Xóm ven sông

Xóm ven sông

Cái tin thằng Du nhảy sông lan đi cả xóm Bờ Lở. Đầu tiên con Mận hớt hải chạy về, mặt xanh lét, trên lưng còn đeo cái cặp đi học, gặp mấy cô ra chợ, nó hổn hển: "Anh Du nhảy sông… nhảy sông rồi!". "Đứa nào? Thằng Du á?".

Con Mận gật lia lịa, nó thở không ra hơi.

Năm giờ chiều tin dữ đã lan cả xóm. Trên cầu người ta đứng bu đen tò mò nhìn xuống sông, dưới kia hai chiếc ghe chạy dò tìm thằng Du. Chị Hiên lả đi, gương mặt thất thần. Mười giờ đêm cuộc dò tìm vẫn vô vọng, người xem tản dần. Chị Hiên lúc này đã rũ ra như tàu lá héo. "Du ơi, đừng bỏ mẹ mà đi…!". Chị vật vã. Ai nhìn cũng rớt nước mắt.

Ngày còn con gái chị Hiên dễ coi, lại nết na. Nhà chị nghèo, mẹ ốm đau liên miên. Có nghề chằm nón mẹ truyền lại, chị ở nhà vừa làm vừa chăm mẹ. Tuổi xuân vụt qua như bông gòn bay ngoài bãi, bạn bè trang lứa lần lượt lấy chồng, sinh con, chị vẫn ngồi bên hiên chằm nón. Mỗi khi nhìn người ta con bồng con bế chị cũng chạnh lòng. Mẹ qua đời, chị đã xấp xỉ bốn mươi, hai gò má sạm lại, trán loáng thoáng nếp nhăn, đầu đã lác đác những sợi tóc bạc. "Mình già rồi sao?" Chị vẩn vơ nghĩ đến cái cảnh mai này về già vò võ một mình.

Từ ngày mẹ mất, chị cất hàng guốc dép rồi ra chợ bán. Người đàn bà bốn mươi lúc này đã rảnh rang nên chăm chút cho mình. Mái tóc rẽ ngôi vấn lên gọn gàng, môi thoa chút son, cái áo ôm lấy thân hình tròn lẳn, trông chị mặn mà hơn ngày con gái.

Người đầu tiên phát hiện chị Hiên mặn mà hơn xưa là lão Hàm, chủ xưởng gỗ đang ăn nên làm ra ở đầu chợ, năm nay đã gần sáu mươi. Mặt mũi lão phúng phính, thêm cái bụng to như thùng nước lèo. Sáng nào ra chợ thấy lão đứng xớ rớ chị Hiên phải giả bộ ngó lơ. Biết nhan sắc mình hơi kém nên lão "đền bù" bằng mấy chiếc nhẫn vàng to bự ở ngón tay và sợi dây chuyền vàng khè trên cái cổ ngân ngấn. Sáng ra, lão mặc bộ đồ thể thao, mang giày trắng, canh chừng chị đi qua lão chạy hùng hục, mắt híp lại cười thay cho lời muốn nói: "Anh còn trẻ lắm Hiên ơi!". Chiều chị dọn hàng về, lão lại le te: "Hiên cần anh giúp chi hông?" Chị Hiên ngại, mấy bà mấy cô trong chợ thấy cảnh đó là dí dủm cười nên thấy lão là chị tránh, có hôm dọn hàng xong chị phải lẻn ra cổng sau mà về.

Năm đó bão lớn, chợ nghỉ hết. Chị Hiên ngồi trong nhà nghe gió phần phật như thiếu điều muốn dỡ mái tôn. Chị ngồi mà run, phải chi có người đàn ông trong nhà cũng đỡ. Chập tối, gió ngoài kia vẫn giật từng cơn, chị tìm cây đèn dầu khêu cái bấc thắp lên, đường dây điện đứt, trong xóm nhà nào nhà nấy tối om. Chị bưng chén cơm trệu trạo nhai. Mưa vẫn xối xả. Bỗng có tiếng cộc cộc ngoài cửa, chị nhìn ra. Đêm hôm mưa bão ai đập cửa nhà chị? Tiếng cộc cộc dồn dập hơn, chị bỏ chén cơm xuống, đi ra. Cửa vừa hé, một người trong bộ đồ mưa ào vô nhà, chị hoảng hồn ngó sững. Lụi hụi một hồi người đó cởi xong áo mưa. Hóa ra lão Hàm.

"Bão lớn quá, tôi chạy đến coi nhà cửa em có sao không". Lão Hàm lạnh, răng va vào nhau cầm cập.

Nghe giọng nói thiệt thà chị thấy mủi lòng. Đưa cho lão cái khăn, chị yên lặng đi quạt bếp than cho lão hong người. Gió ngoài kia về đêm càng mạnh, lão Hàm nhìn ra lo lắng: "Em không sao, nhà cửa vầy là tôi yên tâm rồi, ngồi chút nữa thôi, bớt gió tôi về".

Bên bếp than hồng rực trông lão không đến nỗi đáng ghét. Bất chợt lão ngẩng lên nhìn chị rồi nhích lại gần, chị nghe hơi thở nóng hổi phả sau gáy. Lần đầu tiên một người đàn ông ngồi sát chị đến vậy, như có luồng điện chạy qua, chị thấy cơ thể rần rật. Bất ngờ lão Hàm ôm ghì lấy chị, lắp bắp: "Tôi… tôi thương Hiên từ lâu rồi…".

Người chị nóng ran, cái cảm giác lạ lùng vừa xâm chiếm khiến chị mềm nhũn trong tay lão, những khao khát đàn bà từ lâu dồn nén giờ trỗi dậy, tưởng như nóng còn hơn cái bếp than đang rừng rực kia. Chị cuốn theo những đợt sóng tình của lão. Cây đèn dầu tù mù trên tủ tắt ngấm từ lúc nào, nhà tối om, chỉ còn nghe hơi thở hổn hển của lão Hàm và tiếng rên ư ử của chị...

★★★

Ngày thứ hai, thợ lặn vẫn dò tìm Du, họ về phía cuối nguồn, nghi xác Du trôi xuôi dòng. Bà con xóm Bờ Lở đốt hương khấn vái hương hồn Du sống khôn thác thiêng mà tìm đường về. Qua ngày thứ ba họ lắc đầu vô vọng. Chị Hiên tạm gác việc bán buôn, ngày nào cũng ra sông ngóng chừng có ai đi qua hỏi thăm tin tức con, nhưng vẫn biệt tăm.

Sau cái đêm mưa bão đó, lão Hàm về rồi, ngồi một mình chị nghe mưa dội xuống mái tôn, một ý nghĩ thoáng qua, có khi nào sau lần chung đụng này lão Hàm để lại cho chị một đứa con?

… Cái tin chị Hiên có chửa lan khắp xóm. Mặc kệ, chị vẫn yên lặng đi về một mình, chị cần đứa con. Vợ lão Hàm nghe nhiều người xầm xì, lẳng lặng bán nhà, kéo lão Hàm và đàn con vào miền nam sinh sống.

Gần tới ngày sinh chị Hiên vẫn ra chợ. Chiều về ngang qua bãi dưa bụng đau lâm râm, chị cố đi nhanh nhưng không kịp, chị đẻ rớt thằng Du trên bãi dưa. Bà con chòm xóm phát hiện, thằng Du đã khóc oe oe. Từ ngày có thằng Du chị Hiên thôi ra chợ, chị ở nhà, sẵn có cái nghề chằm nón chị vừa làm vừa trông con. Thằng Du biết chạy, chị kêu người tới đóng cái chuồng, nuôi thêm đàn gà, tới lứa bán lấy trứng, đủ tiền chợ hai mẹ con qua ngày.

Thằng Du từ nhỏ đã ngoan, thương mẹ. Một buổi đi học, một buổi phụ mẹ việc nhà. Hơn bảy tuổi Du đã biết đem trứng gà ra chợ bỏ mối cho người ta. Chị Hiên thường ngắm trộm con, thầm cảm ơn cái đêm mưa bão đó đã có Du trong cuộc đời chị. Du ý thức mình không cha nên sớm tự lập, còn nhỏ đã biết giúp mẹ sửa cái chuồng gà, lợp lại cái mái tôn. Bà con chòm xóm có việc gì nhờ Du có mặt liền, làm một hơi cho đến khi xong mới đứng lên đi về. Xóm Bờ Lở ai cũng thương Du, thỉnh thoảng có kẻ ác mồm ác miệng kêu Du con hoang. Như chạm vào chỗ đau, Du gầm lên xông vào đấm đá túi bụi cho đến khi chị Hiên chạy đến xin thì Du mới thôi. Học hết lớp mười Du bỏ học, nói đi làm kiếm tiền phụ mẹ, nay mẹ lớn tuổi, bệnh thấp khớp nên đi lại khó khăn.

"Con xin ông Ba Lanh cho con bốc gạch, hôm rồi con thử bốc một chuyến, còn nhanh hơn mấy anh trong xưởng". Du hào hứng kể. "Con còn nhỏ, mẹ muốn con đi học" chị Hiên nhìn gương mặt non nớt của con, xót xa. "Không, con muốn đi làm kiếm tiền cho mẹ đỡ cực!".

Làm chừng ba tháng, chiều đó trả công cho Du, ông Ba Lanh hỏi: "Ưng vô xưởng chú làm hông?". Du gật liền. Mới làm vài tháng ông đã thương Du vì cái tính chịu khó, siêng năng. Làm hơn nửa năm, nghe bạn bè rủ rê ra thành phố chạy xe, chở hàng có ăn hơn, Du bỏ việc, chị Hiên can ngăn kiểu gì cũng không xong.

Lên thành phố Du thuê nhà trọ ở chung. Việc nhiều, tiền cũng dễ kiếm, Du đem về cho mẹ, chỉ giữ lại chút đỉnh cơm nước, trả tiền nhà. Đám bạn Du toàn xa nhà, buồn lại rủ nhau bài bạc. Ban đầu Du đứng ngoài coi, sau sa vào lúc nào chẳng hay. Từ ly cà-phê, tô bún, rồi vài trăm, vài triệu… Đến lúc nợ đìa không trả nổi, không còn đường nào, Du chạy về bấu víu mẹ. Chị Hiên rền rĩ nhưng cũng cắn răng chạy tiền trả nợ cho con. Tưởng một lần Du chừa, vài tháng sau, buổi chiều chị Hiên đang ngồi trong nhà, hai tên xăm trổ đầy người ào vô đòi chị trả nợ cho Du. Chị lại chạy quanh vay mượn, trong nhà có gì đem bán hết. Du lại về quê, được vài tháng, chồn chân Du chạy lên thành phố. Lần này Du đi lâu, ba tháng trời không tin tức gì. Linh tính có chuyện chẳng lành, chị chuẩn bị lên thành phố tìm thì Du về. Ào vô nhà Du chỉ kịp đưa cho chị năm triệu: "Mẹ cất uống thuốc". Nói rồi Du lao ra ngõ không kịp cho chị Hiên hỏi lời nào. Đi một đoạn, Du lại chạy về ôm mẹ khóc: "Mẹ tha lỗi cho con, con đường cùng rồi… Con làm khổ mẹ rồi!" nói chưa dứt câu Du lao đi.

Nhiều người đi trên cầu nhìn thấy Du nhảy xuống chỗ nước chảy xiết. Tình cờ ông Ba Lanh đi qua đúng lúc Du đứng mấp mé bên thành cầu, ông lao tới nhưng không kịp. Ông hô hoán kêu người lặn xuống tìm, thuê hai chiếc ghe dò suốt ba ngày ba đêm… Ai cũng lắc đầu quay về, họ nghi xác Du đã trôi ra biển.

… Lúc lao xuống sông Du chìm dần, bỗng có vật gì mềm mại như bàn tay chạm vào Du, có lẽ một con cá bơi qua. Du bỗng nhớ mẹ, ngày Du còn nhỏ mẹ thường ôm Du vào lòng, cũng có khi mẹ dắt Du ra bờ lở chơi, cái bờ sông mỗi năm cứ lở dần, rồi thành tên xóm của Du. Ngày đó Du đã biết đến hai tiếng con hoang, đã nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ rớt xuống vì Du. Du khựng lại. Không! Du không thể chết! Du phải sống để làm chỗ nương tựa cho mẹ, cả đời mẹ đã khổ. Du không được chết! Du bơi vào nép bên bãi đá, nhìn lên thấy người ta đứng lố nhố trên cầu…

Đêm, khi chung quanh đã ngủ yên, Du trườn lên bãi cát thiếp đi, tỉnh dậy trời đã tờ mờ sáng. Du đi. Chưa biết đi đâu, nhưng chắc chắn Du sẽ đi, sẽ làm lại từ đầu. Tạm thời cứ để mẹ coi Du đã chết. Rồi Du sẽ về, sẽ trả được nợ, sẽ ở bên mẹ cho đến cuối đời. Du ngước nhìn bầu trời đầy sao, có ngôi sao lấp lánh như đôi mắt của mẹ trong đêm ra cửa đứng đợi Du về.