớp Quay phim tài năng điện ảnh, truyền hình. Ảnh: Dương Hồng Vinh

Kể từ khi triển khai chính thức, năm 2020, đến thời điểm hiện tại, chương trình đào tạo tài năng theo Đề án 1341 của Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đã được thực hiện ở năm ngành, chuyên ngành: Đạo diễn điện ảnh, Đạo diễn truyền hình, Quay phim điện ảnh, Quay phim truyền hình và Diễn viên kịch-điện ảnh-truyền hình với 79 sinh viên theo học.

Trong quá trình thực hiện, ngoài việc tối ưu chương trình đào tạo, lựa chọn đội ngũ giảng dạy, nhà trường đã tạo điều kiện cao nhất có thể cho sinh viên về hạ tầng, cơ sở vật chất như phòng học, sàn tập, sân khấu biểu diễn, phục trang, đạo cụ, bối cảnh, thiết bị quay phim, thiết bị chiếu sáng, thiết bị âm thanh, phòng dựng hậu kỳ… hiện có tại trường. Đối với các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chuyên dụng mà nhà trường chưa có, sinh viên cũng được nhà trường xem xét việc thuê, mượn từ các đơn vị bên ngoài với một phần kinh phí trích từ Đề án. Nhờ vậy, các ngành và chuyên ngành đào tạo tài năng của Trường đã thu được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, thông qua thành tích của một số sinh viên.

Có thể kể đến Giải Cánh diều vàng năm 2022 ở hạng mục Phim ngắn, dành cho phim “Thành phố thẳng đứng” (đạo diễn Nguyễn Thị Bích Ngọc, lớp Đạo diễn điện ảnh tài năng K38, quay phim Mai Văn Linh, lớp Quay phim truyền hình tài năng K38); Huy chương bạc, Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 dành cho sinh viên Nguyễn Trọng Mạnh, lớp Diễn viên kịch, điện ảnh, truyền hình tài năng K39; hai Huy chương vàng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2024 dành cho sinh viên lớp Diễn viên kịch, điện ảnh, truyền hình tài năng, em Bùi Hoàng Nhật, K38 và em Đinh Thu Hiền, K39...

Dù đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng tương đối toàn diện nhưng do đặc thù lĩnh vực đào tạo, các trang thiết bị kỹ thuật luôn cần được cập nhật trước sự phát triển với tốc độ chóng mặt của khoa học công nghệ, nên có thể nói, Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội luôn đối diện với sự thiếu hụt hạ tầng cơ sở vật chất, đặc biệt cho đào tạo tài năng, trong khi, số lượng trang thiết bị, máy quay, phòng kỹ thuật, phòng chức năng cũng chưa đáp ứng được cho các sinh viên tài năng khi sinh viên chính quy cùng sử dụng tại thời điểm. Các bối cảnh, sàn diễn, phục trang, đạo cụ, phụ kiện của trường cũng trong tình trạng thiếu thốn, không đáp ứng được các nội dung học tập của các sinh viên tài năng. Đơn cử như trong dàn dựng một kịch mục cổ điển châu Âu, một bộ phục trang có chi phí rất cao, chưa kể còn kèm theo nhiều phụ kiện như mũ, giày, gậy, tẩu và đòi hỏi thiết kế bối cảnh cũng bảo đảm sự phù hợp nên dẫn đến tổng chi phí càng cao.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc bổ sung thay thế những trang thiết bị cũ cần nhiều thời gian và tài chính, nên bổ sung nguồn kinh phí cụ thể dành riêng cho việc thuê thiết bị cho các ngành/chuyên ngành đào tạo tài năng nghệ thuật nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác dạy và học; tiếp tục bổ sung kho phục trang, tìm kiếm các nguồn tài trợ phục trang và dành kinh phí thuê khi cần thiết; đầu tư cải tạo các phòng học chức năng thành phòng đa chức năng để tận dụng tối đa số phòng học hiện có, thí dụ như các phòng tập cho ngành sân khấu có thể được bổ sung máy chiếu, thiết bị âm thanh để sinh viên vẫn có thể tập và giảng viên lại có thể thị phạm và thuyết trình.

Đầu tư hơn nữa cho hạ tầng cơ sở vật chất sẽ tạo điều kiện căn bản giúp các cơ sở đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong hoạt động đào tạo tài năng nghệ thuật ■