Xu hướng

“Vũ khí” tiêu diệt kẻ thù của Trái đất

Công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) cùng với thị trường mua bán tín chỉ carbon liệu có thể trở thành “vũ khí” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đầy cam go của nhân loại?
0:00 / 0:00
0:00
Các trạm thu hồi và lưu trữ carbon ở Iceland. Ảnh | WEFORUM.ORG
Các trạm thu hồi và lưu trữ carbon ở Iceland. Ảnh | WEFORUM.ORG

Báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra năm 2022 cho biết, các nhà khoa học ước tính nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây là các năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử.

“Vũ khí” tiêu diệt kẻ thù của Trái đất ảnh 1

Hội nghị COP27 diễn ra tại Sharm El-Sheikh tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu. Ảnh | REUTERS

Ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu cảnh báo “đây là những dấu hiệu cầu cứu từ Trái đất”. Còn tại Hội nghị COP27 diễn ra trong tháng này ở Ai Cập, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo “thế giới đang đạp chân ga lao trên cao tốc dẫn tới địa ngục khí hậu”.

Loại bỏ CO2 - những thể nghiệm đầu tiên

Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trên thế giới gia tăng mạnh mẽ, việc cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào môi trường là điều gần như không tưởng.

Một trong những giải pháp được tính tới là phải lấy ra khỏi bầu khí quyển một lượng lớn khí CO2 nhằm hướng tới trung hòa khí hậu vào giữa thế kỷ này. Công nghệ CCS không phải mới mẻ, nhưng vẫn còn một chặng đường dài mới có thể chứng minh năng lực thực sự của nó trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Carbfix là doanh nghiệp của Iceland đi tiên phong trong công nghệ chống biến đổi khí hậu này. Trong dự án nghiên cứu CCS của mình, Carbfix dựng lên ba chiếc vòm thép tại khu vực Tây Nam Iceland lạnh giá, bên trong có đường ống dẫn khí CO2 xuống thẳng dưới lòng đất ở độ sâu 800m. Các trạm thu hồi CO2 này sẽ hoạt động như túi lọc khí khổng lồ, lọc CO2 từ không khí, nước, hoặc lấy trực tiếp từ nguồn thải.

Hệ thống này ở Iceland dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2030 để sẵn sàng đón những chuyến tàu chở CO2 từ khắp nơi trên thế giới. Iceland hy vọng đây là cơ hội kinh doanh mới cho nền kinh tế vốn chỉ phụ thuộc vào du lịch và đánh bắt hải sản.

Tuy nhiên, công nghệ CCS vẫn gây nhiều tranh cãi ở nhiều nơi bởi các nguy cơ tiềm ẩn, bao gồm khả năng CO2 thoát ngược trở lại bề mặt Trái đất. Nhưng cho đến nay, kể từ năm 2014 khi khí CO2 được lưu giữ dưới lớp đất bazan tại Iceland, điều đó đã không xảy ra ở hòn đảo này. Hơn nữa hoạt động thu gom, vận chuyển CO2 ở các quốc gia khác nhau đến Iceland có chi phí không hề rẻ. Tại Iceland, nơi có 90% diện tích là đá bazan, lượng CO2 hằng năm có thể lưu trữ gấp 80-200 lần so với thế giới.

Theo một nghiên cứu, trong vòng hai năm kể từ khi được lưu giữ dưới lòng đất, khí CO2 sẽ hóa khoáng. Nguyên lý cơ bản cho công nghệ CCS là khi axit cacbonic tiếp xúc với đá bazan chứa nhiều magiê, canxi, sắt sẽ tạo thành muối cacbonat.

Trước nhu cầu mạnh mẽ loại CO2 ra khỏi bầu khí quyển, các hệ thống áp dụng công nghệ CCS đang là sự lựa chọn của một số nước. Trong đó phải kể tới thống lọc CO2 được cho là lớn nhất thế giới của công ty Thụy Sĩ Climeworks đi vào hoạt động hồi tháng 9 vừa qua. Hệ thống của Climeworks mỗi năm có thể loại bỏ 4.000 tấn CO2 khỏi bầu không khí.

Nếu so với lượng CO2 thải ra hằng năm, số lượng này chỉ như giọt nước giữa đại dương. Nhưng nếu hệ thống của Climeworks được mở rộng theo kế hoạch, số lượng CO2 được thu gom và lưu trữ có thể lên tới vài triệu tấn mỗi năm.

Tiềm năng lớn để áp dụng công nghệ CCS tại các khu vực khác là miền bắc nước Đức, Ấn Độ và Mỹ. Hiện một dự án tương tự đã được triển khai ở Đông Nam bang Washington.

Hiện nay, công nghệ thu giữ carbon phổ biến nhất là sử dụng dung môi để hấp thụ CO2 và thải ra các khí khác ít độc hại hơn. Đây là thế hệ tiếp theo của công nghệ thu giữ carbon được các nhà khoa học nghiên cứu phát triển, bằng cách sử dụng các vật liệu hấp thụ rắn và màng. Những vật liệu này đòi hỏi ít năng lượng hơn và đang được sử dụng tại một số nơi có lượng khí thải CO2 tập trung.

Nhóm nhà nghiên cứu Đại học Colorado Boulder của Mỹ đã phát triển một công cụ mới có thể dẫn đến các công nghệ hiệu quả và rẻ hơn để thu giữ những khí giữ nhiệt từ khí quyển và chuyển đổi chúng thành chất có lợi, như nhiên liệu hoặc vật liệu xây dựng. Nghiên cứu này sử dụng các phương pháp điện hóa giúp giải phóng những cơ sở thu giữ carbon khỏi bị ràng buộc với những nơi có lượng khí thải tập trung, mà cho phép những cơ sở này tồn tại ở hầu hết mọi nơi.

Tín chỉ carbon có giúp bảo vệ môi trường?

Cùng với giải pháp từ công nghệ CCS, thị trường carbon, hay còn gọi là thị trường mua bán tín chỉ carbon hiện ngày càng thu hút nhiều quốc gia tham gia vì đã chứng tỏ hiệu quả giúp nhiều nước chủ động giảm lượng khí thải mỗi năm. Theo con số thống kê, hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã thực thi hoặc có kế hoạch xây dựng và thực thi thị trường carbon.

“Vũ khí” tiêu diệt kẻ thù của Trái đất ảnh 2

Các khu rừng trơ trọi sau thảm họa cháy rừng ở Hy Lạp. Ảnh | GAZETTENET

Những lợi ích của việc thúc đẩy thị trường mua bán tín chỉ đã được chứng minh bởi nó không chỉ mang lại nguồn lợi tài chính mà đây còn là sự chứng nhận uy tín của tổ chức, công ty hay quốc gia đó về thành tích bảo vệ môi trường nói riêng và nỗ lực chống biến đổi khí hậu nói chung.

Doanh nghiệp giảm được 1 tấn CO2 sẽ được tính thành 1 tín chỉ carbon. Công ty nào dư càng nhiều tín chỉ càng chứng tỏ uy tín trong nỗ lực giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tích cực đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sản xuất xanh. Việc bán tín chỉ carbon cho công ty khác cũng sẽ là một nguồn thu đáng kể và giúp doanh nghiệp tái đầu tư cho nỗ lực này.

Như vậy, việc dùng công cụ thị trường dựa trên lợi ích thay vì các biện pháp hành chính khe khắt, sẽ có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện hoạt động thân thiện hơn với môi trường. Nhà kinh tế môi trường hàng đầu Muthukumara Mani tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, hệ thống tín chỉ carbon sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn, vì giờ đây việc gây ô nhiễm sẽ trở nên tốn kém.

Giới phân tích lạc quan cho rằng, nếu một thị trường mua bán “quyền xả thải” có thể hoạt động hiệu quả, bài toán giảm phát thải có thêm một lời giải hữu hiệu.

Tín chỉ carbon cần “chữ tín”

Thị trường carbon toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục được mở rộng hơn trong tương lai khi tại các hội nghị các bên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu gần đây đã khẳng định vai trò của rừng như là phương tiện hàng đầu để giảm khí thải. Hai loại tín chỉ carbon phổ biến nhất là trồng rừng và năng lượng tái tạo. Hãng tư vấn McKinsey & Co dự báo nhu cầu tín chỉ carbon hằng năm sẽ đạt mốc 2 tỷ tấn trong vòng 10 năm tới, dựa vào các cam kết của doanh nghiệp cũng như phân tích của các chuyên gia biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc mua bán tín chỉ carbon trên thị trường hiện nay cũng đang cho thấy những bất cập, mà một trong số đó là tình trạng các công ty đổ xô mua các tín chỉ CO2 rẻ hơn, chất lượng thấp hơn làm ảnh hưởng tới nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiệu quả của việc cắt giảm khí thải được xác nhận bởi một bên trung gian thứ ba và các tín chỉ được cấp thông qua những nỗ lực này có thể được giao dịch trên thị trường carbon.

Phân tích dữ liệu toàn cầu mới của Nikkei Asia Review cho thấy gần 40% tín chỉ carbon mà các công ty mua đã có tuổi đời trên 5 năm. Mặc dù các tín chỉ cũ hơn không có nghĩa là kém hiệu quả hơn trong việc giảm lượng khí thải carbon, nhưng chúng có thể cản trở nỗ lực cắt giảm khí nhà kính. Vì một khi tín chỉ được cấp, các tổ chức trung gian hiếm khi xét xem dự án có được thực thi theo tín chỉ hay không, chẳng hạn như việc trồng rừng.

Quyết tâm của Việt Nam

Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên ở Việt Nam, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra nguyên tắc “người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền”.

Theo dự thảo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đây là những bằng chứng cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam, nhưng cần thiết phải song hành với một kế hoạch hành động chi tiết ở cấp ngành để Việt Nam bắt kịp xu hướng chung ở khu vực đó là thực thi thị trường carbon. Indonesia và Campuchia đã bắt đầu bán tín chỉ carbon rừng trước Việt Nam. Singapore dự kiến sẽ hình thành thị trường tín chỉ carbon trong năm tới.