1. Võ thuật tổng hợp là sự pha trộn kếp hợp giữa nhiều môn võ, với nhiều võ sĩ có xuất thân khác nhau như: vật, quyền anh, muay Thái, judo, kick-boxing... MMA là môn võ thực dụng mang tính đối kháng toàn diện, mục tiêu cuối cùng là chiến thắng đối thủ, bất kể việc sử dụng kỹ thuật của môn phái nào. Nhưng có một điều ngăn cản MMA được công nhận tại Việt Nam sớm hơn, đó là luật được tiếp tục ra đòn tấn công cả khi đối thủ đã nằm sàn. Việc này đi ngược lại với tinh thần thượng võ của Việt Nam. Cùng với đó, những chấn thương nặng của các võ sĩ tạo ra hình ảnh khá bạo lực về môn võ này.
Tại Việt Nam, MMA thu hút khá đông đảo người tham gia tập luyện, tạo thành phong trào phát triển rầm rộ từ nhiều năm nay. Theo thống kê hiện nay cả nước có hơn 50 CLB MMA, nổi bật như Dragon MMA Hà Nội, Saigon Sport Club, Kickfitness VH Thanh Hóa... có cơ sở vật chất hiện đại với hơn 5.000 người tham gia, song hầu như chỉ mang tính tự phát và không được phép tổ chức thi đấu. Nhưng nhiều nơi vẫn tổ chức mà không được kiểm soát, thậm chí đã bị biến tướng thành bộ môn gây bạo lực, gây phản cảm trong xã hội.
Chính vì vậy, việc Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) ra đời vào năm 2020 đã đánh dấu một cột mốc lịch sử, hướng tới chuẩn hóa tổ chức, hệ thống luật lệ thi đấu, đẳng cấp, các kỹ thuật chuyên môn, đưa MMA Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế. Qua đó, giúp ngành thể thao và các cơ quan có liên quan định hướng, kiểm soát và giúp môn võ thuật tổng hợp trở lại đúng giá trị thật của nó. Đây cũng là cơ sở để MMA Việt Nam thoát khỏi nhiều rào cản lớn, đặc biệt về mặt pháp lý, tổ chức và có thêm cơ hội vươn tầm thế giới. Đến tháng 4/2022, VMMAF chính thức gia nhập Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Quốc tế, tạo tiền đề cho giải đấu MMA chuyên nghiệp đầu tiên LION Championship 2022 ra đời.
Mùa giải đầu tiên vừa kết thúc ngày 26/11 được tổ chức theo ba giai đoạn, để xác định các nhà vô địch của sáu hạng cân nam và ba hạng cân nữ bằng hình thức loại trực tiếp từ 120 đấu sĩ. Trong đó, đáng chú ý là chức vô địch của hai võ sĩ hàng đầu Việt Nam là Nguyễn Trần Duy Nhất (60kg) và Trần Quang Lộc (70kg) sau khi vượt qua các đối thủ nặng ký.
Thông qua giải đấu, VMMAF ngoài việc đánh giá trình độ, năng lực của các võ sĩ trên cả nước, còn là cơ hội kiểm tra, đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ trọng tài, bác sĩ, nhân viên điều hành và công tác tổ chức giải. Từ đó từng bước hoàn thiện, nâng cao năng lực tổ chức giải đấu MMA mang tính chất chuyên nghiệp, tiến tới việc cử đại diện Việt Nam tham gia và tổ chức các giải đấu võ thuật mang tầm quốc tế.
2. Hiện nay, các trận đấu MMA chuyên nghiệp rất phổ biển trên thế giới thông qua nhiều tổ chức như Bellator Fighting Championships (Mỹ), Cage of Warrior (Anh), One Championships (Singapore), Rizin (Nhật Bản)... Trong đó, One Championships đã từng được tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh tháng 9/2019. Và có lẽ UFC-Giải Vô địch đối kháng đỉnh cao (Mỹ) là nơi diễn ra các trận MMA lớn nhất, được biết đến nhiều nhất.
Năm 2015, UFC ghi nhận doanh thu 600 triệu USD, gấp 12 lần năm 2005. Các trận đấu của UFC được theo dõi tại 1,2 tỷ hộ gia đình, 800 triệu lượt xem ở 158 nước với hơn 28 ngôn ngữ khác nhau. Báo cáo thường niên của Tập đoàn tài chính Moody cho biết doanh thu của giải UFC đã tăng hơn 700 triệu USD kể từ năm 2017. Tiền bản quyền truyền hình mà UFC ký với kênh ESPN có giá trị lên tới 150 triệu USD/năm, thu nhập trung bình cho một tay đấm MMA ở UFC là 68.500 USD vào năm 2018. Một võ sĩ tại UFC kiếm được bao nhiêu tiền tùy thuộc vào số các trận đấu, mức độ nổi tiếng và mức độ thường xuyên tham chiến hằng năm.
Trên thế giới, đây chính là môn thể thao hái ra tiền. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT), MMA phát triển trên thế giới và thật sự là một phần của kinh tế thể thao - nguồn kinh tế hợp pháp, chính đáng. Lợi nhuận mà môn võ này đem lại là khổng lồ. Nếu Việt Nam kiểm soát tốt và có những hoạch định cụ thể, lâu dài, hướng tới sự phát triển bền vững, thì MMA chắc chắn sẽ đem lại một nguồn tài chính lớn cho thể thao Việt Nam.