Vinh quang và hoài bão không thổi về quá khứ

Một ngày 11/3 nữa lại đến.

Cứ từng năm, từng năm, ngày 11/3 như từng vòng dây cứ buộc chặt tôi mãi vào gốc đa 71 Hàng Trống, siết lấy trái tim tôi, khiến tôi không thoát khỏi những kỷ niệm chồng lên kỷ niệm, tên người chồng lên tên người trong những tình cảm mà không một từ ngữ nào có thể nói hết.
0:00 / 0:00
0:00
Bác Hồ thăm, chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Báo Nhân Dân (năm 1957).
Bác Hồ thăm, chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Báo Nhân Dân (năm 1957).

Thời gian không phải là tất cả. Nhưng thời gian cũng là một đại lượng có giá trị. Tôi đã làm việc tại Báo Nhân Dân đến nay hơn 40 năm. 40 năm ấy, trên mảnh sân tỏa mát bóng đa và um tùm nhãn, sấu; tôi được gặp, được nhận sự dìu dắt của các bác từ Tổng Biên tập Hoàng Tùng, Quang Đạm - pho Bách khoa toàn thư đến Kiều Đệ thư viện nhiệt tâm; của các chú Hồng Hà, Phan Quang, Hà Đăng, Hữu Thọ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Diệu Bình, Trần Kiên, Lê Bá Thuyên, Nguyễn Thọ, Khánh Căn, Hoàng Tuấn Nhã... một thế hệ vàng chói sáng.

Tôi được làm việc dưới quyền của các anh trong Ban Biên tập, được khích lệ bởi các nhà văn, những cây bút tiền bối tài hoa, có thẩm quyền. Tôi có lứa bạn bè đông đảo, lớp từ chiến trường ra, lớp đại học trong và ngoài nước về; tự hào về một lứa em vô cùng tình cảm và tài năng và với các cháu sau này ở các ấn phẩm, ở Trung tâm Truyền hình Nhân Dân cùng hết lòng phụng sự cho sự nghiệp Báo Nhân Dân.

Gặp được bao nhiêu lớp người, trong đó có nhiều nhà báo thành danh, đối với tôi, đã là điều may mắn, đáng tự hào trong cuộc đời rồi!

***

Báo Nhân Dân là thế nào? Con người Báo Nhân Dân là thế nào?

Thép Mới là một nhà báo, nhà văn mà tôi ngưỡng mộ. Bởi vậy, ngay từ lúc mới về báo, tôi đã xin gặp ông. Lúc này, ông đang phụ trách cơ quan thường trú ở TP Hồ Chí Minh, bao gồm cả phía nam. Mỗi lần ra Hà Nội thì ở một phòng trong một biệt thự Pháp cũ là nơi làm việc của Văn phòng, Vụ Tổ chức, Ban Chính trị và Ban Xây dựng Đảng (nay là nhà 7 tầng).

Tôi muốn học tiếng Pháp là thứ tiếng của văn học, ông nói ngay: Cần phải học tiếng Anh. Phải gấp rút học tiếng Anh vì tới đây nó là thứ tiếng toàn cầu vì thế giới phải ngồi lại với nhau, tư bản hay cộng sản cũng phải hợp tác làm ăn. Nên nhớ, khi đó nước ta đang bị cấm vận, đang rất khốn đốn về kinh tế. Dự báo được hội nhập, được toàn cầu hóa từ lúc đó, thật là một tầm nhìn ghê gớm.

Đêm nào phòng ông cũng sáng đèn đến 3-4 giờ sáng. Ông viết một cách miệt mài. Tôi cảm thấy ngoài những chuyện chính trị quan trọng (ông chơi thân hầu hết các Ủy viên Bộ Chính trị, khi thì ông đến họ, khi thì họ đến trụ sở báo gặp ông) thì chữ nghĩa là toàn bộ cuộc sống của ông.

Còn phải nói điều quan tâm hàng đầu của ông nữa: Đạo hiếu! Dù bận gì thì trước hết ông cũng về Nam Định thăm mẹ. Khi lên, thế nào cũng có buồng chuối tiến vua để chia cho anh em phục vụ. Rồi gọi mấy người đi ăn thịt chó. Ông thích ăn thịt chó ở Hàng Lược và Ô Quan Chưởng. Ông là người sành ăn. Ngoài ra, dường như chẳng có gì quan trọng nữa. Có hôm, ông đưa cho tôi một cặp lồng cơm, bảo: Cơm gà đấy; mày ăn đi cho có chất, hôm nay tao có thằng mời chén! Hồi ấy đói lắm. Có cơm gà gì chả mừng. Nhưng mở ra thì eo ôi, đã mốc xanh mốc đỏ hết cả! Chắc là phải mấy ngày rồi. Và chứng tỏ là ông Thép Mới cũng làm việc nhiều bữa quên ăn!

Ông Trần Kiên là phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân kiêm Thông tấn xã Việt Nam tại Liên Xô ở tuổi ba mươi; sau này là một nhà bình luận nổi tiếng, Trưởng ban Quốc tế rồi Phó Tổng Biên tập, có thời kỳ phụ trách Nhân Dân cuối tuần. Sau những phiên trực xuất bản, ông thường cùng lính tráng ra phố Bảo Khánh ăn tối. Thường ông chỉ dùng một cốc bia, một quả trứng húp chung cảnh “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Về hưu, ông ít đến cơ quan, không can dự việc của người mới. Có hôm tôi đến thăm ông, sau mọi chuyện, ông nói: Mình định đến tìm gặp cậu, nhưng cậu đến đây rồi thì mình nói luôn: Mình xin lỗi cậu vì quá trình làm việc với cậu, có những điều chưa hiểu, có khi quá nóng, mình xin lỗi cậu và mong cậu thông cảm cho. Mình cũng vừa xin lỗi con trai mình xong. Không phải cha mẹ lúc nào cũng đúng”! Ông vừa mới ra đi cuối năm 2022, khiến rừng cổ thụ Báo Nhân Dân thêm thưa vắng!

Một câu chuyện nữa mà mỗi khi nghĩ đến, tôi lại kính phục tấm lòng yêu Đảng của một người làm Báo Nhân Dân: Nhà báo Quang Đạm, tên khai sinh là Tạ Quang Đệ (1913-1999), là một trong tám Ủy viên Ban Biên tập đầu tiên của Báo Nhân Dân năm 1951 gồm Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quang Huy, Hà Xuân Trường, Quang Đạm. (Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 20/7/1951).

Suốt thập niên 50, 60 và thời gian đầu 70, ông phụ trách Ban Thư ký, vừa viết báo, vừa đào tạo, là bậc thầy của nhiều thế hệ làm Báo Nhân Dân, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo Đảng. Trong Thư gửi đồng chí Trường Chinh ông viết năm 1977, có đoạn “Với hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm và Bác Hồ muôn vàn kính yêu trong trái tim mình, tôi nguyện suốt đời sẽ giữ trọn danh dự cá nhân của người chiến sĩ cộng sản”.

Ông mất ngày 31/12/1999. Trong Điếu văn đọc tại Lễ tang nhà báo Quang Đạm tổ chức ngày 4/1/2000, nhà báo Hồng Vinh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nêu rõ: “Là một thanh niên có trình độ văn hóa cao, thấm đậm tinh thần yêu nước của gia đình, khi được đồng chí Đặng Thai Mai (Cố Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam) và một số đồng chí khác như: Hồ Trúc (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục), Lê Xuân Phùng (cán bộ quân đội)... giác ngộ cách mạng, ngay từ năm 1941, dù đang làm việc trong bộ máy chính quyền cũ, đồng chí Quang Đạm đã tham gia phong trào Việt Minh...

Vinh quang và hoài bão không thổi về quá khứ ảnh 1

Buổi ghi hình của Truyền hình Nhân Dân.Ảnh | TRẦN HẢI

Kể từ khi tham gia Mặt trận Việt Minh cho đến ngày về hưu (năm 1979), trong suốt 40 năm, đồng chí Quang Đạm được giao nhiều nhiệm vụ, giữ nhiều cương vị do Đảng phân công, nhưng thời gian công tác tại Báo Nhân Dân vẫn là thời gian đồng chí cống hiến nhiều nhất. Cuộc đời đồng chí trải qua bao khó khăn, sóng gió, nhưng trước sau đồng chí vẫn tỏ rõ phẩm chất cao quý của một người Cộng sản. Đó là tấm lòng trung thành với lý tưởng cao đẹp của Đảng, kiên định lập trường lý tưởng cách mạng. Đó là phẩm chất đạo đức trong sáng, chí công vô tư, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp chung của cách mạng. Đó là lối sống giản dị, liêm khiết, chan hòa với đồng chí, đồng nghiệp, dù cuộc sống khó khăn, gian khổ vẫn miệt mài làm việc với tinh thần trách nhiệm cao”.

Các thế hệ người làm báo Đảng vẫn luôn nhớ về cố nhà báo Quang Đạm - một trong những cây đại thụ đầu tiên của Báo Nhân Dân cũng là một dịch giả có tên tuổi trong làng dịch thuật Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học truyền thống, với tư chất thông minh và sự kiên trì rèn luyện, học tập, ông đã tự trang bị cho mình vốn hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực và sớm bộc lộ khả năng thiên phú với những bài báo đầy trí tuệ và tính chiến đấu. Bên cạnh học vấn uyên thâm, nhà báo Quang Đạm nổi tiếng là “cây từ điển sống”, thông thạo nhiều ngoại ngữ, luôn tự học, nỗ lực tìm tòi, trau dồi kiến thức để làm tốt mọi công việc được giao, tác phong làm việc khoa học nghiêm túc, cẩn trọng, chính xác và lối sống bình dị, nghĩa tình.

Cả cuộc đời làm báo, ông luôn hết lòng vì độc giả, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhiều bài báo chuyên luận, bình luận, xã luận sắc sảo của ông gây chú ý trong dư luận qua các thời kỳ, ví như tranh luận để xây dựng nền tư pháp nhân dân; phê phán những hiện tượng xa rời đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, tổng kết kinh nghiệm xây dựng Báo Nhân Dân, cổ vũ việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt...

Nhà báo Quang Đạm đã dìu dắt, đào tạo được nhiều thế hệ học trò làm báo xuất sắc ở ngay chính Báo Nhân Dân, nghiêm khắc nhưng thân tình, ân cần chỉ bảo; khởi xướng việc mở lớp đại học báo chí ngay tại tòa soạn. Là nhà nghiên cứu lý luận báo chí, nhiều công trình nghiên cứu giá trị của ông góp phần đặt nền tảng cho nền báo chí Việt Nam hôm nay.

***

Kỷ niệm 72 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu, tôi mong muốn những câu chuyện trên đây có thể làm cho người làm báo hôm nay có được bài học nào đó cho mình, bồi đắp thêm tình cảm yêu quý, tự hào đối với Báo Nhân Dân.

Quá khứ là vinh quang và đáng tự hào. Nhưng vinh quang, tự hào không nên là ngọn gió thổi mãi về quá khứ, thổi giữa hư không.

Vinh quang, hoài bão lớn nên là và phải là của hôm nay, của ngày mai. Thế mới gọi là đi tới.