Vũ Duy Thông, phù du phận mỏng ham trời thẳm

Có những con người mà ở gần thì thấy ấm áp, xa xa thì thấy thiếu vắng mơ hồ, đến khi mất hẳn, mới thấy rõ hơn chân dung của người đó so với khi đang sống, mới bàng hoàng tiếc nuối vì bao điều chưa kịp.

Anh Vũ Duy Thông với tôi là một người như vậy.

Ký họa chân dung nhà thơ Vũ Duy Thông của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Ký họa chân dung nhà thơ Vũ Duy Thông của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

Tôi được biết anh Vũ Duy Thông từ cuối thập kỷ 60, khi anh làm phóng viên thường trú ở tuyến lửa Khu IV. Những ngày đó, ngoài tác phẩm báo chí, anh Thông còn làm thơ, trong đó có bài “Bè xuôi sông La” được giải ba cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969 - 1970, được tuyển vào sách giáo khoa bậc tiểu học, ghi vào trí nhớ của nhiều thế hệ. Ngoài sự miêu tả tài tình, con mắt lạc quan cách mạng, tôi thấy trong một phóng viên gan dạ đến liều lĩnh xông vào chốn đạn bom là một thi sĩ đa tình, vẫn luôn mơ về cái đẹp, về một người con gái: Sông La ơi sông La/ Trong veo như ánh mắt/ Bờ tre xanh im mát/ Mươn mướt đôi hàng mi...

Anh Thông là đồng môn với tôi ở Văn khoa Đại học (ĐH) Tổng hợp Hà Nội. Vì nghề nghiệp, ham học, anh còn học thêm và tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại ngữ. Anh từng nói với tôi: “Nhiều người cứ coi Tổng hợp Văn chỉ biết lãng mạn, không biết kinh tế, không coi trọng kỷ luật, mình phải chứng minh cho họ không hề là như vậy!”. Tôi thường gặp anh ở những đêm thơ tổ chức tại ký túc xá Mễ Trì, và đến nhà lắng nghe những câu thơ anh mới viết, sóng sánh nỗi đau đời trong ly rượu ngùi thương. Bài “Bạn quê ra chơi”, câu nào cũng rớm lệ: Quê ra bạn vẫn quần áo vá/ Trẻ con hàng xóm ngỡ ăn mày... Biết rằng bè bạn chẳng khinh nhau/ Thôi cũng đánh liều thăm một chuyến/ Yến thóc bán đi đủ suất tàu. Mừng thấy Vũ Duy Hưng, con trai anh, tiếp bước đường thơ của bố, còn nhỏ nhưng suy nghĩ không nhỏ: Dã tràng viết gì mà biển ngày đêm đến xóa/ Biết tôi đi đâu mà biển xóa lối chân về.

Biết anh viết báo rất nhanh, rất khỏe, nhiều tác phẩm báo in, báo hình được giải nhưng với tôi, anh là nhà thơ, và chỉ thế là nhiều. Mỗi dịp Tết hay 21-6, trong buổi gặp mặt báo chí, người ta vẫn chờ anh Vũ Duy Thông từng bước chuyển của thơ anh, mà chiều đi là từ mộc mạc đến ngẫm ngợi và luôn bảo đảm được chữ Nhân. Nhân ái. Nhân mỹ. Tôi giống anh và học được anh sự giản dị trong thơ, không bóng bẩy “người quê, ta cứ lời quê thật thà”. Thơ anh có một sức hút kỳ lạ. Anh tự nhiên, không làm bộ làm tịch bao giờ nhưng khi đọc thơ, anh như người lên đồng, như một người của thế giới khác. Cái sâu xa của thơ không ở chữ, mà ở hồn người, ở chỗ anh tạo ra một thế giới khác thật sự. Thế giới đó ở đâu, có hạnh phúc không? Không chắc. Nhưng nó không nhỏ bé, trói buộc và tầm thường như thế giới mà ta đang sống. Anh Thông thích uống rượu với người tri kỷ. Anh không say uống mà say bạn. Có tri kỷ, anh say sưa uống như thể rượu là chất xúc tác, như thể rượu mở ra con đường đến với thế giới bên kia. Nhà thơ vốn nhạy cảm, nhìn thấy và nói lên điều chưa đến, điều khiến người ta dễ đau lòng. Xuân Diệu từng viết: Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ/ Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết/ Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt. Còn Vũ Duy Thông thì Em có vô lý như mùa xuân/ Mỗi lần đón mỗi lần sắp mất. Tôi rất thích bài Khau Vai, không biết anh viết cho chợ tình hay chính mình:

Uống cho người ấy không yên được
Dẫu đã chồng con, đã vẹn bề
Uống cho trăng lên bên kia núi
Bật khóc thương người trong cơn mê...

Là người của thế hệ Cách mạng Tháng Tám, có hào khí, sự tươi sáng, sức mạnh của chế độ mới, thời đại mới, lý tưởng của CNXH ăn sâu vào máu thịt và học vấn làm cho anh biết lựa chọn cái đẹp. Anh chọn vẻ đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945 - 1975 để làm đề tài nghiên cứu. Cái quan trọng không phải là bằng tiến sĩ mà là bằng yêu nước, là sự đấu tranh, khẳng định chân lý. Anh ghét nhất thứ văn chương rởm đời: Văn chương lá rắc mặt đường/ Tập thơ đủ nắm tro tàn bón cây; Anh ngồi vẽ bìa và húng hắng ho/ Cho những cuốn sách thật ra chỉ đáng giá trang bìa. Anh càng ghét hơn loại người rởm người, nhầm lẫn giá trị bản thân và chức vụ, tiền bạc; loại người trống rỗng và nghèo hèn đến mức, ngoài chức vụ, tiền bạc, thì chẳng có gì. Anh dạy con, mơ ước và phấn đấu cho một xã hội thật sự bình đẳng, ai cũng là số một trong “Bé thành phi công”: Quay vòng, quay vòng/ Không chen, không vượt/ Đội bay hàng một/ Không ai cuối cùng.

Thơ Vũ Duy Thông không chỉ có đề tài thời sự, còn có những đề tài vĩnh cửu. Mà dù có thời sự, khi trôi đi, vẫn lấp lánh những hạt vàng của tình người, của tư duy bác học. Hình thức thơ của Vũ Duy Thông phần lớn là hình thơ dân tộc. Vậy mà nó vẫn hiện đại, vẫn hay. Hay vì tình thật, vì chạm đến thân phận, đến cả những éo le mà người không có đủ dũng cảm và sự minh triết thì không dám đụng tới, hoặc có đụng tới thì có bột cũng chẳng gột nên hồ. Đúng như tự bạch về nghề của anh trong Nhà văn Việt Nam hiện đại: “Thơ như không khí, như nắng trời, như hạnh phúc và nỗi đau khổ, như tình yêu và lòng căm giận... Đừng mất công tìm những khuôn phép cũ hay mới cho thơ... Thơ hay có mặt ở nơi mà nhờ nó con người khao khát sống hơn, tin người khác hơn và yêu mình hơn”.

Yêu mình hơn, yêu những ngày đang sống hơn, sống có nghĩ suy về việc gần, lẽ xa, đó là điều tự sinh, tự lớn khi chạm vào thơ Vũ Duy Thông. Đọc bài “Chiều một”, đến câu Cuộc đời dẫu mấy thiết tha/ Rồi như tàu nọ vào ga cuối cùng, thoạt đầu thương anh, sau thấm thía thương mình. Rồi đến câu Nát lòng vắng bạn chiều nay/ Người ơi, chẳng thể nào say một mình lại thấy thương anh, nhớ anh, nhớ cả bao người thân thiết không còn, hay còn nhưng đã vắng hẳn trong lòng. Sự bập bùng, khắc khoải của một “phù du phận mỏng ham trời thẳm” như câu thơ anh viết, nghe mong manh, buồn! Nhưng cũng lấp lánh một sợi bền hy vọng, một sức vươn xa của khát vọng con người!

Nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu mỹ học Vũ Duy Thông sinh ngày 26/2/1944 tại xã Tự Lập, Mê Linh, Vĩnh Phúc. Mất ngày 28/5/2021 tại Hà Nội.

Ông nguyên là phóng viên của TTXVN tại tuyến lửa Khu IV, nguyên Vụ trưởng Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, CTV đặc biệt của Báo Nhân Dân. Giải thưởng thơ Báo Văn nghệ năm 1969-1970. Năm 1977, ông cho in tập thơ đầu tiên mang tên Nắng trung du. Từ đó, cứ vài năm một lần, ông lại có một tập thơ mới, liên tiếp là Những đám lá đổi màu, Tình yêu người thợ, Gió đàn, Trái đất không chỉ có một người, Chối từ cô đơn, Một trăm bài thơ, Và cuộc đời sẽ cứu rỗi, Con bồ câu tha đi một cọng cỏ... Xen giữa đó là những tập truyện ký, truyện thiếu nhi, kịch bản điện ảnh và một tập nghiên cứu: “Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975”.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Vũ Duy Thông.

4_1-1627522615163.jpg
 

Chiều một

Loanh quanh vừa đấy chiều rồi
Rách bươm ngoài cửa một trời mây đi
Vẫn là mây của mọi khi
Sao buồn như có điều gì xảy ra.

Như đồng đã gặt vãn mùa
Trên bàn cốc rượu giao thừa dở dang
Như thuyền đã thấy bờ sang
Như cây bàng đỏ lá bàng đầu tiên.

Tàu đang hăm hở lao xuyên
Đành chậm lại trước hiệu đèn phía xa
Cuộc đời dẫu mấy thiết tha
Rồi như tàu nọ vào ga cuối cùng.

Bao nhiêu say đắm mặn nồng
Bao nhiêu dự định cháy lòng ngày xưa
Chẳng cần thiết nữa. Bây giờ
Ta đành làm kẻ hững hờ buông xuôi.

Sao còn phấp phỏng chiều ơi
Sao còn hờn giận với trời mây bay
Nát lòng vắng bạn chiều nay
Người ơi, chẳng thể nào say một mình.

--------------------------

4_2-1627522614538.jpg
 

Bè xuôi Sông La

Bè ta xuôi sông La
Dẻ cau cùng táu mật
Muồng đen và trai đất
Lát chun rồi lát hoa.    

Sông La ơi sông La
Trong veo như ánh mắt
Bờ tre xanh im mát
Mươn mướt đôi hàng mi

Bè đi chiều thầm thì
Gỗ lượn đàn thong thả
Như bầy trâu lim dim
Đắm mình trong êm ả

Sóng long lanh vẩy cá
Chim hót trên bờ đê
Ta nằm nghe, nằm nghe
Giữa bốn bề ngây ngất

Mùi vôi xây rất say
Mùi lán cưa ngọt mát
Trong đạn bom đổ nát
Bừng tươi nụ ngói hồng
Đồng vàng hoe lúa trổ
Khói nở xòa như bông.

Minh họa: NGUYỄN MINH